Cập nhật: 01/10/2010 00:32:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện dịch lợn tai xanh đã lan rộng ra 31 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm: Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Kon Tum, Đăk Nông, Gia Lai, Trà Vinh, Bình Thuận, Quảng Ninh, Ninh Thuận và Phú Yên.

Dịch đang bùng phát rộng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và chưa có dấu hiệu chững lại. Mới đây nhất, ngày 27/9, tại Tây Ninh, dịch tai xanh tiếp tục phát sinh thêm tại 13 hộ thuộc 6 huyện, số lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy trên 400 con. Tại Long An dịch tiếp tục phát sinh thêm tại 18 hộ dân, thuộc các huyện Đức Hòa, Đức Huệ và Thủ Thừa.

 

Để ngăn chặn và khống chế dịch bệnh, ngành thú y, chi cục quản lý thị trường và chính quyền các địa phương phối hợp triển khai phun hóa chất, tiêu độc khử trùng ổ dịch và vùng lân cận; thành lập các chốt kiểm dịch… Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương đang quyết liệt triển khai các biện pháp không để dịch lợn tai xanh lây lan ra diện rộng thì một số địa phương còn chủ quan, lơ là để dịch lây lan trên diện rộng. Điển hình là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã để lọt thịt lợn nhiễm bệnh bày bán công khai tại chợ, ngày 27/9, Ban quản lý chợ Vũng Tàu tạm đình chỉ quầy kinh doanh thịt lợn của bà Lê Thị Lài vì phát hiện bán thịt lợn nhiễm bệnh tai xanh. Bà Lê Thị Lài khai mua lại số thịt lợn này từ một hộ dân ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức. Điều đáng nói là số thịt lợn nhiễm bệnh tai xanh không hiểu sao vẫn có dấu kiểm dịch?. Việc này được ông Hà Lâm Quỳnh, Phó chi cục Trưởng chi cục Thú y Bà Rịa Vũng Tàu thừa nhận: Chúng tôi đang điều tra toàn bộ nhân viên thú y Châu Đức xem ai làm việc này. Tuy nhiên, trước chúng tôi cũng bắt được dấu giả làm bằng mực dấu khoai lang, bên cạnh đó lợn mới vừa lăn dấu áp vào miếng thịt chưa lăn dấu thì nó cũng xanh như lăn dấu rồi. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sau khi đóng dấu xong, nhân viên thú y phải đứng tại đó không được đi đâu để kiểm tra xem họ có áp miếng thịt bệnh chưa lăn dấu vào thịt có dấu không.

 

Còn tại tỉnh Phú Yên, dịch lợn tai xanh bùng phát tại gia đình ông Võ Đình Sang, xã An Mỹ, huyện Tuy An làm hơn 100 con mắc bệnh và chết phải tiêu hủy. Điều đáng nói là khi gia đình ông Sang đã báo với chính quyền cùng cơ quan thú y và đề nghị được lấy mẫu bệnh phẩm lợn đi xét nghiệm, nhưng cơ quan chức năng không thực hiện và kết luận lợn bị bệnh tả và yêu cầu gia đình không bán tháo lợn bệnh. Là người chăn nuôi có kinh nghiệm, ông Sang đã lén mang mẫu lợn bệnh đến Phân viện Thú y miền Trung (Khánh Hòa) xét nghiệm với chi phí 610.000 đồng. Kết quả, 6 mẫu bệnh phẩm lợn của gia đình ông đều dương tính với virut tai xanh. Kết luận này được Phân viện Thú y miền Trung gửi chi cục Thú y tỉnh Phú Yên. Sau đó, tỉnh mới công nhận và cam kết hỗ trợ người chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông Sang chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

 

Điều đó cho thấy, khi người dân có ý thức, chấp hành chủ trương và quy trình chăn nuôi cũng như phòng chống dịch bệnh lại không nhận được sự ủng hộ và hướng dẫn của cơ quan chức năng. Chính sự chủ quan, lơ là của chính quyền và cơ quan chức năng một số địa phương là một trong những nguyên nhân khiến dịch tai xanh lây lan và bùng phát chưa có dấu hiệu chững lại./.

 

 

Theo TTXVN 

Tệp đính kèm