Cập nhật: 01/01/2010 05:00:20 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội trong bối cảnh suy thoái, khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên toàn cầu, Cùng điểm lại 10 dấu ấn nổi bật về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2009:

1. Tăng trưởng GDP 5,2%, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực

 

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, với sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Chính phủ có nhiều quyết định kịp thời, thực hiện gói kích cầu đầu tư sản xuất, tiêu dùng hơn 1 tỷ USD, hỗ trợ lãi suất với mức 4% đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn tại ngân hàng thương mại. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp giảm, giãn, miễn thuế, mở rộng thị trường nội địa; triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…đã tạo ra cú hích quan trọng giúp các doanh nghiệp và nhân dân gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động và tạo thêm việc làm cho 1,5 triệu lao động.

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo kích cầu đầu tư, tạm hoãn thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước, đồng thời ứng trước từ ngân sách để thực hiện một số dự án cấp bách; tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp, nông thôn, các công trình y tế, giáo dục, an sinh xã hội; tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài và vốn viện trợ phát triển. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thường xuyên làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn; thực hiện giao ban trực tuyến với các địa phương về các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, ngăn chặn suy giảm, ổn định kinh tế vĩ mô. Xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục (6 triệu tấn), cao nhất từ trước đến nay. Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức đi vào hoạt động và khởi công xây dựng một loạt các tuyến đường giao thông cao tốc.

 

Nhờ các giải pháp tổng hợp nêu trên, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, GDP tăng 5,2%; là 1/12 nước có GDP tăng trưởng dương của thế giới và là nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo IMF (công bố tháng 10/2009): Năm 2009 Indonesia: 4,0%; Malaysia: - 3,6%; Philippines: 1%; Thailand: -3,5%; Việt Nam: 4,6%.

 

2. Lạm phát dưới 7%, trong bối cảnh Chính phủ phải triển khai nhiều chính sách kích cầu

 

Chính phủ chủ động chuyển hướng chính sách tài chính, tiền tệ vừa linh hoạt vừa thận trọng nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, quản lý tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng dư nợ tín dụng; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở. Lường trước hiệu ứng của việc triển khai đồng thời nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất và thực thi chính sách tài khóa mở rộng sẽ gây sức ép tăng lãi suất và lạm phát, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh giảm mức hỗ trợ lãi suất, thu hẹp phạm vi áp dụng đối với các khoản vay trung, dài hạn; kết thúc gói hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động vào ngày 31/12/2009... Tổng thu ngân sách năm 2009 tiếp tục tăng, đạt khoảng 390,65 nghìn tỷ, bằng 100,2% kế hoạch dự toán; bội chi ngân sách khống chế dưới 7% GDP. Giá cả thị trường tương đối ổn định. Kiềm chế lạm phát phi mã (từ 19,89%) năm 2008, xuống còn khoảng 7%, trong bối cảnh áp dụng nhiều biện pháp kích cầu đầu tư, đã miễn, giảm, giãn hoãn thời gian nộp một số loại thuế, với tổng số khoảng 20.000 tỷ đồng; bảo lãnh 1.110 dự án với tổng mức vốn hơn 8.360 tỷ đồng. Các mặt hàng xăng dầu, điện, than được chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường theo lộ trình, không gây xáo trộn.

 

Kết quả việc chủ động chuyển hướng điều hành, phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, đồng bộ, phù hợp với thực tế của Chính phủ đã góp phần quan trọng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng phù hợp, kiềm chế lạm phát ở mức chỉ bằng 1/3 năm 2008.

 

3. Chi an sinh xã hội tăng 62% so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 11%

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng an sinh xã hội và quan tâm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách và những vùng khó khăn. Cùng với việc bảo đảm nguồn lực và tăng cường chỉ đạo thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đã có, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội mới như: Hỗ trợ người nghèo ăn Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, hỗ trợ cho người lao động mất việc; trợ cấp khó khăn cho cán bộ công chức có thu nhập thấp trong 4 tháng đầu năm; triển khai tích cực Chương trình 30a về giảm nghèo ở 62 huyện và quyết định hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư ở địa bàn khó khăn; xây dựng công trình cấp nước trên các đảo có đông dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ lãi suất vay mua vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn; xây dựng ký túc xá cho sinh viên; chính sách ưu đãi xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung, người thu nhập thấp ở đô thị; điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung và tiền lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung sức giúp đỡ nhân dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 9, số 11, sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

 

Tổng số chi cho an sinh xã hội năm 2009 ước khoảng 22.470 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2008. Trợ cấp cứu đói giáp hạt và khắc phục thiên tai hơn 41,5 nghìn tấn gạo. Các doanh nghiệp hỗ trợ 62 huyện nghèo trên 1.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ của 18 chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ước tăng 45,3% so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đến cuối năm còn khoảng 11%.

 

4. Thu hút đầu tư nước ngoài và viện trợ chính thức đạt mức cao trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu

 

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chính phủ tăng cường chỉ đạo thúc đẩy quan hệ hợp tác đặc biệt với Lào, hợp tác toàn diện với Campuchia, củng cố hợp tác nhiều mặt với các nước ASEAN; tăng cường và nâng cấp quan hệ với các nước lớn, đưa các quan hệ này đi vào chiều sâu, chú trọng hiệu quả, thiết thực; đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng trên thế giới. Trong quan hệ đa phương, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp phát huy vai trò chủ động của Việt Nam trong hợp tác ASEAN; tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9; đảm đương tốt cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; ban hành Kế hoạch chuẩn bị để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam, vị thế của Việt Nam được nâng cao trong khu vực và trường quốc tế. Chính phủ tăng cường nội dung hợp tác kinh tế trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Chính phủ; tập trung đẩy mạnh xúc tiến kinh tế đối ngoại; đàm phán và đưa vào thực hiện Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) với một số nước; hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Trung Quốc, tạo điều kiện rất quan trọng để xây dựng biên giới Việt – Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển bền vững, lâu dài; tổ chức thành công Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất; ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản (VJEPA). Các nhà tài trợ trên thế giới đã cam kết hỗ trợ ODA cho Việt Nam năm 2010 trên 8 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 21 tỷ USD. Năm 2009, mặc dù có nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng thương mại của Việt Nam với các nước vẫn đạt khoảng 130 tỷ USD. Việt Nam cũng có 457 dự án đầu tư đang thực hiện ở 50 nước và vùng lãnh thổ, với số vốn khoảng 7,2 tỷ USD ; đặc biệt hợp tác đầu tư với Lào, Campuchia, LB Nga ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

 

5. Lần đầu tiên sau 64 năm, Chính phủ công bố bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Tổ công tác Đề án 30 theo Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 24/8/2008) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Tổ trưởng. Giúp việc Tổ có Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Hội đồng. Lần đầu tiên sau 64 năm, nước ta đã công bố bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với trên 5.700 thủ tục hành chính được thực hiện tại 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã công khai bộ thủ tục hành chính của Bộ, ngành, địa phương mình, thể hiện một bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính, là tiền đề quan trọng để tiến tới đơn giản hóa tối thiểu 30% quy định về thủ tục hành chính hiện hành.

 

Nếu thực hiện tốt việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đúng yêu cầu đặt ra, mỗi năm sẽ cắt giảm được trên mười ngàn tỷ đồng chi phí tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính. Số tiền này sẽ được tái đầu tư trở lại cho nền kinh tế, kích thích đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra nhiều việc làm và của cải cho xã hội.

 

6. Giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ và môi trường phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trầm trọng

 

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục – đào tạo; thực hiện chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên với tổng dư nợ gần 18.800 tỷ đồng tăng gần gấp đôi năm 2008. Quy mô giáo dục, đào tạo các cấp đều tăng; đẩy mạnh quản lý chất lượng giáo dục từ phổ thông đến đại học. Số học sinh bỏ học giảm 41% so với năm 2008; tích cực triển khai chương trình xây dựng ký túc xá cho sinh viên. Số lượng giao dịch mua bán công nghệ tăng 37%. Công nghệ thông tin, truyền thông phát triển mạnh, tổng số thuê bao điện thoại lên tới hơn 113,6 triệu, số người sử dụng internet là 22,4 triệu. Phòng chống dịch bệnh, vệ sinh, an toàn thực phẩm được coi trọng hơn. Năm 2009, khởi công xây dựng thêm 85 bệnh viện tuyến huyện, 16 bệnh viện đa khoa thuộc các tỉnh vùng núi, vùng khó khăn, các tỉnh mới chia tách.

 

Việc xử lý chất thải y tế, chất thải đô thị, khu công nghiệp và xử lý ô nhiễm các lưu vực sông đạt được kết quả tích cực. Chính phủ đã chỉ đạo hình thành kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng để làm căn cứ xây dựng các phương án ứng phó thích hợp. Tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á trong nhà (AIG) lần thứ 3. Đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích vang dội đứng thứ nhì tại AIG lần 3 và thứ nhì tại SEA Gemes 25. Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai và hoàn thiện các công trình phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội…

 

7. Đưa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được kết quả bước đầu quan trọng

 

Nhằm tăng cường công tác xây dựng thể chế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, góp phần giải tỏa các điểm nghẽn của tăng trưởng, năm 2009, Chính phủ hoàn thành một khối lượng lớn các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, UBTV Quốc hội (27/31 dự án luật); về chất lượng được nâng lên một bước. Trong năm 2009, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xử lý xong 300/400 đề án do các Bộ, cơ quan trình. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều biện pháp đổi mới; trong đó giảm bớt đáng kể các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện minh bạch hóa thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện đăng tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan chủ trì soạn thảo.

 

Thủ tướng Chính phủ chú trọng chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong công tác này; xây dựng Đề án tài phán hành chính, Đề án đổi mới công tác tiếp công dân; xây dựng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến trên nhiều mặt. Các cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố điều tra 297 vụ với 680 bị can có hành vi tham nhũng; truy tố 163 vụ với 391 bị can; tổng số tiền, tài sản tham nhũng đã tịch thu sung công quỹ là 39,97 tỷ đồng. Chính quyền các cấp giải quyết được khoảng 84% các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

 

8. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành

 

Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục là nét mới trong năm 2009. Trong các chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ quy định rõ từng nhiệm vụ, thời gian và phân công người chịu trách nhiệm thực hiện; đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; hàng tháng, hàng quý có kiểm điểm và báo cáo đánh giá tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện. Các thành viên Chính phủ tích cực tham gia công tác chung của Chính phủ; chủ động nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách cần thiết trong và ngoài lĩnh vực phụ trách. Văn phòng Chính phủ đã kiện toàn tổ chức, triệt tiêu cơ bản các yếu tố quan liêu, bị động, nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tốt gần 100 chuyến công tác địa phương của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương, phòng chống, khắc phục thiên tai, lụt bão; khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

 

Bộ máy công quyền định vị rõ nét chất lượng một nền hành chính chuyển mạnh sang chức năng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

 

Đây cũng là năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hành chính Nhà nước đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo điều hành. Hàng trăm cuộc giao ban truyền hình trực tuyến được tổ chức thường xuyên từ cấp Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

9. Ghi dấu mốc mới trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử

 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường công khai hóa, minh bạch hóa thông tin, đều đặn, hàng tháng, ngay sau mỗi phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong vai trò Người phát ngôn của Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời với cơ chế Người phát ngôn, thông qua Cổng TTĐT Chính phủ và Trang tin/Cổng Thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp kịp thời thông tin chính thống cho nhân dân và cho các cơ quan thông tin đại chúng; hoặc tiếp thu ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp góp ý đối với các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật chuẩn bị ban hành.

 

Trong năm 2009, hàng nghìn thư của công dân, doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền, bộ, ngành qua Cổng Thông tin điện tử, trong đó hàng trăm thư Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chuyển đến các cơ quan liên quan đã được trả lời, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp, tạo nên sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 10 tháng 10 năm 2009 nhấn nút khai trương Giao diện Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quản lý toàn diện, trực tiếp) và Báo điện tử Chính phủ, đánh dấu mốc đậm nét trong lộ trình phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Đây cũng là cú hích để cuối năm 2009 hàng loạt Trang tin/Cổng Thông tin điện tử của các Bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra đời hoặc nâng cấp, cùng với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hình thành hệ thống thông tin điện tử hành chính, là hạt nhân của Chính phủ điện tử; phát triển song hành vừa là công cụ vừa là động lực của tiến trình cải cách hành chính, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời kỳ nước ta hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.

 

10. Quốc phòng, an ninh vững vàng, trật tự an toàn xã hội đảm bảo

 

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá đất nước, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia nhằm xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; tăng cường tiềm lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang; kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình, kích động biểu tình, bạo loạn, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định chính trị - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Năm 2009 ghi dấu ấn lần thứ 3, công bố “Sách trắng quốc phòng Việt Nam” thể hiện quan điểm: Nước ta chủ trương duy trì và phát triển quốc phòng đủ mạnh, kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ với trọng tâm là xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Nhiều thông tin mới như ngân sách quốc phòng, tổng quân số, cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, các quân, binh chủng... những thay đổi lớn về quốc phòng trong 5 năm qua cũng được nêu trong Sách trắng, thể hiện được sự cởi mở, minh bạch về quốc phòng của Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên, chính sách hợp tác quốc phòng được nêu rõ, thể hiện chủ trương tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực và quốc tế của Đảng, Nhà nước và QĐND Việt Nam…

 

 

Nguồn: chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm