Cập nhật: 30/04/2010 00:26:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hôm nay, trong không khí tưng bừng của ngày hội lớn, cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, Tỉnh ủy, HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2010).

Đây là sự kiện lớn có ý nghĩa sâu sắc, là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, sẵn sàng đánh bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Tại lễ kỷ niệm trọng thể này, với lòng biết ơn vô hạn chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, Người lãnh đạo nhân dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn, làm nên thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

 

Chúng ta kính cẩn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Chúng ta vô cùng biết ơn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

 

Cách đây vừa tròn 35 năm, ngày 30/4/1975, với thắng lợi của Chiến dịch  Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX, do Đảng cộng sản Việt nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là trang sử hào hùng và mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

 

35 năm đã trôi qua, loài người đã bước vào thiên niên kỷ mới, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta vẫn in dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân và bạn bè tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập tự do, công lý trên thế giới và vẫn là sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Tháng 7 năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã giành thắng lợi, nhưng Mỹ là một trong những nước dự hội nghị Giơnevơ đã không ký tuyên bố cuối cùng của hội nghị “Thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” mà nhanh chóng xúc tiến kế hoạch xâm nhập miền Nam nước ta để thay thế thực dân Pháp, thực chất là xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới. Mỹ dựng lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm ở miền Nam với âm mưu tiêu diệt phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp tấn công miền Bắc và các nước XHCN.

 

Tháng 1 năm 1959 Hội nghị Trung ương lần thứ 15 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội đã xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam và chỉ rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược cách mạng ở 2 miền Nam - Bắc, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nghị quyết Trung ương 15 khẳng định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thực sự đã được khởi động một cách độc đáo, khéo léo, phù hợp với năng lực cách mạng của nhân dân miền Nam. Trước tình hình phát triển của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ vội vàng thay đổi chiến lược, chuyển từ chiến tranh đơn phương sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Chúng tăng cường tổ chức quân ngụy và bộ máy ngụy quyền, tăng cường cố vấn và lực lượng yểm trợ Mỹ, tăng viện trợ quân sự và đưa vào miền Nam các phương tiện chiến tranh hiện đại; tiến hành các cuộc hành quân càn quét dồn dân vào ấp chiến lược. Từ năm 1961 - 1964 , nhân dân miền Nam vừa đấu tranh, vừa chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Với sự chi viện đắc lực từ miền Bắc, nhiều trung đoàn chủ lực miền Nam được thành lập, tích cực mở rộng căn cứ cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, tăng cường đánh phá các căn cứ quân sự xung yếu của địch như sân bay, kho tàng, bến cảng, phá hệ thống ấp chiến lược do địch lập ra, liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường. Điển hình là trận Ấp Bắc, chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… Do thất bại liên tiếp của ngụy quân, ngụy quyền, cuối năm 1963, Mỹ phải “Thay ngựa giữa dòng” bằng việc phế bỏ Diệm - Nhu, làm cho nền chính trị tay sai của Mỹ lâm vào khủng hoảng triền miên. Chỉ trong hơn một năm rưỡi đã có 14 lần đảo chính và phản đảo chính ở miền Nam Việt Nam.

 

Ở miền Bắc, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

 

Ngày 5-8-1964 chúng đánh phá ồ ạt các khu vực Sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (thành phố Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh). Các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã nâng cao cảnh giác, hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 8 máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ. Ngày 5/8 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của bộ đội hải quân nhân dân Việt Nam. Chiến thắng 5/8/1964 cổ vũ mạnh mẽ khí thế chiến đấu, củng cố niềm tin và khẳng định ý chí quyết tâm của nhân dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.

 

Trước tình hình leo thang chiến tranh của địch và những khó khăn của cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng họp các hội nghị lần thứ 11 (3/1965), lần thứ 12 (12/1965). Trên cơ sở phân tích một cách khoa học so sánh lực lượng giữa ta và địch, Trung ương  khẳng định sự thất bại không tránh khỏi của đế quốc Mỹ và hạ quyết tâm động viên quân và dân cả nước kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi lịch sử, động viên toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống Mỹ cứu nước.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, trên hậu phương miền Bắc đã diễn ra sôi nổi các phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “tay búa, tay súng” của công nhân, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tay cày, tay súng, “xe chưa qua, nhà không tiếc” của nông dân, “ba quyết tâm” của trí thức… Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược” đã tạo nên ý chí mới, sức mạnh mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Các đơn vị phòng không, không quân, hải quân đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương anh dũng đánh trả không quân, hải quân địch, giành thắng lợi vang dội. Từ năm 1964 - 1968, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lại, bắn chìm và bắn cháy 143 tàu chiến Mỹ, ngụy, bảo đảm giao thông thông suốt, tăng cường sức người, sức của ngày càng lớn cho miền nam.

 

Trên chiến trường miền Nam, từ đầu năm 1965 đế quốc Mỹ đưa hơn nửa triệu quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu cùng một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh và trực tiếp tham chiến. Trước tình hình đó, các lực lượng vũ trang cách mạng đã tăng cường xây dựng lực lượng 3 thứ quân, đẩy mạnh tác chiến của bộ đội chủ lực kết hợp với hoạt động tác chiến rộng khắp của bộ đội địa phương và dân quân du kích. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, lực lượng vũ trang trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các đợt tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ – ngụy. Mở đầu là chiến thắng núi Thành của bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam (26/5/1965). Đây là thắng lợi rất quan trọng, chứng minh ta có đủ khả năng đánh bại lực lượng Mỹ tinh nhuệ, có số lượng đông, trang bị hiện đại. Thắng lợi này đã củng cố thêm quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta. Chiến thắng Vạn Tường và thắng lợi của các chiến dịch Plây - me, Bầu Bàng - Dầu Tiếng; tiếp đó là các chiến công vang dội đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966;1966-1997) của Mỹ ở miền Nam đã đẩy Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược.

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam đã tiến công và nổi dậy trên toàn Miền Nam, đồng loạt tiến công địch ở 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, đánh vào hầu hết cơ quan đầu não trung ương, địa phương của Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) làm cho ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ lung lay nghiêm trọng, làm thay đổi hẳn thế trận, mở ra cục diện mới, buộc chúng bắt đầu xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc lần thứ nhất, buộc phải ngồi đàm phán với ta tại hội nghị Pari, khởi đầu một quá trình đi xuống về chiến lược trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ.

 

Tháng 3/1970, Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Trước tình hình đó, Đảng ta nhận định: Đông Dương đã trở thành một chiến trường thống nhất, kẻ thù chung của ba nước Đông Dương lúc này là đế quốc Mỹ xâm lược; miền Nam Việt Nam là chiến trường chính, Campuchia là chiến trường yếu nhất của địch, Lào ngày càng có vị trí hiểm yếu, miền Bắc Việt Nam là hậu phương chung của cả 3 nước Đông Dương.

 

Đầu năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam giáng cho Mỹ - Nguỵ những đòn thất bại nặng nề, phá vỡ nhiều tuyến phòng thủ của địch, giải phóng tỉnh Quảng Trị, phần lớn tỉnh Kon Tum, Bắc Bình Định, một khu vực rộng lớn các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, khu 5 Để cứu vãn chiến lược (Việt Nam hóa chiến tranh) khỏi sụp đổ, ngày 6-4-1972 NichXơn trắng trợn mở lại cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân ồ ạt đánh phá miền Bắc lần thứ hai, thả mìn phong toả các hải cảng và bờ biển miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại của Ních Xơn lần này vượt xa cuộc chiến tranh phá hoại của Giôn Xơn về quy mô, tính chất ác liệt và sự tàn bạo. Trước tình hình đó, quân và dân miền Bắc nhanh chóng chuyển mọi hoạt động vào thời chiến. Với tinh thần dũng cảm và cách đánh mưu trí, linh hoạt, qua 7 tháng chiến đấu quyết liệt quân và dân miền Bắc, nòng cốt là quân chủng Phòng không không quân, quân chủng Hải quân, binh chủng Pháo binh, đã bắn rơi hơn 600 máy bay, trong đó có chiếc thứ 4.000 bị bắn rơi trên miền Bắc, bắn chìm và bắn cháy gần 100 tàu chiến Mỹ.

 

Từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, Ních Xơn ra lệnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô nhất mang tên “Chiến dịch Lai- nơ Bếch cơ 2” vào miền Bắc.  Chúng tập trung một số lượng lớn máy bay (trong đó có 200 máy bay chiến lược B52 và máy bay chiến thuật hiện đại nhất F111) cùng nhiều khí tài điện tử gây nhiễu, đánh phá ồ ạt, có tính chất huỷ diệt tập trung vào nhiều vùng đông dân ở Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực khác trên miền Bắc. Một lần nữa quân và dân miền Bắc đã anh dũng, mưu trí chiến đấu kiên cường, trừng trị đích đáng không quân Mỹ. Chỉ trong 12 ngày đêm bằng trí tuệ và sức mạnh Việt Nam “uy thế không lực Hoa Kỳ” bị đập tan, 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi (trong đó có 34 chiếc B52 và 5 chiếc F111), hàng trăm giặc lái bị diệt và bị bắt, buộc chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và nối lại cuộc đàm phán ở Pari..

 

Thắng lợi to lớn của quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của không quân Mỹ, đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52, cùng với thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã buộc Mỹ phải ký kết “Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”

 

Trong 2 năm 1973-1974, quân và dân ta liên tiếp mở các đợt tiến công và giành những thắng lợi quan trọng trên các chiến trường, làm cho cục diện chiến trường liên tục thay đổi có lợi cho ta. Đặc biệt chiến thắng Phước Long ta đã giải phóng và làm chủ hoàn toàn một tỉnh, nối thông hành lang chiến lược từ Tây Nguyên vào Đông Nam Bộ, tạo bàn đạp tiến công giải phóng Sài Gòn, củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng hoàn toàn miền Nam.

 

Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ lịch sử, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

 

Ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuật, mở đầu tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đây là trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch, một trận điểm huyệt, tiêu diệt nhiều lực lượng tinh nhuệ và khí tài chiến tranh của địch, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của địch ở chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó từ ngày 14/3 đến 4/4/1975, quân ta tiêu diệt nhiều vị trí quan trọng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.

 

Sau khi mất Tây Nguyên, địch hoang mang co cụm phòng thủ chiến lược. Ở phía Bắc, chúng rút bỏ thị xã Quảng Trị để tập trung bảo vệ Huế. Nắm thời cơ, ta nhanh chóng mở chiến dịch giải phóng Huế. Ngày 25/3 ta giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế.

 

Ngày 27/3 quân ta tiến công Đà Nẵng, đây là căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ 2 của địch. Ngày 28/3 pháo binh chiến dịch của ta đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Đà Nẵng khiến địch không kịp co cụm, phòng ngự được và đã nhanh chóng tan rã. Ngày 29/3 Binh đoàn Hương Giang và Sư đoàn 2 tiến nhanh vào giải phóng Đà Nẵng, kết thúc chiến dịch trong một thời gian kỷ lục là 1 ngày.

 

Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định và hoàn toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân dân ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.

 

17 giờ ngày 26/4, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng chiến dịch đều nổ súng tấn công, 17 giờ cùng ngày, ta dùng 5 máy bay A37 lấy được của địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó máy bay chế áp, làm tê liệt cầu hàng không di tản của địch, buộc Mỹ phải tổ chức chiến dịch di tản “Người liều mạng” bằng máy bay lên thẳng

 

Ngày 29/4 ta tiến hành tổng tiến công trên toàn mặt trận. Ngày 30/4 các binh đoàn đột kích thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành như: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ Đô, căn cứ Hải quân, Cảng Bạch Đằng, Đài Phát thanh, Tổng nha cảnh sát Trung ương. Địch chống trả quyết liệt, song trước sức mạnh tiến công của ta, các đơn vị chủ lực nguỵ bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm “Dinh độc lập” lúc 10 giờ 45 phút, bắt toàn bộ nguỵ quyền trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ giải phóng đã tung bay trước toà nhà chính “Dinh độc lập” lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

 

Trải qua hơn 20 năm chiến đấu kiên cường, qua 5 giai đoạn chiến lược, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân mới, quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 do đế quốc Mỹ gây ra.

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhân dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người trong thế kỷ XX, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta.

 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là kế tục thắng lợi Cách mạng Tháng 8 năm 1945, phát huy thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; là trận đánh quyết định nhất của cuộc chiến đấu 30 năm gian khổ, ác liệt, giành lại và giữ vững nền độc lập tự do thống nhất Tổ quốc. Từ đây cả dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, tạo lập cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là một thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đập tan cuộc phản công lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 của chủ nghĩa đế quốc vào trào lưu cách mạng của thời đại, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã nêu bật một chân lý: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển, song đã đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác xít- Lêninít, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược.

 

Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, nhân dân và LLVT tỉnh Vĩnh Phúc luôn đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều hy sinh gian khổ và đã có những đóng góp to lớn.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 15 vạn người con của quê hương Vĩnh Phúc đã lên đường nhập ngũ, có mặt trên khắp các chiến trường; gần 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thanh niên Vĩnh Phúc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu như Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân, người đã trở thành biểu tượng cho thế hệ thanh niên Việt Nam chống Mỹ. Hàng vạn người con của Vĩnh Phúc đã ngã xuống, hàng nghìn người đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường, góp phần làm nên thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Trong 2 lần chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc, quân và dân Vĩnh Phúc đã phối hợp với các lực lượng phòng không, không quân chiến đấu trên 700 trận, bắn cháy 120 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc B52 và 1 chiếc F111- loại máy bay hiện đại nhất của không quân Mỹ lúc bấy giờ. Tiêu biểu như dân quân xã Đạo Trù (Tam Đảo) bắng súng bộ binh bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ. Đêm 17/10/1972 dân quân xã Tiền Châu (Phúc Yên), bằng súng bộ binh bắn rơi 1 máy bay F111- đây là chiếc máy bay thứ 4.000 của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc nước ta. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ở hậu phương nhân dân Vĩnh Phúc hăng hái lao động sản xuất, đóng góp nhiều về sức người sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Với những đóng góp to lớn và thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Phúc đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Sao vàng và phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 35 năm qua, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau hơn 13 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, giành được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

 

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội yếu kém, đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành một trong 7 tỉnh, thành phố có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất, một trong 5 tỉnh, thành phố có tổng thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước. 13 năm liên tục tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân trên 18%/ năm.

 

Năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới và suy giảm kinh tế trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc vẫn đạt 8,34%; thu ngân sách đạt trên 10.300 tỷ đồng, trong đó trên 80% là thu nội địa; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 1.450 USD, gấp hơn 10 lần khi tái lập tỉnh.

 

 Năm 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2010 và giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề. Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI. Giai đoạn 2011-2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15-16%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 75 triệu đồng, tương đương 4000USD. Giai đoạn 2016-2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-14,5%; GDP bình quân đầu người đạt 6.500-7.000 USD.

 

Song song với phát triển kinh tế, quan tâm phát triển các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội nâng cao đới sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường chính trị xã hội ổn định để phát triển kinh tế. Tiếp tục củng cố và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

 

Phấn khởi tự hào kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Phúc tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hăng hái tiến lên giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa, xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành tỉnh công nghiệp, một đô thị hiện đại, văn minh, một tỉnh giàu có phồn vinh.

 

Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

 

 

 

 

Trịnh Đình Dũng

Ủy viên TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh

Tệp đính kèm