Cập nhật: 06/03/2010 04:01:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đang mùa xuân, nhưng nhiệt độ trung bình trong những ngày gần đây khá cao. Nắng nóng cộng với trời nồm khiến nhiều người dễ mắc bệnh; các dịch bệnh có điều kiện lây lan và phát triển.

Theo ghi nhận tại các bệnh viện, mới là những ngày sau Tết số lượng người bệnh đến khám và điều trị đã tăng cao (dù chưa bằng mức trung bình hằng ngày). Khoa khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai) mỗi ngày tiếp nhận 1.500 đến 1.700 người đến khám bệnh (mức trung bình là 2.000), bên cạnh những trường hợp bệnh mạn tính: tim mạch, nội tiết, thận... sau thời gian ăn Tết lên khám lại và tiếp tục quá trình điều trị, cũng xuất hiện nhiều trường  hợp  mắc các bệnh liên quan thời tiết. Viện Lão khoa thì luôn kín các giường bệnh. Tại Bệnh viện nhi T.Ư, số lượng trẻ đến khám cũng ở mức 1.000 đến 1.200 cháu. Nguyên nhân được xác định do độ ẩm cao, nền nhà, chân tường ẩm thấp nhưng nhiệt độ ngoài trời lại cao, nóng. Hơn nữa, không khí ẩm ướt kết hợp nắng nóng là môi trường thuận lợi để nấm mốc phát triển. Những người có cơ địa yếu rất dễ sinh bệnh. Chính vì vậy, mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhất là các bệnh viêm đường hô hấp, như: viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản... các bệnh do vi-rút; các bệnh liên quan thực phẩm... Các bác sĩ khuyến cáo, để thích ứng với kiểu thời tiết này nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đồ dùng trong nhà cũng cần được lau chùi thường xuyên, sắp xếp gọn gàng, để nhà thoáng, khô ráo.

 

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm xảy ra ở nhiều nơi, đi liền với đó là dịch cúm A (H5N1) xuất hiện trên người. Ðã có ba người mắc cúm A (H5N1), trong đó có một người chết. Ðây là một dịch rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, năm 2009 cả nước có năm người mắc thì cả năm người chết. Ðiều tra dịch tễ, cả ba trường hợp này đều có tiếp xúc với gia cầm bị bệnh. Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Không vận chuyển, mua bán, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

Trong khi đó, tại An Giang, tiếp tục ghi nhận người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả. Ðã có hơn 100 người mắc tiêu chảy, trong đó hơn mười trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Kết quả xét nghiệm một số nguồn nước ở đây cũng phát hiện vi khuẩn tả. An Giang lại là tỉnh đầu nguồn, các nhà dịch tễ cảnh báo khả năng dịch dễ lan rộng ra các tỉnh trong khu vực. Chính vì vậy, cơ quan y tế, chính quyền địa phương phối hợp các ngành có liên quan cần theo dõi, xử lý triệt để môi trường, nguồn nước không để phẩy khuẩn tả có điều kiện tồn tại. Bên cạnh đó, mọi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...

 

Bộ Y tế nhận định tình hình dịch, bệnh đang diễn biến phức tạp, một số dịch nguy cơ lan rộng, có thể xuất hiện thêm dịch bệnh mới. Vì vậy, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sẽ ngăn chặn lây lan bệnh, dịch đem lại sức khỏe tốt cho mỗi người, gia đình và cộng đồng.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm