Sáng 21-5, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm; về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu góp ý kiến tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt chung quanh việc Chính phủ thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu, tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, chính sách tài chính, tiền tệ, lĩnh vực việc làm, chăm lo đời sống người lao động...
Các đại biểu Phạm Thị Loan, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Ðặng Huyền Thái (Hà Nội), Ðặng Ngọc Tùng (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã linh hoạt, năng động trong việc điều hành đất nước, chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần coi trọng điều hành phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững. Nếu không, trước tình hình khó khăn hiện nay, không cẩn thận nền kinh tế nước ta sẽ đi hết "điểm nóng" này đến "điểm nóng" khác. Một số đại biểu nêu, hiện nay, theo như Báo cáo của Chính phủ và theo phân tích, dự đoán của các chuyên gia, tình hình lạm phát có thể đã được kiểm soát. Nhưng phải chú trọng đề phòng tình trạng tái lạm phát.
Về gói kích cầu do Chính phủ đưa ra, nhiều đại biểu đánh giá trên thực tế đã được thực hiện linh hoạt, kịp thời, nhưng lâu nay mới chỉ tập trung cho những doanh nghiệp, đơn vị kinh tế đang làm ăn bình thường. Như vậy, đơn vị nào "đang khỏe" sẽ "khỏe lên", còn những đơn vị đang gặp khó khăn về vốn, không đủ tiền trả lương cho công nhân, lao động, không có tài sản thế chấp sẽ không tiếp cận được gói kích cầu. Ðề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những điều khoản, quy định tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn tiếp cận được với nguồn vốn này, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước. Ðiều đó bảo đảm sự công bằng, hiệu quả, đúng mục đích trong việc tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ.
Ðóng góp ý kiến về vấn đề bội chi ngân sách Nhà nước, các đại biểu cho rằng, cần triệt để khai thác mọi nguồn thu để giảm bội chi ngân sách ở mức cao nhất. Ðể Chính phủ thuận tiện trong việc điều hành, cần tăng cường tính chủ động, linh hoạt, ứng biến nhanh. Như thế, các chỉ tiêu đưa ra nên là chỉ tiêu "mềm". QH cần ủy quyền nhiều hơn nữa cho Ủy ban Thường vụ QH, trong một số trường hợp không cần phải đợi đến kỳ họp QH mới đưa ra. Về gói kích thích kinh tế của Chính phủ, một số đại biểu nhận xét, có gói mới được đưa vào từ tháng 1, có gói được đưa vào từ tháng 5-2009. Vì thế QH nên bàn sâu về vấn đề này vì lượng tiền 143 nghìn tỷ đồng đưa ra mà chưa đúng về thời gian, đối tượng, mang tính hỗ trợ ngắn hạn thì có thể dẫn đến lạm phát tăng trở lại... Ðại biểu Ðặng Huyền Thái (Hà Nội) đề cập đối tượng của gói kích cầu trong thời gian qua, có khoảng 10% số doanh nghiệp vừa và nhỏ mới tiếp cận nguồn vốn vay. Việc tổ chức thực hiện gói kích cầu trong thời gian tới cần xem xét ưu tiên cải cách thủ tục hành chính trong quá trình tổ chức thực hiện. Cần hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước nhưng các doanh nghiệp đó cần nâng cao tính cạnh tranh, đầu tư lớn nhưng phải mang lại hiệu quả cao.
Về lĩnh vực giải quyết việc làm, chăm lo đời sống người lao động, một số đại biểu QH cho rằng, không thể giải quyết được khủng hoảng, suy thoái kinh tế nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động. Ðại biểu một số địa phương cũng đề cập thực trạng một bộ phận người nước ngoài đến du lịch ở lại làm việc mà chưa có kiểm soát. Vì thế, thời gian tới cần tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ chất lượng người lao động nước ngoài ở Việt Nam; bên cạnh đó, đề ra chính sách ưu tiên tạo việc làm cho người trong nước, đặc biệt bộ phận lớn lao động có tay nghề ở các làng nghề đang bị mất việc.
Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu. Các đại biểu đóng góp ý kiến dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước, cho biết:
Tại kỳ họp thứ 4 (11-2008), QH đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Bồi thường Nhà nước. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH để chỉnh lý dự thảo Luật và tổ chức lấy ý kiến các đại biểu QH, đồng thời xin ý kiến các Ðoàn đại biểu QH ở địa phương. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và bố cục của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho biết, Dự thảo Luật trình QH cho ý kiến có tên gọi là "Luật Bồi thường Nhà nước". Qua thảo luận, có ý kiến tán thành với tên gọi do Chính phủ trình. Có ý kiến đề nghị tên gọi là "Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước", "Luật Về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước", "Luật Nhà nước bồi thường". Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, tên gọi của Luật phải rõ ràng, dễ hiểu và thể hiện rõ chủ thể có trách nhiệm bồi thường là Nhà nước. Vì vậy, đề nghị QH cho lấy tên gọi của Luật là "Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước". Về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trình QH cho ý kiến. Theo đó, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong ba lĩnh vực là quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng, nhưng đề nghị quy định cụ thể các trường hợp được bồi thường, căn cứ và nguyên tắc bồi thường, trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường và mức bồi thường. Có ý kiến cho rằng, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính hiện nay rất phức tạp, trong khi đó quy định của dự thảo Luật trình QH còn chung chung, không rõ khi nào phát sinh quyền yêu cầu bồi thường, khi nào phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, không rõ cơ chế nào để giải quyết bồi thường, cho nên khó khả thi... Mặt khác, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự là lĩnh vực đặc thù, đã có Nghị quyết số 388 của Ủy ban Thường vụ QH. Ðề nghị tập trung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính. Cần quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho người bị thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng.
Về trách nhiệm quản lý về công tác bồi thường, một số đại biểu tán thành với dự thảo, coi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là lĩnh vực quản lý chuyên ngành nên cần quy định cụ thể nội dung quản lý Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Có ý kiến cho rằng, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ phát sinh khi tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra và là hệ quả trực tiếp của việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không phải là một việc xảy ra thường xuyên, nhưng có thể xảy ra ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, không thể coi đây là một lĩnh vực quản lý Nhà nước độc lập, có tính chuyên ngành để từ đó hình thành hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường và không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế của Nhà nước ta. Ðóng góp ý kiến về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường, một số đại biểu cho rằng, thực chất trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính là hệ quả của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện hành chính. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện hành chính là cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cần phải tạo được sự liên thông giữa Luật này và Luật Khiếu nại, tố cáo trong việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ...
Theo Báo ND