Trước những diễn biến thời tiết bất thường, không có lợi cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa họp đột xuất bàn biện pháp chăm sóc lúa Xuân. Nhiều ý kiến cho rằng thời tiết ấm, lạnh đan xen có thể làm giảm năng suất lúa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của miền Bắc.
Nguy cơ mất mùa
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ Xuân năm nay, miền Bắc đã gieo cấy xong 1,12 triệu héc ta lúa, trong đó lúa Xuân sớm khoảng 120ha, chiếm trên 10% toàn vụ, còn lại 90% là lúa muộn. Cục Trồng trọt nhận định, lúa Xuân tại các tỉnh, thành phía Bắc sẽ trỗ bông vào đầu tháng 5. Một số diện tích tại các địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình... sẽ trỗ sớm hơn. Tuy nhiên, Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương dự báo thời tiết năm nay sẽ có nhiều diễn biến thất thường. Sau ngày 15-3, dự kiến lại có thêm một đợt rét nữa và sẽ kéo dài đến cuối tháng. Do đó, thời tiết chi phối tháng 3 này sẽ là rét chứ không ấm như tháng 2. Đến tháng 4, chắc chắn trời sẽ ấm hơn. Đến tháng 5 dự báo sẽ nắng sớm và gay gắt hơn nhiều năm. Đầu tháng 5, dự kiến sẽ có hai đợt nắng nóng tương đối lớn. Ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, thời tiết âm u sẽ làm cho bệnh đạo ôn bùng phát nhanh. Hơn nữa, theo tổng kết của Trung tâm từ năm 1968 tới nay, những vụ thuận lợi dịp đầu năm thì khả năng mất mùa sẽ rất cao. Lúa trỗ vào đầu tháng 5 lại bị hai đợt nóng rất đậm, sẽ thiệt hại cho các tỉnh Tây Bắc rất nhiều. Theo kinh nghiệm, miền Bắc thường không mất mùa bởi lạnh mà bởi trời nóng. Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu theo đúng dự báo thời tiết, khả năng mất mùa có thể tái diễn như năm 1992 - 1993. Đáng lưu ý là khoảng 30 nghìn héc ta ở miền Bắc nông dân sử dụng các giống ngắn ngày KD18, Q5, BT7, HT1, ĐB5, ĐB6... cấy vào trà xuân sớm với mục đích thu hoạch sớm, tránh lũ tiểu mãn hoặc làm giống chuyển vụ… nếu trời tiếp tục ấm thì có khả năng trỗ bông sớm trước ngày 15-4, dễ gặp rét làm giảm năng suất.
Sâu bệnh phát triển mạnh
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay, ốc bươu vàng, sâu đục thân và sâu 2 chấm đang xuất hiện nhiều. Theo nhiều chuyên gia, thời tiết mưa ẩm nhiều như hiện nay cũng rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, do đó cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và điều trị kịp thời. Đại diện Viện Nghiên cứu miền Trung cũng cho rằng nếu ban đầu thuận lợi, nắng ấm thì chu kỳ sâu bệnh sẽ hoàn thiện, do đó sẽ bất lợi về sau. Nhiệt độ tháng 2 cao hơn trung bình nhiều năm 4-5oC, nắng bức xạ cao, trung bình 120-150 giờ. Theo dự báo khoảng vài ngày nữa sẽ có sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn lây lan từ Huế ra. Vì vậy, giải pháp xử lý bằng nước và phân bón sẽ an toàn nhất. Về phân bón, do nhiệt độ cao, mưa đều, bà con nên dừng bón phân đạm, rút cạn nước trong ruộng, tăng cường bón thêm phân ka-li giúp lúa Xuân cứng cây, kháng bệnh đạo ôn và tăng khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng lên thân, lá. Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, sâu bệnh là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa vụ Đông Xuân này. Về bệnh đạo ôn, thông thường sau cấy lúa 30 ngày xuất hiện bệnh trên lá. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, có khả năng sẽ làm giảm năng suất lúa Đông Xuân tại miền Bắc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt ba biện pháp: bón phân, giữ nước, tiêu trừ sâu bệnh, trong đó bón phân giữ vai trò quyết định.
Theo HNM