Cập nhật: 01/07/2010 00:40:36 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thiên tai trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Bốn năm gần đây, từ năm 2005 đến năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 đã cho chúng ta một minh chứng rõ nét.

Hạn hán kéo dài trên diện rộng ở các tỉnh Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên đầu năm 2005; Rét đậm, rét hại kéo dài, diễn ra tại các tỉnh phía bắc cuối năm 2007, đầu năm 2008; mưa lũ đặc biệt lớn trên diện rộng gây ngập úng nghiêm trọng nhiều địa phương đồng bằng Bắc Bộ, triều cường dâng cao nhất trong vòng 49 năm qua ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ; lũ trái vụ, muộn nhất đã xảy ra ở miền trung năm 2008.

 

Năm 2009, bên cạnh hàng chục trận dông lốc, mưa đá, lũ quét... đã có 10 cơn bão hoạt động trên biển Ðông, đặc biệt là cơn bão số 9, một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, đã tàn phá các tỉnh miền trung Việt Nam. Nhất là, từ đầu năm đến nay chúng ta đã chịu một đợt hạn, thiếu nước sản xuất trên tất cả các triền sông, các hồ chứa bị cạn kiệt. Liên tiếp nắng nóng kéo dài trên khắp cả nước, thời tiết oi bức nhiệt độ lên tới 39-400C. Và tới giữa tháng 6, chúng ta vẫn chịu nắng nóng kéo dài. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương đây là đợt nóng lịch sử.

 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là những ảnh hưởng bắt nguồn từ biến đổi khí hậu toàn cầu, nó sẽ làm thiên tai trở nên tồi tệ hơn, nhất là đối với những quốc gia nhạy cảm trước thiên tai như Việt Nam. Hạn, nắng nóng sẽ gay gắt và kéo dài hơn, lũ, lụt, bão sẽ có cường độ lớn hơn, diễn biến phức tạp hơn. Những dấu hiệu đó cho thấy sự phức tạp trong mùa bão lũ năm 2010 và các năm tiếp theo.

 

Với nhận thức như vậy, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã luôn cố gắng chuẩn bị sẵn sàng để chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ". Năm 2010, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010. Thực hiện nhiệm vụ được giao và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đôn đốc các bộ, ngành tích cực triển khai chuẩn bị, để chủ động ứng phó trong mùa mưa, bão năm 2010.

 

Công tác tu bổ đê điều thường xuyên, duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2010 theo nguồn của Chính phủ bố trí đã cơ bản hoàn thành; Một số hồ chứa đã được sửa chữa, nâng cấp;  hồ chứa  Thủy điện Sơn La  đã được chặn dòng đóng góp một phần dung tích phòng lũ cho Ðồng bằng sông Hồng; Ðê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, các khu neo đậu tàu thuyền tiếp tục được đầu tư xây dựng; đã từng bước di dời nhân dân vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đến nơi an toàn; tổ chức khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong năm 2009 và các năm trước đây.

 

Tuy được Chính phủ quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ thường xuyên, duy trì bảo dưỡng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, các hồ chứa nước, song mức độ đầu tư hằng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên hệ thống đê điều và hồ chứa mới chỉ bảo đảm an toàn ở mức độ nhất định. Bên cạnh việc củng cố cơ sở hạ tầng, Ban chỉ đạo đã đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chủ động lồng ghép nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của bộ, ngành, địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho các cán bộ làm công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và nhân dân. Từng bước triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

 

Qua tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010 đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác phòng, chống lụt, bão và những nhiệm vụ cụ thể cần triển khai trong thời gian tới. Hệ thống điều hành công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến xã từng bước được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên; Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ và đôn đốc các bộ, ngành đi kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão ở các địa phương, các phương án bảo vệ trọng điểm, phương án sơ tán dân, phương án bảo đảm giao thông; phương án bảo đảm an ninh, trật tự; bổ sung vật tư, phương tiện, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm. Ðặc biệt, những vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa, lũ; phương án bố trí thiết bị, phương tiện, vật tư, kinh phí dự phòng tại các công trình phòng, chống thiên tai, và tại cấp huyện; kiểm tra việc bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa, hạ du hồ chứa thủy điện, thủy lợi, công trình phòng, chống lụt bão, quy trình vận hành liên hồ, từng hồ. Rà soát quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, động đất, sóng thần và hệ thống phát tin tới các cơ quan có liên quan và nhân dân. Tiếp tục đôn đốc ngành Thủy sản và Bộ đội Biên phòng chủ động rà soát việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, kiểm tra trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, thiết bị bảo đảm an toàn trên các tàu, thuyền theo quy định. Các địa phương miền núi, trung du triển khai các biện pháp cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chuẩn bị phương án sơ tán dân, tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp.

 

Mùa mưa, bão sắp đến, các bộ, ngành, địa phương đã và đang chủ động, tích cực triển khai các giải pháp chuẩn bị ứng phó, nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, hoàn thành các hạng mục công trình trước lũ; rà soát, ban hành các quy chế phối hợp ứng phó thiên tai, giải quyết dứt điểm các vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm bốn "tại chỗ". Kinh nghiệm của cha ông cho thấy "Nước xa không cứu được lửa gần", nếu chúng ta làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm "bốn tại chỗ", chủ động ứng phó thiên tai sẽ giảm được thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, sớm phục hồi đời sống, sản xuất.

 

Những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể hệ thống chính trị trong công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm