Cập nhật: 15/04/2009 22:59:08 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng qua 14-4, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ QH đã bắt đầu phiên họp thứ 19 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch QH.

Phiên họp này dự kiến làm việc đến hết ngày 21-4 để giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư (TÐC) công trình thủy điện Sơn La; giám sát về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; cho ý kiến vào 12 dự án luật sẽ được trình QH thông qua và trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XII, đồng thời quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

 

Ðến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước dự án Thủy điện Sơn La; đại diện nhiều bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương hữu quan và đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH.

 

Ngay sau khi khai mạc, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe đồng chí Ksor Phước, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH trình bày báo cáo giám sát việc di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La. Báo cáo cho biết, dự án thủy điện Sơn La ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh: Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu; năm 2004, Chính phủ đã xác định phạm vi ảnh hưởng: Tổng diện tích đất bị ngập 23.333 ha, trong đó đất nông nghiệp 7.670 ha, đất lâm nghiệp 3.170 ha... Tổng giá trị thiệt hại 1.788 tỷ đồng. Ðã bố trí địa bàn tiếp nhận số hộ vùng bị ngập đến TÐC trên địa bàn ba tỉnh là 21 vùng thuộc 21 huyện, thị xã với 111 khu gồm 270 điểm.

 

Số dân phải di chuyển dự kiến đến năm 2010 là 18.897 hộ, 91.100 khẩu thuộc tám huyện, thị xã. Ðối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: dân tộc Thái 83,1%, La Ha 5,9%, Kinh 5,6% và các dân tộc thiểu số khác, như: Kháng, Khơ Mú, Mông... chiếm 6,3%.

 

Những khu, điểm TÐC tiếp nhận đồng bào là địa bàn dân cư thưa thớt, vùng sâu, vùng xa thuộc thôn bản đặc biệt khó khăn, biên giới và xã khu vực II. Ðặc điểm đối tượng TÐC đa số là dân tộc thiểu số chủ yếu sản xuất nông nghiệp, quen làm lúa nước nên khi di chuyển lên vùng cao dễ bị tổn thương do còn nhiều hộ nghèo, tập quán sản xuất lạc hậu, các nguồn thu chủ yếu dựa vào nông-lâm nghiệp là chính.

 

Từ ngày 9 đến 17-2-2009, Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH đã tiến hành giám sát tại ba tỉnh: Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu. Theo đánh giá của Ðoàn giám sát và qua thảo luận, cho thấy, kết quả đạt được là đã xây dựng và ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện dự án; đồng thời thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp khả năng của ngân sách Nhà nước và thực tế ở địa phương. Các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai và huy động cả hệ thống chính trị thực hiện chủ trương, chính sách di dân TÐC.

 

Triển khai di dân, TÐC thủy điện Sơn La được chuẩn bị thận trọng qua từng giai đoạn và đồng bộ. Khối lượng công việc TÐC rất lớn, yêu cầu cao nhưng đến nay công tác TÐC cơ bản bảo đảm yêu cầu kịp thời cho các mốc chính; phấn đấu đẩy nhanh tiến độ có thể hoàn thành dự án trước hai năm so với kế hoạch.

 

Chính sách bồi thường, hỗ trợ TÐC ngày càng phù hợp hơn với nguyện vọng của người dân; bảo đảm người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn nơi cũ về nhà ở, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, đường giao thông, lớp học; đời sống được ổn định bước đầu.

 

Tuy nhiên, đến nay cũng bộc lộ những hạn chế yếu kém, như việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể và sửa đổi, bổ sung các chính sách, cơ chế, nhất là cơ chế đặc thù trong thu hồi đất, giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp về di dân, TÐC cũng như công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu, điểm TÐC còn chậm; chất lượng quy hoạch chi tiết thấp; phê duyệt dự án và thiết kế kỹ thuật-dự toán, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng xây lắp một số nội dung chưa phù hợp các quy định hiện hành; một số dự án đã triển khai thi công nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư và nhiều quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch hằng năm đã và sẽ gây áp lực lớn cho thời gian còn lại và ảnh hưởng đến chất lượng TÐC và đời sống nhân dân sau TÐC. Việc quy định về định mức xây dựng các khu TÐC theo tiêu chuẩn nông thôn về đất ở, về xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung, chưa phù hợp với đặc điểm tập quán sinh sống của người dân...

 

Sau khi nêu rõ những nguyên nhân của những kết quả đạt được và những tồn tại, yếu kém nói trên, Ðoàn giám sát kiến nghị với QH cần có Nghị quyết về kết quả giám sát di dân, TÐC thủy điện Sơn La và báo cáo đề nghị QH xem xét thông qua chủ trương điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư Dự án thủy điện Sơn La, trong đó có dự án di dân, TÐC; đồng thời cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng: Thị trấn Phiêng Lanh (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) và thị xã Mường Lay (tỉnh Ðiện Biên) làm cơ sở để Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng tiến độ.

 

Chỉ đạo HÐND các tỉnh, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH cần quan tâm theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện TÐC thủy điện Sơn La và hậu TÐC thủy điện Sơn La. Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán hằng năm việc thực hiện các nguồn vốn cho TÐC thủy điện Sơn La báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và QH xem xét. Sớm hoàn thành điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch tổng thể để trình QH, xem xét thông qua điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư Dự án TÐC thủy điện Sơn La (cả ba hợp phần chính, trong đó có dự án TÐC).  Ðồng thời cũng đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ các bộ, ngành, địa phương liên quan.

 

 

 

Theo ND

Tệp đính kèm