Cập nhật: 01/10/2010 23:42:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hôm nay, 1-10, diễn ra lễ khai mạc Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Lễ khai mạc gồm hai phần: lễ và hội. Trong phần lễ, sau khi dàn trống, cồng chiêng tấu bản nhạc lễ sẽ có hiệu lệnh "Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long" và thắp lửa trên đài lửa. Sau đó, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội làm lễ dâng hương.

Lãnh đạo thành phố sẽ phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc UNESCO sẽ trao Bằng Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho lãnh đạo thành phố Hà Nội và có bài phát biểu. Nghi thức thả chim bồ câu sẽ kết thúc phần lễ.

 

Phần hội diễn ra tại 5 sân khấu khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Sân khấu 1 tại vườn hoa Lý Thái Tổ có chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống Anh hùng". Sân khấu 2 tại sân khấu Ðền Bà Kiệu với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến". Sân khấu 3 tại Quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa bình". Sân khấu 4 tại ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống với chủ đề "Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển". Sân khấu 5 tại ngã 4 Hàng Khay - Tràng Tiền - Ðinh Tiên Hoàng - Hàng Bài với chủ đề "Hà Nội, trái tim của cả nước". Sân khấu 6 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám: Sau khi kết thúc chương trình của sân khấu 1, dàn quân nhạc di chuyển về phía sân khấu Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, vừa đi vừa biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long - Hà Nội.

 

Cũng trong ngày hôm nay, sẽ có khai mạc triển lãm các tác phẩm văn học - nghệ thuật qua các thời kỳ tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng), triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội tại 45 Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, 138 Giảng Võ (quận Ba Ðình), khai  mạc Tuần lễ phim lịch sử, cách mạng tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, 87 Láng Hạ (quận Ðống Ða). Tối nay, sẽ có lễ hội "Ðêm Hồ Gươm lung linh" và biểu diễn nghệ thuật tại 5 sân khấu chung quanh hồ Hoàn Kiếm.

 

* Nhân dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 29-9, đoàn đại biểu Thành ủy, HÐND, UBND và Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đến thăm, chuyển thư của T.Ư Ðảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội mời Ðại tướng Võ Nguyên Giáp dự Lễ khai mạc Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Ðồng chí Phạm Quang Nghị kính chúc Ðại tướng sức khỏe, trường thọ và vui mừng báo cáo với Ðại tướng, đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị cho Ðại lễ kỷ niệm đã được triển khai nghiêm túc, chu đáo. Thời gian qua, các cấp, các ngành Trung ương, TP Hà Nội và các địa phương trong cả nước đã nỗ lực chuẩn bị để Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra thành công tốt đẹp. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô rất vui mừng và mong muốn Ðại tướng chứng kiến sự kiện trọng đại này. Ðồng chí Phạm Quang Nghị trân trọng chuyển đến Ðại tướng, người đã gắn bó sâu sắc với Thủ đô qua các chặng đường cách mạng, tặng phẩm của Ban Tổ chức Ðại lễ kỷ niệm gồm biểu tượng Khuê Văn Các và Huy hiệu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi và đánh giá cao công tác chuẩn bị, công tác tổ chức các hoạt động mừng Ðại lễ kỷ niệm. Ðại tướng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, TP Hà Nội và nhân dân Thủ đô dành cho Ðại tướng và chúc Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thành công tốt đẹp.

 

*  Tại Khu di tích lịch sử Ðền Vua Ðinh, Vua Lê (Ninh Bình) tối 30-9, diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề: Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Ðài Truyền hình Việt Nam.

 

Ðến dự, có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Ðinh Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Chương trình diễn ra trong 75 phút với 10 cảnh diễn được mở đầu bằng hoạt cảnh  Trống hội Hoa Lư, tiếp theo là các hoạt cảnh: Hoa Lư Ninh Bình miền đất ba vua, Ðinh Bộ Lĩnh, Trước cảnh đất nước lâm nguy, Lên ngôi Hoàng đế bảo vệ non sông, Tâm phật lòng dân, Chiếu dời đô - tầm nhìn an, minh, Ca ngợi quê hương, Nhịp điệu công nghệ - Nhịp điệu dựng xây, Ngày hội non sông. Với sự góp mặt của 500 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo Hà Nội, Ðoàn nghệ thuật Ninh Bình và các trường nghệ thuật tại Hà Nội biểu diễn gồm nhiều tiết mục nghệ thuật dân tộc đặc sắc. Ðây là hoạt động mở đầu và là điểm xuất phát của lễ hội "Hành trình theo dấu người xưa" từ tối 30-9 đến 2-10 do UBND thành phố Hà Nội, Ninh Bình và Hưng Yên phối hợp thực hiện, nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và phát triển đất nước. Nhà hát Chèo Hà Nội đã kết hợp với nhiều đơn vị nghệ thuật để thực hiện chương trình này.

 

* Sáng 30-9, Tiểu ban Tuyên truyền - Giáo dục - Quảng bá kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức khai trương Trung tâm Báo chí tuyên truyền về Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trung tâm Báo chí được bố trí tại Bưu điện Hà Nội (số 75 Ðinh Tiên Hoàng) và Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Ðình (huyện Từ Liêm), sẽ mở cửa phục vụ các phóng viên trong nước và nước ngoài từ 7 giờ đến 23 giờ trong suốt thời gian 10 ngày diễn ra Ðại lễ kỷ niệm. Tại Trung tâm Báo chí, các phóng viên sẽ được cung cấp thông tin, văn bản, sách báo, tài liệu về Thăng Long - Hà Nội, các tờ báo lớn của Thủ đô xuất bản và phát hành hằng ngày. Trung tâm Báo chí cũng trang bị hệ thống máy tính hiện đại và đường truyền in-tơ-nét tốc độ cao. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ Hà Nội cùng các cơ quan chức năng bố trí lực lượng tình nguyện viên, sẵn sàng hỗ trợ các phóng viên, nhất là các phóng viên nước ngoài.

 

* Chiều 30-9,  tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức phát động thi đua "Những ngày hành động nhân dân tự quản, lập công dâng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Ðồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch  kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, tới dự. Nội dung đợt thi đua  này là "Phát huy hào khí Thăng Long, tự hào con dân đất Việt, cả nước một lòng, toàn dân đoàn kết lập công". Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam yêu cầu cán bộ, công chức mặt trận các cấp  tuyên truyền, vận động các khu dân cư, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị ra quân lao động làm cho thành phố xanh-sạch-đẹp, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự. Sinh hoạt tại cộng đồng góp ý kiến cho Ðại hội Ðảng, tổ chức tốt ngày hội Ðại đoàn kết dân tộc kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11), hoàn thành công trình, phần việc chào mừng đại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...

 

* Sáng 30-9, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận hiện vật do đoàn đại biểu các trí thức, nghệ sĩ và thương gia Hội Văn hóa Thái - Việt (Thái-lan) trao tặng trong dịp đoàn sang Việt Nam dự lễ Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiện vật gồm: một bức tranh chạm đồng, mạ vàng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, kích thước 60cm x 90 cm do nghệ nhân nổi tiếng của Hoàng gia Thái-lan sáng tác. Ðây là món quà quý làm bằng kỹ thuật điêu khắc truyền thống của Thái-lan, thể hiện tấm lòng tôn kính và ngưỡng mộ của nhân dân Thái-lan với Bác Hồ.

 

 

* Ngày 30-9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho chợ Hàng Da. Khởi công xây dựng ngày 2-4-2009, trên diện tích 3.367m2 thuộc phường Cửa Ðông, quận Hoàn Kiếm, chợ gồm bốn tầng nổi, một tầng kỹ thuật và hai tầng hầm, tổng vốn xây dựng 249 tỷ đồng, Công ty cổ phần thương mại Hàng Da là chủ đầu tư. Công trình đã được hoàn thành đúng tiến độ, có kiến trúc đẹp tạo cảnh quan cho trung tâm phố cổ và góp phần vào chủ trương quy hoạch lại hệ thống chợ trên địa bàn. 

 

* Sáng 30-9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Công viên Cầu Giấy, đường nối từ đường 32 đến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và đường Bảo tàng Dân tộc học-Yên Hòa - Phú Ðô (giai đoạn 1). Công viên Cầu Giấy có tổng diện tích 9,5 ha. Ðường nối từ đường 32 với đường Hoàng Quốc Việt kéo dài có chiều dài hơn 900 m, mặt cắt ngang rộng 40 m, mức đầu tư gần 124 tỷ đồng. Ðường Bảo tàng Dân tộc học - Yên Hòa - Phú Ðô (giai đoạn 1) có chiều dài tuyến hơn 1km với bề mặt đường rộng 50m.

 

* Ngày 30-9, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho dự án cải tạo môi trường hồ Vả. Với tổng mức kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng, sau sáu tháng thi công, các đơn vị đã hoàn thành xây dựng đường nội bộ dài  250m, rộng 5,5m, vỉa hè rộng 3m; kè hơn 600m chung quanh hồ; cải tạo và bổ sung hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, thảm cỏ, chiếu sáng tạo cảnh quan hoàn chỉnh chung quanh hồ.

 

* Ngày 30-9, tại thị trấn Thiên Tôn, UBND tỉnh Ninh Bình cùng đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Hoa Lư và các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh tổ chức khánh thành cổng vào Cố đô Hoa Lư, Khu di tích lịch sử đền thờ Vua Ðinh Tiên Hoàng, Vua Lê Ðại Hành. Cổng vào Cố đô Hoa Lư có quy mô khá đồ sộ với chiều cao 17,34 m, bề dày 9,92 m theo kiến trúc cổng tam quan gồm ba khối chính liên kết với nhau bằng hành lang vòm. Mặt cắt cổng rộng 33,12 m, trong đó khối chính rộng 10,35 m cùng hai khối phụ rộng 11,76 m và hai làn đường hành lang vòm  mỗi bên rộng 5,5 m không kể hai làn đường dành cho người đi bộ trên vỉa hè. Khối cổng chính ở giữa, trong đó khối đế cao 7,9 m, khối lâu cao 8,43m thiết kế theo kiểu kiến trúc cổ Việt Nam gồm hai tầng tám mái, tám góc đao.

 

Cũng trong chiều 30-9, tại Khu di tích lịch sử đền thờ Vua Ðinh Tiên Hoàng, Vua Lê Ðại Hành và bia tưởng niệm Vua Lý Công Uẩn, Tỉnh ủy, HÐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình cùng đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội và các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh Ninh Bình đã tổ chức trọng thể lễ dâng hương tại đền thờ Vua Ðinh Tiên Hoàng, Vua Lê Ðại Hành và bia tưởng niệm Vua Lý Công Uẩn.

 

* Chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được sự giúp đỡ của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề: "Thăng Long - Hà Nội, rạng rỡ ngàn năm" tại Di Luân Ðường (Khu di tích Cố đô Huế). Triển lãm đã trưng bày gần 100 hình ảnh, tư liệu tập trung giới thiệu đến công chúng với các chủ đề chính: Thăng Long - Hà Nội, lịch sử hào hùng; Thăng Long - Hà Nội miền ký ức; Thăng Long - Hà Nội, nghìn năm văn hiến; Thăng Long - Hà Nội trong công cuộc xây dựng và phát triển. Nội dung triển lãm nhằm giới thiệu khái quát lịch sử, văn hóa, truyền thống anh hùng, đặc biệt là sự đổi mới, phát triển không ngừng của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc CNH, HÐH đất nước.

 

* Tại huyện Lâm Hà (Lâm Ðồng), vùng kinh tế mới của người Hà Nội năm xưa, tỉnh Lâm Ðồng tổ chức Ngày hội văn hóa hướng về Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội từ ngày 1 đến 3-10. Ngày hội diễn ra với năm nội dung chính: Chương trình khai mạc "Thăng Long nghìn năm thương nhớ", Triển lãm "Hà Nội trái tim hồng", Lễ hội ẩm thực "Hương vị Hà Nội trên cao nguyên", Giao lưu biểu diễn nghệ thuật và Lễ hội cồng chiêng tỉnh Lâm Ðồng lần thứ tư.

 

Bên cạnh đó, một loạt các chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật cũng sẽ diễn ra như: Liên hoan giọng hát hay tỉnh Lâm Ðồng, biểu diễn máy bay mô hình và ca-nô trên hồ, biểu diễn múa rối nước, triển lãm, giới thiệu thư pháp, vẽ chân dung, giao lưu nghệ thuật dân gian (biểu diễn ca trù, hát xẩm, chầu văn), Lễ hội cồng chiêng với ca-na-van cồng chiêng trên đường phố...

 

Chiều 30-9, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, TP Hà Nội tổ chức họp báo công bố kết quả Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với sự tham dự của đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí của T.Ư và các tỉnh, thành phố. Các đồng chí: Nguyễn Bắc Son, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Ðinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Ðỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Lê Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chủ trì cuộc họp.

Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một trong những hoạt động thiết thực của giới báo chí cả nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ðược phát động từ tháng 6-2009, kết thúc vào tháng 8-2010, Ban Tổ chức đã nhận được gần 700 tác phẩm của các tác giả ở khắp mọi miền đất nước gửi về tham dự; trong đó, có 525 tác phẩm báo in, 46 tác phẩm phát thanh, 39 tác phẩm báo hình, 76 tác phẩm báo điện tử và 12 tác phẩm ảnh. Các tác giả có tác phẩm tham dự giải thuộc hơn 40 đơn vị báo chí T.Ư và hơn 20 đơn vị báo chí thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Các tác phẩm dự giải tập trung phản ánh các sự kiện lịch sử, văn hóa, các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội cùng các lĩnh vực khác, nhất là những thành tựu của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới.

 

Hội đồng Sơ khảo đã làm việc khẩn trương, khách quan, cẩn trọng và chọn 121 tác phẩm vào chung khảo, trong đó có 82 tác phẩm báo in, 11 tác phẩm phát thanh, 13 tác phẩm báo hình, 12 tác phẩm báo điện tử và ba tác phẩm ảnh báo chí.

 

Hội đồng Chung khảo đã quyết định trao 92 giải, trong đó có sáu giải A (mỗi giải 20 triệu đồng), 20 giải B (mỗi giải 15 triệu đồng), 33 giải C (10 triệu đồng/giải) và 33 giải khuyến khích (mỗi giải ba triệu đồng). Cụ thể, báo in có ba giải A, 12 giải B, 24 giải C và 19 giải khuyến khích. Báo điện tử có một giải A, hai giải B, hai giải C và bốn giải khuyến khích. Phát thanh có một giải A, hai giải B, hai giải C và năm giải khuyến khích. Một giải A, ba giải B, bốn giải C và năm giải khuyến khích được trao tặng các tác phẩm báo hình. Ảnh báo chí có một giải B và một giải C. Hội Nhà báo TP Hà Nội được tặng Giải tập thể vì có nhiều tác phẩm báo chí tham dự giải và có nhiều tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm đoạt giải.

 

 

Lễ trao giải được tổ chức vào 20 giờ tối 4-10, tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ, số 8 phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Ba Ðình, Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên Ðài Phát thanh, Truyền hình Hà Nội (kênh Hà Nội 2).

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm