Cập nhật: 17/07/2010 17:32:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các địa phương cần sẵn sàng triển khai phương án đối phó với tình huống mưa to, lũ lớn gây sạt lở, ngập lụt, phải đảm bảo an toàn đê biển, tính mạng và tài sản của người dân

Ngày 16/7, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức cuộc họp khẩn bàn các nhiệm vụ chủ động phòng chống cơn bão số 1 (bão Conson). Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.

 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi khẩn trương liên lạc tất cả các tàu thuyền và tổ chức tránh trú neo đậu đảm bảo an toàn, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão để chủ động di dân ra khỏi vùng nguy hiểm”.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu, chính quyền địa phương sẵn sàng triển khai phương án đối phó với tình huống mưa to, lũ lớn gây sạt lở, ngập lụt, phải đảm an toàn đê biển, tính mạng và tài sản của người dân, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, chủ động tích trữ lương thực ở các vùng có thể bị chia cắt. Các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Tập đoàn Than và Khoáng sản chủ động đưa máy móc xe máy tập kết ở các vùng có khả năng sạt lở và đảm bảo cung ứng điện cho trạm bơm tiêu thoát nước chống úng ngập, đề phòng sập hầm bục túi nước lò, vận hành có hiệu quả Hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La.

 

Bộ Công An, Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để hỗ trợ nhân dân khi có yêu cầu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Bão mang dáng dấp biến đổi khí hậu, thậm chí khó dự báo diễn biến cơn bão, làm chúng ta khó chủ động, chưa biết chính xác điểm nào, vùng nào bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, có thể nó đột biến ở miền núi phía Bắc, gây sạt lở. Chính quyền địa phương phải đảm bảo an toàn người ở, tàu, lồng bè, nếu xảy ra là do công tác điều hành chủ quan. Xác định điểm đe dọa đến dân, các đoàn công tác kiểm tra công tác di dân, lệnh sơ tán vào thời điểm thích hợp”…

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các thành phố, đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long… đề phòng mưa lớn gây ngập úng nội đô, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Bài học kinh nghiệm của Hà Nội bị ngập vào năm 2008 và đầu tuần này cho thấy, cần nhanh chóng nghiên cứu quy hoạch hạ tầng hệ thống thoát nước khu đô thị để thích ứng diễn biến bất thường thời tiết.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị tuỳ theo tình hình thực tế, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng chủ động triển khai sơ tán dân ở vùng ven biển, ở các đảo đề phòng nước biển dâng, hoàn thành xong trước 21h ngày 16/7. Trước mắt, Hải Phòng đang chuẩn bị sơ tán 4.000 người dân ở đảo Cát Hải, Cát Bà. Các tỉnh ven biển tạm ngừng các hoạt động khai thác du lịch, khuyến cáo du khách trong và ngoài nước không đi tắm biển. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tăng thời lượng thông tin diễn biến cơn bão số 1; chính quyền và người dân địa phương phải nâng cao tinh thần sẵn sàng chủ động đối phó, tránh chủ quan khi nghe thông tin bão chuyển hướng. 

 

Hiện nay, Bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp liên lạc 52.052 tàu đang hoạt động trên biển và 1.254  lồng bè chòi canh nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó có 4.753 đã tàu neo đậu và hoạt động ven bờ, gần 5.000 hoạt động khu vực ngoài vùng nguy hiểm, đặc biệt là vẫn chưa liên lạc được 5 tàu trong số 17 tàu hoạt động ở khu vực Hoàng Sa. Đồng thời, tổ chức bắn pháo sáng, hướng dẫn tàu vào nơi neo đậu tránh trú tàu an toàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, túch trữ lương thực thực phẩm.

 

Cơn bão số 1 diễn biến rất phức tạp, di chuyển nhanh 22km/giờ, dự báo khoảng trưa 17/7, sẽ đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, vùng tâm bão đi qua Quảng Ninh và Hải Phòng. Trong vòng 24 giờ tới, khu vực nguy hiểm được xác định là vùng biển nằm phía Bắc vĩ tuyến 16. Vùng tâm bão vào bờ có sóng cao từ 5 đến 7m, vùng Bắc Bộ có mưa lớn cấp tập trên diện rộng sẽ gây ngập úng nội đồng. Đặc biệt, vùng miền núi phía Bắc có mưa to và rất to lên đến 400mml có thể xảy ra sạt lở, lũ quyét.  

 

Trước diễn biến phức tạp cơn bão, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các tỉnh cấm tàu thuyền ra khơi, sắp xếp đảm bảo an toàn tại khu neo đậu, không để chìm do va đập, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền và các chòi canh khu nuôi thuỷ sản, tiếp tục theo dõi và giữ liên lạc thường xuyên với chủ tàu, thuyền trưởng.

 

** Ngày 16/7, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có công điện khẩn gửi các Tổng công ty, Ban quản lý dự án nhiệt điện, thủy điện, các Công ty, Trung tâm điều độ hệ thống điện yêu cầu:

 

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 1, triển khai ngay phương án phòng chống lụt bão để đối phó, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho dân, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.

Các Tổng Công ty Điện lực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra để đảm bảo điện phục vụ bơm tiêu úng cho các vùng bị ngập, úng do mưa bão.

Các Công ty thủy điện theo dõi sát tình hình thủy văn để vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.

Các ban Quản lý dự án thủy điện theo dõi sát tình hình thủy văn, diễn biến lũ trên công trường để phòng, chống bão lũ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình.

Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực đảm bảo thông tin phục vụ điều hành thông suốt trong mọi tình huống.

Các đơn vị phải thường xuyên cập nhật diễn biến của bão số 1 trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc website của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương theo địa chỉ: http: www.ccfsc.org.vn hoặc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương theo địa chỉ http:///www.nchmf.gov.vn để chủ động phòng, chống, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các đơn vị cần báo cáo kịp thời về tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc

 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 13h chiều 16/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An khoảng 480km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/h), giật cấp 13, cấp 14.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc bộ. Đến 13h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/h), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250km.

 

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Như vậy, khoảng trưa và chiều 17/7, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.

 

Đến 1h ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

 

Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 18/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/h), giật cấp 7.

 

Trong khoảng 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 19/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,3 độ Vĩ Bắc, 102,7 độ Kinh Đông trên khu vực biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/h).

 

Do ảnh hưởng của bão, khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa chiều và tối 16/7, có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Sóng biển cao 6 – 8 m. Biển động dữ dội. Từ chiều và tối 16/7, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Từ đêm 16/7, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Bình gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Từ sáng 17/7 ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 – 4 m. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to./.

 

 

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm