Cập nhật: 30/09/2010 00:19:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong lịch sử hoạt động 65 năm qua của LHQ, ít có thời kỳ nào như lúc này, tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu này đang phải đối phó với nhiều thách thức lớn chồng chéo nhau và phức tạp đối với sự phát triển của loài người.

Xu thế toàn cầu hóa lan tỏa mạnh, gắn kết giữa các quốc gia ngày một chặt chẽ hơn đã và đang thúc đẩy sự phát triển chung, nhưng cũng tạo ra những thách thức và phức tạp mới mà một quốc gia hay tổ chức khu vực dù có hùng mạnh đến đâu cũng khó có thể giải quyết. 

 

Diễn biến của tình hình thế giới gần đây cho thấy, rất nhiều vấn đề xảy ra ở một quốc gia đã nhanh chóng ảnh hưởng đời sống chính trị và xã hội nhiều nước, thậm chí toàn cầu. Thí dụ như dịch bệnh cúm A (H1N1) ở Mê-hi-cô, khủng hoảng tài chính-ngân hàng tại Mỹ đã nhanh chóng lan ra toàn cầu và kéo theo những cuộc khủng hoảng khác. Thực tế đó đòi hỏi  rất cần có sự  nỗ lực, phối hợp và thống nhất hành động của tất cả các nước, tổ chức quốc tế và khu vực.

 

Vai trò của LHQ ngày càng được đề cao và không có tổ chức nào có thể thay thế trong việc giải quyết các vấn đề chung toàn cầu. Ðiều này đã được lãnh đạo các nước nhấn mạnh tại phiên thảo luận chung của Ðại hội đồng LHQ khóa 65  đang diễn ra hết sức sôi động tại Trụ sở LHQ ở TP  Niu Oóc, Hoa Kỳ và ngay trước đó là Cuộc họp cấp cao của LHQ kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do LHQ phát động năm 2000. Những thách thức to lớn đối với loài người trong thế kỷ 21 này đã được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nêu rõ tại phiên thảo luận chung của Ðại Hội đồng LHQ. Ðó là: Khủng hoảng kinh tế và tài chính, tình trạng đói nghèo và phân cực hóa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chạy đua vũ trang và giải trừ vũ khí hạt nhân, khủng bố quốc tế, bình đẳng giới, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, di dân.

 

 Tổng Thư ký Ban Ki Mun kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay cùng LHQ nỗ lực đạt được các mục tiêu lớn của thời đại. Ông khẳng định, chỉ có tổ chức LHQ mới có thể tập hợp được lực lượng để giải quyết các vấn đề của thế giới hiện nay. Ðây là lúc loài người cần phải xích lại gần nhau, củng cố sự tiến bộ, cùng nhau gánh vác và nhân rộng những thành quả đạt được. LHQ vẫn là một thể chế quốc tế không thể thay thế trong thế kỷ 21. Ông nhấn mạnh, tại các diễn đàn quốc tế, cộng đồng quốc tế  trông đợi ở tổ chức LHQ là thể chế có thể giải quyết những thách thức đó. Vì vậy, thế giới có thể giải quyết được những thách thức hiện nay nếu biết kỳ vọng, biết xích lại gần nhau, hợp tác cùng nhau, đoàn kết và thống nhất hành động.

 

Tham luận tại phiên họp chung, lãnh đạo cấp cao nhiều nước đã khẳng định vai trò quan trọng của LHQ trong việc đối phó những thách thức  và vấn đề toàn cầu hiện nay, đồng thời yêu cầu LHQ cải tổ hoạt động và cơ chế, quan tâm đến từng vấn đề quốc tế hiện nay. Nhiều nhà lãnh đạo các nước đang phát triển nhấn mạnh, trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau hiện nay, các nước cần hợp tác trong các lĩnh vực có thể hợp tác, tư vấn cho nhau khi cần thiết. LHQ là nền tảng cho những quan hệ tương tác này và là diễn đàn không thể thiếu trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế khi thế giới phải đối mặt với những thách thức toàn cầu, nhất là  trong tiến trình không phổ biến hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân, trong cuộc chiến chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia, trong tiến trình thúc đẩy thực hiện các MDGs, ủng hộ các nước có xung đột trong tiến trình tìm kiếm, gìn giữ, kiến tạo hòa bình và phát triển sau xung đột.

 

Với 192 nước thành viên, Ðại hội đồng LHQ gần như là tổ chức toàn cầu và phản ánh đa dạng hiện trạng và lợi ích của thế giới. LHQ là tổ chức hợp pháp duy nhất có thể đóng vai trò trung tâm trong đời sống quốc tế hiện nay. LHQ đang nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột và làm giảm căng thẳng ở nhiều nơi trên hành tinh như Xô-ma-li-a, Xu-đăng, bán đảo Triều Tiên, I-ran và Trung Ðông; thúc đẩy  cuộc chiến chống đói nghèo, các hoạt động nhân đạo dài hạn cũng như những thảm họa thiên nhiên lớn  đột xuất như động đất ở Ha-i-ti, lũ lụt ở Pa-ki-xtan... Tuy nhiên, như Chủ tịch Ðại hội đồng LHQ, Giô-xép Ðây-xơ  cảnh báo, nguy cơ LHQ bị lu mờ trước các tổ chức quốc tế khác nếu LHQ không tiếp tục là tổ chức đông đảo thành viên rộng rãi, không thiết lập được các quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược chung toàn cầu để bảo vệ các lợi ích chung.  Ðể thực hiện được vai trò này, LHQ cần phải mạnh hơn, cởi mở hơn và bao quát hơn. Vấn đề quan trọng là cần cải tổ LHQ thông qua tăng cường vai trò và quyền lực của Ðại hội đồng LHQ, cải tổ Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền và Ủy ban gìn giữ hòa bình của LHQ.

 

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài hai năm qua và biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề, kéo lùi sự phát triển kinh tế của các quốc gia, nhất là các nước đang và kém phát triển, trong khi những nước này phải chịu  thiệt thòi, sức ép và bất công của xu thế toàn cầu hóa. Các báo cáo của LHQ cho biết, khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới  vừa qua đã đẩy 64 triệu người trên thế giới trở lại cảnh nghèo đói trong năm 2009, trong đó có tới 40 triệu người không có nhà ở, hàng chục triệu lao động mất việc làm. Trong những ngày đầu của khóa họp chung, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức của LHQ tích cực hưởng ứng mục tiêu xóa  đói, giảm nghèo và cam kết đóng góp 40 tỷ USD cho dự án cải thiện sức khỏe cho phụ nữ và  trẻ em toàn cầu; tái khẳng định quyết tâm hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy kinh tế và tiến bộ xã hội cho mọi người.

 

Ðoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu tham dự và có những đóng góp tích cực tại hai cuộc họp quan trọng nêu trên của LHQ và hàng loạt các hội nghị quốc tế liên quan, thể hiện sự cam kết, ủng hộ ở cấp cao của Việt Nam đối với LHQ, đối với nỗ lực thực hiện các MDGs. Ðoàn Việt Nam cũng đã đóng góp xây dựng Văn kiện cuối cùng của Hội nghị kiểm điểm thực hiện các MDGs, bổ sung những nội dung được LHQ và các nước hoan nghênh và đánh giá cao.  Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao đổi ý kiến về các vấn đề phát huy vai trò của LHQ, chia sẻ kinh nghiệm và khả năng hợp tác trong các lĩnh vực liên quan các MDGs. LHQ và bản thân Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đánh giá cao kinh nghiệm, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các MDGs, những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với LHQ, như triển khai thí điểm mô hình "Một LHQ", hợp tác ba bên... nhằm cải tổ hoạt động của tổ chức này theo hướng hiệu quả hơn.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm