Cập nhật: 26/06/2009 05:02:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo đánh giá chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2009 tiếp tục có chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,9%.

Sản xuất tiếp tục tăng trưởng dương

 

Tháng 6, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn tháng trước. Như vậy giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng liên tục trong 5 tháng qua (tháng 2 tăng 8,4%; tháng 3 tăng 2,3%; tháng 4 tăng 5,4%; tháng 5 tăng 6,8%, tháng 6 tăng 8,2%).

 

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt 342,2 nghìn tỷ đồng (16,5%) tiếp tục cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm ngoái 4,8%. Nhiều sản phẩm công nghiệp tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành như điều hòa nhiệt độ 44,7%, xi măng 24,1%... Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao 6 tháng đầu năm là Quảng Ninh 11,5%, Bà Rịa-Vũng Tàu 10,6%...

 

Sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp vượt qua nhiều khó khăn đạt được kết quả tốt, ước đạt 96,6 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Do diện tích và năng suất các vùng đều tăng mạnh nên sản lượng lúa đông xuân đạt trên 18,6 triệu tấn, tăng 32,2 vạn tấn so với cùng kỳ 2008. Vụ Đông xuân được mùa có ý nghĩa tích cực cả về kinh tế-xã hội, góp phần ổn định giá lương thực.

 

Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2,278 triệu tấn, tăng 5%. Diện tích trồng rừng cũng tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm sút song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 6 vẫn tăng 2,3% (đạt 94 nghìn tỷ đồng) so với tháng 5 đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng lên 547 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, nếu tính theo số lượng (sản lượng xuất khẩu dầu thô, khoáng sản giảm) và giá trị tuyệt đối do không tính tới yếu tố tăng đột biến của giá dầu năm 2008 thì kim ngạch xuất khẩu 6 tháng 2009 vẫn tăng so với cùng kỳ 2008.

 

Tuy nhiên suy thoái kinh tế và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp đã khiến giá bình quân hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm như dầu thô (53%), cao su (44%), café (28,3%)…Mặc dù vậy, 6 tháng đầu năm các mặt hàng xuất khẩu nông sản như sắn, gạo, hạt tiêu, hàng thủy sản liên tiếp có mức tăng trưởng dương và tăng cao so với cùng kỳ.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng 5. Tính chung kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đạt 29,7 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ. Những mặt hàng nhập khẩu giảm chủ yếu là sắt thép các loại (54,7%), ô tô nguyên chiếc (47,9%), thức ăn gia súc giảm 23,3%, máy móc thiết bị phụ tùng (19,2%).

 

Tuy nhiên tháng 6 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam nhập siêu trở lại sau 3 tháng đầu năm xuất siêu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo riêng tháng 6 nhập siêu có thể lên tới 1 tỷ USD, tính chung nhập siêu 6 tháng hơn 2,1 tỷ USD.

Thu ngân sách nhà nước tính theo lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6 ước đạt 171 nghìn tỷ đồng bằng 49,3% dự toán cả năm (cùng kỳ năm 2008 đạt 60,6% dự toán năm). Đây là mức được đánh giá là mức thu khá.

 

6 tháng đầu năm có hơn 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tăng 14% so với cùng kỳ. Mức giải ngân ODA 6 tháng đầu năm đạt 1,27 tỷ USD, bằng 67% kế hoạch năm.

 

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng nhẹ

 

Theo báo của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2009 tăng 0,55% so với  tháng 5 và tăng 2,68% so với tháng 12/2008. CPI tháng 6 tăng ở cả 10 nhóm hàng với mức tăng từ 0,07-1,45%. Tăng mạnh nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng là 1,45%. Tiếp theo là nhóm đồ dùng và dịch vụ khác với mức tăng 1,36%; nhóm phương tiện đi lại và bưu điện với mức tăng 1,35% trong đó chủ yếu là tăng ở nhóm phương tiện đi lại. Trong tháng 6, nhóm thực phẩm tăng khá mạnh với mức tăng 0,67% trong khi nhóm này chiếm tới 25% trong rổ hàng hóa chung. Tăng thấp nhất vẫn là nhóm giáo dục với mức tăng 0,07%. 

 

Theo Bộ Công Thương, CPI tháng 6 tăng là do giá cả một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, chất đốt tăng khá mạnh; kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác. Bên cạnh đó, gói kích cầu tiêu dùng của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6 tăng 2,3% so với tháng 5; 6 tháng tăng 20% so với cùng kỳ 2008 khiến giá cả tăng nhẹ.

Bên cạnh đó, số liệu 6 tháng qua cũng cho thấy: Xu hướng tăng giá của các tháng trong năm 2009 so với các tháng trong năm 2008 đang giảm dần theo từng tháng (từ mức 17,48% của tháng 1 xuống 14,78% của tháng 2; xuống 11,25% của tháng 3; xuống 9,23% của tháng 4; xuống 5,58% của tháng 5 và tháng 6 là 3,94%).

 

Đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, với diễn biến như vậy, CPI bình quân cả năm 2009 so với 2008 sẽ chỉ ở mức một con số (không phải ở mức hai con số như trước đó các chuyên gia kinh tế dự báo). Như vậy chúng ta có khả năng đạt chỉ tiêu CPI tăng dưới 10% Quốc hội đề ra..../.

 

 

 

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Tệp đính kèm