Cập nhật: 27/05/2009 07:56:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 9 (FMM 9) được tổ chức tại Hà Nội chiều qua (25/5) với sự tham dự của các Bộ trưởng và quan chức ngoại giao cao cấp của 45 nước thành viên ASEM.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tiếp theo Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2004, trong tháng 5 này, Việt Nam vừa được vinh dự tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 2, và hôm nay, lại được chào đón các vị Bộ trưởng Ngoại giao và các Trưởng đoàn của 44 thành viên ASEM tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 9.”

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong hai thập kỷ qua, thế giới đã và đang chứng kiến nhiều chuyển biến to lớn và sâu sắc. Châu Á tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, trong khi châu Âu đạt được những tiến bộ to lớn trong tiến trình nhất thể hóa. Sự ra đời của ASEM vào năm 1996 không chỉ bổ sung một “mắt xích bị thiếu” trong quan hệ quốc tế, mà quan trọng hơn, sự kiện này thể hiện quyết tâm của nhân dân Á-Âu trong việc xây dựng quan hệ đối tác giữa hai châu lục, vì lợi ích của các thành viên và đóng góp hiệu quả hơn cho quan hệ quốc tế mới.

 

Theo Thủ tướng, Hội nghị FMM9 diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế đang gây ra những tổn thất to lớn, đẩy thế giới vào một thời kỳ hết sức khó khăn và bất ổn. “Chúng ta đang phải ứng phó với những tác động tiêu cực về chính trị, kinh tế, xã hội của cuộc khủng hoảng, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt mang tính toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng, chủ nghĩa khủng bố… mà tác hại không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 6,7 tỉ người đang sống trên trái đất hiện nay, mà còn đối với cả các thế hệ con cháu chúng ta mai sau. Điều này đặt ra cho tất cả chúng ta yêu cầu phải có sự phối hợp hành động chung để cùng nhau vượt qua khó khăn,” ông nói.

 

Thủ tướng cũng khẳng định FMM9 sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và trách nhiệm của các thành viên ASEM cùng nhau vượt qua khủng hoảng, ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu và đóng góp tích cực hơn vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

 

Là một trong những nước thành viên sáng lập, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và đóng góp tích cực cho ASEM. Chúng tôi tham gia một cách chủ động và có trách nhiệm trong hợp tác ASEM, không chỉ về đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế, mà cả trong các lĩnh vực khác, nhất là văn hoá, giáo dục và y tế. Đặc biệt, chúng tôi đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM5 và nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng khác, đóng góp nhiều sáng kiến thiết thực cho ASEM.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Với vai trò là “cầu nối” Cấp cao ASEM 7 và Cấp cao ASEM 8, FMM9 cần tập trung vào những nội dung chính sau: Thứ nhất và cũng là trọng tâm của FMM9 là tăng cường hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, việc tăng cường vai trò của các thể chế tài chính quốc tế, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, phát triển bền vững là những vấn đề quan trọng của FMM9; Thứ hai, cần tăng cường hợp tác ứng phó với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, khủng bố quốc tế, an ninh hàng hải...;Thứ ba, thúc đẩy đối thoại chính trị về tình hình thế giới và khu vực trên tinh thần cởi mở, xây dựng, tôn trọng lẫn nhau. Hội nghị sẽ trao đổi về những diễn biến gần đây tại châu Á và châu Âu, cùng tìm ra tiếng nói chung nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực giữa hai châu lục; Thứ tư, cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh của hai châu lục cần được tiếp tục duy trì qua tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đối thoại tín ngưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của Quỹ Á-Âu; Cuối cùng là tương lai phát triển của ASEM. Hội nghị sẽ cùng tìm ra biện pháp nâng cao hiệu quả điều phối và khuôn khổ hợp tác trong ASEM, thảo luận về việc kết nạp thêm thành viên mới và chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 8 tại Brussel.

 

Lễ công bố sáng kiến ASEM nhằm nhanh chóng ngăn chặn dịch cúm

 

Sự bùng phát của dịch cúm A/H1N1 đang khiến cộng đồng thế giới lo sợ và nguy cơ xảy ra sự sụp đổ nền kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 đã chứng kiến Lễ công bố “Sáng kiến ASEM nhằm nhanh chóng ngăn chặn dịch cúm”.

Sự kiện này được Chính phủ Nhật Bản phối hợp với quỹ Á-ÂU (ASEF) tổ chức và do Chính phủ Việt Nam đăng cai. Trong buỗi lễ đã diễn ra thủ tục bàn giao hộp mẫu thuốc kháng virus và thiết bị bảo vệ cá nhân, do Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản tặng cho Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

 

Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất một dự án dự trữ 500.000 liều thuốc kháng virus và bộ thiết bị bảo vệ cá nhân tại Singapore, dưới sự giám sát của ASEF và phân phối theo chỉ dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Một phần khác của dự án là thành lập một “mạng lưới y tế công động ASEF” như một nền tảng nhằm tăng cường cộng tác trong các vấn đề liên quan tới y tế giữa châu Á và châu Âu. Mạng lưới này sẽ hỗ trợ các đối tác đa phương chống lại các thách thức đối với an ninh y tế toàn cầu và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa những thành viên chính của hai khu vực.

 

Trong phát biểu chào đón sáng kiến này, ngài Dominique Girard, Giám đốc điều hành Quỹ Á-Âu chỉ ra rằng: trong tương lai, dự án này sẽ được nhìn nhận như một cột mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác ASEM, bởi nó bao gồm cả việc dự trữ thuốc kháng virus và việc xây dựng nền tảng đầu tiên để đối mặt với các vấn đề y tế giữa châu Á và châu Âu. Được triển khai ngay lập tức, “Mạng lưới y tế công cộng ASEF” sẽ làm việc với các đối tác đoàn thể xã hội cũng như các thành phần y tế chủ chốt, bao gồm cả khu vực tư nhân, để thực hiện kế hoạch hành động đối với dự án 5  năm, từ 2009-2013.

 

Ngài Hirofumi Nakasone, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, cảnh báo: “Một đại dịch cúm có thể xảy ra do bệnh cúm gia cầm H5N1 rất dễ phát sinh, hiện đang hoành hành tại Châu Á, thường trực một mối đe dọa nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là chúng ta phải luôn sẵn sàng đối phó với kịch bản tồi tệ nhất.”/.

 

 

Theo VOV

Tệp đính kèm