Trung tuần tháng 1/2010, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước phải báo cáo Thủ tướng kế hoạch triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.
Đây là nhiệm vụ trước đó đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các Bộ, ngành, địa phương tại văn bản 2008/CT-TTg ngày 1/12/2009 về tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.
Cụ thể, theo Chỉ thị 2008/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách kích thích kinh tế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại.
Cùng với đó là thực hiện các biện pháp để tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hoá; theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, có biện pháp can thiệp hoặc trình cấp có thẩm quyền can thiệp kịp thời không để xảy ra khan hiếm hàng hoá, sốt giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Các công tác như: cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, đốt pháo bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm việc hỗ trợ, cứu trợ (bao gồm cả vật tư, hàng hóa) cho các vùng bị thiên tại, bão lũ, dịch bệnh, cho các hộ nghèo đúng đối tượng, đúng chế độ,... đều nằm trong các công việc phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 mà Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai, để đảm bảo cho nhân dân vui đón Tết an toàn, tốt đẹp.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, các báo cáo cần nêu rõ giải pháp cụ thể đơn vị đã triển khai để thực hiện từng nhiệm vụ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và các kiến nghị (nếu có).
Tiến độ các báo cáo phải hoàn thành trước 10/1/2010. Cùng với đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 2008/CT-TTg và tổng hợp báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/1/2010.
Sôi động thị trường Tết
Đến thời điểm này, điểm qua tình hình thị trường chuẩn bị Tết cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã lên kế hoạch kinh doanh trong dịp Tết Canh Dần 2010. Nguồn hàng cũng đã được chuẩn bị khá đầy đủ, với sức mua dự kiến tăng khoảng 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái, giá cả một số mặt hàng cũng tăng nhẹ.
Dự báo, thị trường Tết tại Hà Nội sẽ sôi động với lượng hàng hóa dự kiến tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm tập trung và các mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, lượng hàng hóa dự trữ của Hà Nội ở mức gạo các loại 4.510 tấn, thịt gia súc gia cầm 2.420 tấn, thủy hải sản đông lạnh 940 tấn, rau củ quả các loại trên 2.180 tấn, đường gần 120 tấn, bánh mứt kẹo 80 tấn,...
Tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc duy trì ổn định thị trường cuối năm, phục vụ tốt nhân dân đón Tết Nguyên đán. UBND tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ lãi suất cho 2 doanh nghiệp là công ty cổ phần lương thực và công ty cổ phần xuất nhập khẩu trong thời gian 3 tháng để dự trữ trên 5.000 tấn gạo đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến Tết Nguyên Đán. Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý 216 vụ vi phạm về thương mại, thu nộp ngân sách hơn 407 triệu đồng.
Đối với hệ thống các siêu thị, một trong những địa điểm mua sắm mà người dân thường hướng tìm đến vào dịp Tết, đến thời điểm này cũng đã có kế hoạch chuẩn bị hàng bán Tết phong phú. Như hệ thống siêu thị Fivimart đã dành 350 tỷ đồng cho hơn 20 ngàn mặt hàng phục vụ Tết, tập trung chủ yếu vào nhóm thực phẩm thiết yếu như: thực phẩm tươi sống – thịt gia súc, gia cầm; thực phẩm đông lạnh – thủy, hải sản; thực phẩm khô – nem, giò, xúc xích, lạp xưởng; nông sản khô – gạo nếp, đậu đỗ các loại…
Tương tự, siêu thị BigC Thăng Long đã huy động 150 tỷ đồng và thực hiện cam kết được 70% lượng hàng với các nhà cung ứng. Nhằm khắc phục hiện tượng quá tải, siêu thị BigC Thăng Long cũng đang tiến hành tăng gấp đôi diện tích để xe, huy động thêm 10 máy tính tiền, nhận và đào tạo 100 nhân viên sẵn sàng phục vụ Tết.
Điểm đáng chú ý trên thị trường hiện này là tâm lý “sính” nội cũng đang hình thành khá rõ nét trong xu hướng mua sắm của người dân, đặc biệt là sau tháng khuyến mại với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bởi vậy, các cửa hàng đã chuẩn bị sẵn một lượng hàng Tết do các doanh nghiệp trong nước sản xuất được dự báo là có nhu cầu tiêu thụ cao như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica,...
Theo HNM Online