Xây dựng Luật thuế môi trường là vấn đề mới trong ban hành chính sách tài chính ở Việt Nam và có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng lo ngại sẽ không tránh khỏi những tác động nhất định đến sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đến người tiêu dùng thông qua việc tăng giá sản phẩm hàng hoá.
Trong phiên họp chiều ngay15/3, UBTVQH tập trung thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Thuế môi trường
5 nhóm hàng hoá chịu thuế môi trường
Theo Tờ trình về dự án Luật thuế môi trường của Chính phủ, sẽ có 5 nhóm hàng hoá thuộc diện chịu thuế môi trường. Đó là: xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut), than, môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon(dung dịch HCFC), túi ni lông, thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách chưa tán thành vì cho rằng, hiện nay không chỉ có 5 nhóm hàng hoá trên là tác động xấu đến môi trường mà còn nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là các loại hoá chất độc hại, các sản phẩm độc hại... tác động trực tiếp đến môi trường và sức khoẻ môi trường. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại danh mục hàng hoá, khảo sát thêm thực tiễn, bổ sung các đối tượng chịu thuế dựa trên nguyên tắc đã là sản phẩm gây tác động tiêu cực đến môi trường thì phải thuộc diện chịu thuế. Đồng thời, đối với những sản phẩm hàng hoá có mức độ tác động không lớn hoặc hàng hoá có gây ô nhiễm song tại thời điểm hiện nay cần hỗ trợ để bảo đảm tính cạnh tranh thì trước mắt có thể áp dụng thuế suất thấp hoặc quy định mức thuế suất 0% để xử lý linh hoạt.
Dự thảo Luật cũng đưa các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế môi trường nhưng không được sử dụng ở Việt Nam vào đối tượng không chịu thuế môi trường. Cụ thể là hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua biên giới Việt Nam; hàng tạm nhập tái xuất trong thời hạn theo quy định; hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu.
Lo thuế “chồng” lên phí
Một vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi là khi ban hành luật thuế môi trường thì có tiếp tục duy trì hệ thống quy định về phí môi trường như hiện hành hay không?
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận- Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật bản chất thu thuế và thu phí đều do Nhà nước thu để đầu tư nhưng trong dự thảo luật chưa làm rõ được sự khác nhau cơ bản giữa việc thu thuế và thu phí môi trường.
Nếu theo quy định của Dự thảo luật thì chỉ riêng đối với mặt hàng xăng, dầu khi áp dụng thuế môi trường sẽ bỏ quy định về thu phí xăng, dầu. Còn với một số mặt hàng khác vẫn tiếp tục phải chịu thêm cả phí môi trường.
Hiện mức thuế tối đa trong khung qui định mà cơ quan soạn thảo Dự án Luật đưa ra là 4000 đồng/lít xăng, 2000 đồng/ lít dầu (tương đương khoảng 25% giá bán hiện hành).
Một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, biên độ khung thuế suất đối với xăng dầu là rộng; mức trần 4000 đồng là cao. Hiện nay trong giá xăng dầu đã bao gồm rất nhiều loại thuế, phí và chiếm tới 40% giá của một lít xăng; riêng phí là 1000 đồng. Nếu áp dụng mức thuế suất đối với xăng dầu như quy định của Dự thảo luật, cho dù có trừ phí xăng dầu thì giá xăng dầu vẫn sẽ tăng; đồng thời dẫn đến tăng giá của nhiều hàng hoá, dịch vụ có sử dụng xăng, dầu. Vì vậy, cần tính toán hợp lý để tránh gây tác động đến đời sống người dân, gây biến động về giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến cả cân đối kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Hà Văn Hiền- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế kiến nghị, đã quy định thu thuế về môi trường thì không thu phí môi trường nữa để người sản xuất chỉ phải nộp 1 lần cho cùng một mục đích.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, có sự khác nhau về tính chất giữa thuế môi trường và phí môi trường. Nếu thuế được thu vào sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường khi sử dụng thì phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm. Vì vậy, vẫn phải áp dụng cả phí môi trường và thuế môi trường ở những công đoạn khác nhau, với những đối tượng khác nhau.
Về vấn đề này, Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, mỗi một sắc thuế có tính chất khác nhau, điều chỉnh những đối tượng, hành vi khác nhau; không thể lấy sắc thuế này thay thế sắc thuế khác. Vì vậy, sẽ có những mặt hàng vừa là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu song cũng vẫn là đối tượng chịu thuế môi trường.
Về thuế suất đối với than, theo Dự thảo luật, mức thuế tối thiểu bằng mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện hành là 6000 đồng/ tấn (khoảng 1% giá bán). Mức thuế tối đa là 30.000 đồng/ tấn (khoảng 5% giá bán). Theo lí giải của cơ quan soạn thảo, thì việc thu thuế môi trường đối với than nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm và giảm ô nhiễm môi trường, mức thu từ 6000-30000 đồng/tấn là phù hợp nhằm dự phòng trượt giá khi phải sử dụng than nhập khẩu.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, than là sản phẩm gây ô nhiễm nặng khi sử dụng, giá bán lại tăng song biên độ thuế suất đối với than được quy định trong Dự thảo luật từ 6000- 30000 là quá rộng, mức sàn thấp. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị thu hẹp biên độ khung thuế suất, đồng thời phải phân loại từng loại than dựa trên mức độ gây ô nhiễm, từ đó áp dụng mức thuế suất phù hợp./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN