Hầu hết các cử tri cho rằng, dấu ấn rõ nét nhất trong báo cáo của Chính phủ là những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần triển khai quyết liệt hơn nữa những chủ trương, chính sách lớn đã đề ra từ Trung ương đến cơ sở.
Mặc dù tình hình kinh tế xã hội đã có những chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm 2009, nhưng báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc khẳng định: khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục tác động tiêu cực đến nước ta. Khó khăn của chúng ta còn nhiều, có mặt còn gay gắt hơn, cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng còn lại của năm nay.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội, cử tri cả nước đã có những ý kiến bày tỏ tin tưởng vào sự thành công bước đầu của Chính phủ trong việc chống suy giảm kinh tế.
Hầu hết các cử tri cho rằng, dấu ấn rõ nét nhất trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội là những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần triển khai quyết liệt hơn nữa những chủ trương, chính sách lớn đã đề ra từ Trung ương đến cơ sở.
Cử tri Nguyễn Thanh Bằng ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội bày tỏ vui mừng về công tác điều hành của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tốt trong việc phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh, đặc biệt triển khai gói kích cầu kinh tế bước đầu có hiệu quả; mong Quốc hội tiếp tục giám sát và Chính phủ triển khai hiệu quả giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; như tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao sản lượng và giá trị nông lâm nghiệp…
Là người thường xuyên theo dõi diễn biến các kỳ họp Quốc hội qua làn sóng của Đài Tiếng Nói Việt Nam, ông Hoàng Tặng, ở phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu bày tỏ tin tưởng Quốc hội sẽ có những chủ trương mới để đưa đất nước ta sớm vượt qua khó khăn suy giảm kinh tế hiện nay. Tuy nhiên ông Hoàng Tặng cũng cho rằng, có những vấn đề khi Quốc hội đã có chủ trương, nghị quyết, nhưng thường được triển khai rất chậm. Ông Tặng đề nghị Quốc hội nên có những quyết sách để việc triển khai tốt hơn đến từng cơ sở.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, cử tri ở ấp Tân Hội, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nêu ý kiến: Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện cho vay vốn hỗ trợ lãi suất 4%/năm phục vụ sản xuất, kinh doanh, tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hầu như chưa có hộ nông dân nào tiếp cận được với nguồn vốn này vì bà con đã thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng trước đó, nay nợ cũ chưa trả nên không đủ điều kiện vay thêm.
Nhiều cử tri mong muốn Quốc hội đề ra những giải pháp mạnh hơn nữa trong việc kiểm soát, bình ổn giá, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Cử tri Nguyễn Hoàng Anh, ở thành phố Huế nói: “Thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách về kiềm chế tăng giá, tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng vẫn tăng cao, ví dụ như mặt hàng sữa. Tôi đề nghị Quốc hội đưa ra những chính sách để chấn chỉnh tình trạng này. Đặc biệt là xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân đầu cơ, tăng giá”.
Giá cả, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long và làm cho họ không yên tâm. Ông Lê Minh Phụng, người dân ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Thuận, huỵên Vĩnh Thụân (Kiên Giang) kiến nghị: “Quốc hội phải làm sao để kiềm chế giá cả, ổn định thị trường, nhất là giá phân bón và đồ tiêu dùng, lên cao quá thiệt thòi cho người nông dân…”
Kiến nghị về vấn đề hạ tầng cơ sở, cử tri Đặng Văn Triều ở huỵên Vĩnh Thụân (Kiên Giang) có ý kiến: “Đời sống của người dân nông thôn cũng rất cần được quan tâm. Quốc hội phải làm thế nào để xoá dần khoảng cách giữa chúng tôi với người dân thành thị, nhất là về vấn đề cầu, đường, trường trạm để đảm bảo việc đi lại, học hành. Gần đây, Nhà nước đã có đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…”.
Về Đề án tăng học phí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra, cử tri Nguyễn Sang, huyện Hương Trà có ý kiến: “Tôi thấy đề án tăng học phí thời điểm này là chưa thích hợp, bởi dân ta còn nghèo. Tôi đề nghị nên lùi thời điểm thực hiện đề án và tiếp tục miễn giảm học phí cho học sinh nghèo để tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn. Tôi mong muốn Chính phủ và Bộ Giáo dục có những chính sách hợp lý để thúc đẩy giáo dục phát triển hơn”.
Anh Nguyễn Thành Trung, trú tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bày tỏ: “Tôi mong muốn kỳ họp lần này quan tấm đến vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên thế nào cho phù hợp. Thanh niên ra trường, thanh niên ở các vùng nông thôn cần có việc làm ổn định. Vấn đề tiền lương cho công nhân ở vùng nông thôn ra làm việc ở các khu công nghiệp cũng rất cần được quan tâm. Theo tôi được biết thì mức thu nhập của họ rất thấp so với giá cả thị trường xã hội hiện nay”.
Sáng nay, 21/5, các đại biểu Quốc hội làm việc ở tổ, buổi chiều Quốc hội làm việc tại Hội trường./.
Theo VOV