Cập nhật: 04/08/2009 00:21:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng ngày 3.8, tại xã Thanh Vân - huyện Tam Dương, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị cộng đồng tham vấn về dự thảo Luật người khuyết tật. Ông Lương Phan Cừ - Phó chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì hội nghị. Đến dự có bà Hồ Thị Thủy - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh - Trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh.

Dự thảo luật khuyết tật gồm 4 chương, 37 điều, qui định rõ quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật. Với những qui định đã đưa ra trong dự thảo Luật. Hội nghị tham vấn đã đưa ra một số vấn đề lấy ý kiến từ chính những người khuyết tật, gia đình người khuyết tật và chính quyền tổ chức đoàn thể tại đoàn thể như: chính sách pháp luật đối với người khuyết tật đã phù hợp chưa; vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành LĐTB & XH trong việc tạo điều kiện, chăm sóc, hỗ trợ đối với người khuyết tật như thế nào. Ý kiến từ chính những người khuyết tật cho rằng nên gọi là Luật tàn tật, khuyết tật; mặc dù người tàn tật, khuyết tật đã được xã hội quan tâm song điều mà họ mong muốn là có việc làm để góp phần cải thiện cuộc sống; được vay vốn sản xuất với chế độ ưu đãi; được miễn giảm các khoản đóng góp, được cấp thẻ khám chữa bệnh. Nhà nước nên phân loại sức khỏe của những người khuyết tật để có chính sách phù hợp. Những ý kiến đóng góp của những người khuyết tật tại hội nghị tham vấn sẽ là cơ sở thực tiễn để UB các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ban soạn thảo dự thảo Luật điều chỉnh Luật  người khuyết tật cho phù hợp.

 

Buổi chiều cùng ngày, UB các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến về dự án Luật người khuyết tật tại phường Đồng Tâm – TP Vĩnh Yên. Ý kiến của 30 hộ gia đình có người tàn tật Phường Đồng Tâm và các ngành, đoàn thể TP Vĩnh Yên  đều cho rằng Quốc hội xây dựng dự án Luật người khuyết tật là cần thiết, thay thế Pháp lệnh người tàn tật năm 1998. Dự án luật có nhiều điểm mới không chỉ dừng lại ở các hoạt động hỗ trợ người tàn tật về vật chất mà còn giúp đỡ người tàn tật được hỗ trợ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng được tham gia các lớp đào tạo nghề, trực tiếp lao động sản xuất ở lĩnh vực ngành nghề phù hợp, giảm khó khăn cho gia đình. Bên cạnh đó người tàn tật được giúp đỡ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Các ý kiến đề nghị Nhà nước nối lại trợ cấp hàng tháng cho người tàn tật, càn quy định cụ thể trong luật về trách nhiệm cộng đồng, xã hội cùng chung sức tham gia giúp đỡ các đối tượng người tàn tật để họ không mặc cảm với cuộc sống, hòa nhập xã hội./.

 

Lê Minh

Tệp đính kèm