Cập nhật: 11/05/2010 07:38:35 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc đến nay vừa tròn 35 năm tuổi. 35 năm không phải là chặng đường quá dài nhưng những gì có được ngày hôm nay thực sự là trí tuệ, mồ hôi, tâm huyết của nhiều thế hệ hội viên Hội VHNT tỉnh.

Những thành tựu mà Hội đạt được trong suốt chặng đường 35 năm qua đã khẳng định: văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc đã có một “bước tiến” dài, ghi dấu sự phấn đấu nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, góp phần quan trọng bồi đắp đời sống tinh thần của nhân dân, xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, cùng nhân dân trong tỉnh bước vào thời kỳ CNH - HĐH đầy tự tin và bản lĩnh.

 

Tháng 3 năm 1975, trong lúc cả nước đang dồn sức lực vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc thì giới Văn nghệ Vĩnh Phú cũng hồ hởi tiến hành Đại hội thành lập Hội Văn nghệ lần thứ nhất (tiền thân của Hội VHNT Vĩnh Phúc sau này) tại thành phố Việt Trì. Đây là Đại hội mang tính lịch sử trong bối cảnh đất nước thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ nên đã đón hàng trăm đại biểu, các Văn nghệ sĩ ở các cơ quan Văn hóa, văn nghệ Trung ương, các vùng miền, các tỉnh thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Thừa Thiên Huế...đến chia vui, chúc mừng. Đồng chí Trần Quốc Phi được bầu làm chủ tịch Hội khóa đầu tiên. Phần lớn văn nghệ sĩ trong nhiệm kỳ này là những người đã trưởng thành trong chiến tranh nên rất giàu vốn sống, dày kinh nghiệm, sức sáng tạo lớn và là thời kỳ “nở rộ” nhiều tài năng, xuất hiện nhiều tác phẩm Văn học, nghệ thuật gây được tiếng vang trong cả nước. Nhiều hội viên đã được kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương.

 

Qua 2 kỳ đại hội tiếp theo, đội ngũ văn nghệ sĩ Vĩnh Phú tiếp tục được bổ sung với một lực lượng đông đảo hơn. Trong giai đoạn này, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ đã có những tác phẩm nghệ thuật thu hút được sự quan tâm chú ý của công chúng tại triển lãm toàn quốc và quốc tế. Đây cũng là thời kỳ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định tặng giải VHNT Hùng Vương lần thứ I (5 năm một lần) cho những tác phẩm tác giả xuất sắc. Hàng trăm tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa của các hội viên được đưa vào tuyển chọn, xét giải. Tháng 1 - 1995, đại hội nhiệm kỳ IV (1995 - 2000) được tiến hành, đến giữa nhiệm kỳ (đầu năm 1997), tỉnh Vĩnh Phú được chia tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập cũng là thời điểm Hội VHNT tỉnh được thành lập theo Quyết định số 21/QĐ - TU ngày 25 tháng 1 năm 1997. Tháng 2 - 1999, đại hội lần thứ V được diễn ra, khi ấy Hội chỉ có 30 hội viên.

 

Kể từ khi tái lập tỉnh cho đến nay, Hội đã có những bước trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển VH - XH của tỉnh. Từ chỗ chỉ có 30 hội viên đến nay Hội đã có 129 hội viên ở 8 chuyên ngành, trong đó 47 hội viên thuộc các Hội chuyên ngành Trung Ương. Tuy có nhiều đặc thù riêng, song các chi hội chuyên ngành đã bám sát nhiệm vụ, sáng tạo nhiều hình thức hoạt động sôi nổi và hiệu quả, làm nên một “diện mạo” mới cho hoạt động Văn học nghệ thuật. Những tác phẩm của văn nghệ sĩ Vĩnh Phúc phản ánh sinh động những góc cạnh của cuộc sống, đó là tinh thần, ý chí đấu tranh anh dũng của quân dân Vĩnh Phúc trong kháng chiến; tính cần cù, chịu thương, chịu khó, hăng say lao động của con người Vĩnh Phúc trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước; đó là sự năng động, sức sáng tạo phi thường của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đang góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển mạnh của cả nước… Mỗi tác phẩm ra đời không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn mang “hơi thở” của cuộc sống với ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

 

Nhiệm kỳ VI (2004 - 2009), là nhiệm kỳ Hội VHNT tỉnh dành được nhiều kết quả đáng mừng và được coi là nhiệm kỳ “được mùa” nhất, nở rộ nhất của chi hội văn xuôi kể từ khi thành lập cho đến nay: 25 đầu sách đã được xuất bản, trong đó có 7 tiểu thuyết, 18 tập truyện ký, 1 tiểu thuyết được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình dài tập. Một số tác phẩm đã gây được sự chú ý của độc giả yêu mến văn chương và giới phê bình trong cả nước như tiểu thuyết: “Vận may”, “Đồng vọng ngược chiều”, “Phá sản”, “Phố thị” (của tác giả Nguyễn Nhuận Hồng Phương), “Kêu oan”, “Đường đời” (Nguyễn Anh Chức)…

 

Gần 600 tác phẩm thơ, văn xuôi được in trong tạp chí Văn nghệ của Hội, hàng nghìn tác phẩm với nhiều thể loại được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; xuất bản hơn 40 tập thơ…là những con số ấn tượng mà chi hội Thơ đã đạt được trong 5 năm trở lại đây. Chi hội hiện có 42 hội viên và là chi hội có số hội viên đông nhất (chiếm 1/3 lực lượng của Hội). Năm năm qua, các hội viên luôn thể hiện rõ quan điểm, lập trường của người cầm bút đối với sự nghiệp văn nghệ của Đảng. Các tác phẩm sáng tác đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Cùng với các cuộc thi sáng tác thơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng năm chi hội thơ cũng đã tổ chức thành công ngày thơ Việt Nam, nhiều cuộc hội thảo lớn mang tầm khu vực và quốc gia…Đây thực sự là những diễn đàn sôi động, mang nhiều ý nghĩa, giúp các tác giả thơ Vĩnh Phúc nhìn lại và tự khẳng định mình trên con đường thi ca.

 

Tuy lực lượng viết mỏng (chỉ có 6 hội viên) nhưng hoạt động của chi hội VNDG và Nghiên cứu lý luận phê bình đang khẳng định vị thế của mảng văn học đầy tiềm năng này. Nhiều công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về văn hoá, lịch sử của các tác giả: Nguyễn Xuân Lân, Bùi Đăng Sinh, Lâm Quý, Lê Kim Thuyên, Dương Văn Lãm, Thảo Dân…cùng một số tác phẩm dịch thuật của tác giả Trần Trọng Sâm đã được xuất bản và được bạn đọc trong tỉnh và cả nước quan tâm như: “Văn hoá ẩm thực Vĩnh Phúc”, “Văn hoá các dân tộc thiểu số Vĩnh Phúc”, “Trò chơi thể thao dân gian Vĩnh Phúc”, “Những giai thoại chơi chữ nghệ thuật”, “Qùa quê và các món ăn dân dã”, tác phẩm dịch “Tôi nói thật với Thủ tướng”, “Tôi nói thật với Nhân dân”…

 

Cũng như chi hội VNDG, số lượng hội viên của chi hội nghiên cứu lý luận phê bình ít hơn so với các bộ môn khác song hoạt động của chi hội trong những năm qua có nhiều khởi sắc, thể hiện qua các cuộc tranh luận học thuật trên diễn đàn báo chí, qua các cuộc hội thảo trao đổi nghiệp vụ, đi thực tế sáng tác. Chỉ tính riêng trong 5 trở lại đây chi hội đã cho ra mắt 3 tập nghiên cứu lý luận phê bình trong đó có 2 tập “Hoành phi, câu đối hay ở Vĩnh Phúc” và “Dấu địa linh trên mọi miền Vĩnh Phúc” của tác giả Nguyễn Quý Đôn thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều người.

 

Chi hội nhiếp ảnh hiện có 15 hội viên, hầu hết các hội viên đều có tay nghề khá chắc. Trong 5 năm trở lại đây, nhiếp ảnh Vĩnh Phúc đã dành được trên 10 giải Quốc tế, giải quốc gia, hàng chục giải khu vực. Nhiều năm liền, bộ môn nhiếp ảnh Vĩnh Phúc đều là đơn vị đứng đầu trong khu vực miền núi phía Bắc và có chỗ đứng nhất định đối với nhiếp ảnh cả nước.

 

Chi hội Mỹ thuật hiện có 27 hội viên. Các hoạ sĩ Vĩnh Phúc đã tích cực sáng tạo, tham gia các triển lãm khu vực và toàn quốc giành được nhiều giải cao. Nhiều hoạ sĩ đã tổ chức được triển lãm cá nhân tại thủ đô Hà Nội và ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, được Hội Mỹ thuật Việt Nam và giới chuyên môn đánh giá cao, được đông đảo công chúng yêu mến mỹ thuật biết đến.

 

Tuy mới được thành lập song chi hội sân khấu cũng đã có khá nhiều hoạt động để tự khẳng định và làm phong phú hoạt động VHNT. Hàng chục vở kịch, vở chèo, tiểu phẩm đã được ra đời phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Một số hội viên là các nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh đã dành được nhiều huy chương các loại trong các kỳ liên hoan, hội diễn khu vực và toàn quốc…

 

Tham dự nhiều trại sáng tác, tổ chức hàng trăm buổi giao lưu, tọa đàm, trao đổi với các nhạc sĩ trong khu vực và cả nước, hàng trăm tác phẩm được phổ biến, hàng chục chương trình văn nghệ quần chúng được dàn dựng cho các ngành và địa phương tham dự hội diễn cấp tỉnh và khu vực...là những con số mà chi hội Âm nhạc đã làm được trong những năm gần đây. Không chỉ tập trung vào những đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu mà các nhạc sĩ còn hướng những sáng tác của mình vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước, ngợi ca con người mới. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ còn phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và tỉnh tổ chức được hàng chục chương trình biểu diễn ca nhạc, ghi âm, ghi hình, phát sóng phục vụ khán thính giả trong tỉnh và cả nước.

 

Đồng hành với những sáng tạo của văn nghệ sĩ suốt chặng đường 35 năm, tạp chí mang tên “Sáng tác mới”, sau đó là “Văn nghệ đất tổ” và hiện nay là “Văn nghệ Vĩnh Phúc” đã không ngừng được đổi mới về nội dung và hình thức. Tạp chí đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; giới thiệu các sáng tác VHNT phục vụ nhiệm vụ Chính trị - KT - VH - XH trong tỉnh. Bên cạnh các sáng tác của hội viên, tạp chí còn cho đăng tải các tác phẩm văn, thơ của các hội viên trung ương và các địa phương khác trong cả nước nhằm trao đổi học tập lẫn nhau giữa các cây bút. Tạp chí cũng đã mở thêm chuyên trang, chuyên mục, đăng tải nhiều kỳ các nội dung về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

Thành quả của 35 năm xây dựng và trưởng thành của Hội VHNT Vĩnh Phúc là “nền móng” vững chắc để văn nghệ sĩ hôm nay vững bước trên con đường hội nhập và phát triển. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, Hội VHNT tỉnh sẽ tiếp tục khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ trong tỉnh, làm nên những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, ngang tầm với lịch sử truyền thống, với con người và quê hương Vĩnh Phúc; góp phần tích cực vào việc xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

                                                                                                           

 

 

 

QUANG MINH

Tệp đính kèm