Cập nhật: 10/09/2009 06:29:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mưa lũ diễn biến phức tạp trong những ngày qua đã làm nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện nay, các địa phương này đang nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất.

Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến hết ngày 8-9, áp thấp nhiệt đới gây mưa kéo dài ở khu vực miền trung - Tây Nguyên đã làm 8 người chết và mất tích, chín người bị thương, 24 nghìn ha lúa, rau màu ngập úng, hư hại... Mưa to và gió lớn cũng làm hàng nghìn nhà, trạm y tế, UBND xã bị đổ, sập, ngập... Hiện nay, các tỉnh trong khu vực huy động lực lượng tại chỗ, kể cả lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn sẵn sàng gặt lúa khi trời ngớt mưa và đồng bớt ngập úng; đồng thời nắm chắc tình hình thiệt hại của người dân, chủ yếu là thiệt hại về nông nghiệp và đề xuất phương án để hỗ trợ bà con trong lúc khó khăn do thiên tai.

 

Theo Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến nay, trên tuyến biển từ Quảng Trị đến Phú Yên có 5.337 tàu (38.897 người) đã được thông báo, hướng dẫn di chuyển phòng, tránh áp thấp nhiệt đới hoặc vào bờ trú ẩn. Trong đó, neo đậu và hoạt động ven bờ từ Ðà Nẵng đến Bình Ðịnh có 2.703 tàu (16.255 lao động); khu vực quần đảo Hoàng Sa 73 tàu (1.760 lao động); hoạt động ở các vùng biển khác bao gồm cả quần đảo Trường Sa 2.561 tàu (20.882 lao động).

 

 

* UBND tỉnh Thanh Hóa vừa cấp 25.380 kg gạo cho 170 hộ, 846 nhân khẩu ở hai xã Tân Trường, Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia; 43.830 kg gạo cho 220 hộ, 944 nhân khẩu ở thôn Cát Tân, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành và ngay 38.730 kg gạo cứu trợ 445 hộ, 2.582 nhân khẩu thiếu lương thực trong kỳ giáp hạt ở huyện Mường Lát. Ðây là những vùng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai trong thời gian vừa qua.

 

* Mưa lũ liên tục trong mấy ngày qua tại Thừa Thiên - Huế làm 2 người chết, hơn 1.500 ha lúa chín rộ ngã, có nguy cơ mất trắng. Nhiều công trình đê bao, thủy lợi, giao thông bị sạt lở, hư hỏng nặng. Mưa lũ đã làm nhiều tuyến quốc lộ như 49B, tỉnh lộ 14B ngập nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông. Nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có chín điểm sạt lở với số lượng ước tính hơn 200 m3 đất hiện đã cơ bản được khắc phục, bảo đảm thông tuyến từ đồng bằng với huyện miền núi. Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương, ban ngành huy động nhân dân khẩn trương tổ chức gia cố, sửa chữa kịp thời các công trình đê bao, thủy lợi trong khả năng cho phép. Xử lý tạm thời các tuyến đường giao thông bị hư hỏng nhằm kịp thời phục vụ giao thông đi lại đối với người dân.

 

* Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ngãi đến chiều 8/9, tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 31 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. BCH Quân sự tỉnh đã huy động trên 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị của tỉnh và huyện về các địa phương bị ngập nặng như ở các xã Đức Thắng, Đức Thạnh, Đức Phong giúp nhân dân thu hoạch lúa chín ở các vùng bị ngập nặng. UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các huyện bị thiệt hại nặng huy động lực lượng tại địa phương tập trung khắc phục thiệt hại, giúp nông dân các vùng trũng thấp tiếp tục gặt nhanh những vùng lúa đã chín.

 

* Theo thống kê sơ bộ của Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Gia Lai, đến hết ngày 8/9 mưa lớn đã làm 2 người chết ngập úng gần 200 ha lúa nước, hoa màu tại các huyện: Chư Prông, Đak Đoa, Chư Pah, làm sập 2 cây cầu (cầu 20 ở huyện Mang Yang và cầu Suối đục huyện Chư Prông), hư hỏng gần chục km đường giao thông. Khi nước rút, lực lượng chức năng ở các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực để giúp dân thoát lũ, ổn định cuộc sống. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Trung đoàn 7- Quân đoàn 3, Huyện đội Mang Yang đã cử hàng trăm lượt chiến sỹ có mặt kịp thời ở các điểm sạt lở để giúp dân. Sau khi cây cầu 20 bị sập, Trung đoàn 7 đã cử lực lượng túc trực cả ngày để giúp vận chuyển người, phương tiện qua lại nơi đây, khẩn trương làm cầu tạm để thuận tiện cho người dân đi lại...

 

* Đến hết ngày 8/9, tỉnh Tiền Giang có trên 1.635 ha lúa hè thu muộn bị các cơn mưa lớn và kéo dài trong tuần vừa qua làm thiệt hại, phần lớn tại các huyện phía đông tiếp giáp với biển Đông, trong đó nặng nhất là huyện Chợ Gạo với trên 1.072 ha, nông dân phải tổ chức gieo sạ lại gây nhiều tốn kém. Hiện nay, nông dân đang tập trung khắc phục hậu quả, tổ chức gieo sạ lại diện tích đã bị hư hỏng do mưa, đảm bảo tiến độ và kế hoạch gieo sạ, chăm sóc tốt diện tích đã xuống giống để đạt một vụ mới bội thu. Tỉnh cũng có trên 3.700 ha lúa hè thu chính vụ gieo sạ trễ có khả năng phải chịu ảnh hưởng của lũ lụt, tuy nhiên do đại bộ phận đều có đê bao bảo vệ nên thiệt hại không lớn.

 

* Tại Cà Mau, ngành nông nghiệp tỉnh và các huyện đang khẩn trương cử cán bộ thống kê thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ nông dân, đặc biệt vận động lực lượng giúp dân gặt lúa, mở hết hệ thống cống đập để tháo nước nhanh, bảo vệ sản xuất. UBND tỉnh Cà Mau đã cử nhiều đoàn công tác đến các hộ gia đình bị nạn thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 5.000.000 đồng/nhà bị sập; 1.000.000 đồng/nhà bị tốc mái. Ðồng thời vận động bà con trong xóm, ấp giúp đỡ nhau, cùng tập trung lực lượng để sửa chữa, cất mới nhà, nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất cho các hộ dân./.

 

 

 

Báo Điện tử ĐCSVN

 

 

 

Tệp đính kèm