Cập nhật: 14/10/2010 00:50:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH TW Đảng khóa X trình Đại hội XI của Đảng về việc đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được đông đảo nhà nghiên cứu, luật sư và nhân dân quan tâm đóng góp

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, việc xây dựng hệ thống pháp luật được đề cập trong văn kiện cần làm rõ các nhóm hệ thống. Thứ nhất là hoàn thiện các hệ thống thể chế pháp luật liên quan đến vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là hệ thống pháp luật cần chú trọng hơn nữa sự tương thích các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức này.

 

Hiện nay nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, các hệ thống, các ngành luật liên quan đến kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cần phải được chú trọng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo ra một thể chế pháp lý đồng bộ đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cũng như quyền bình đẳng kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Ví dụ, các quy định cần tập trung vào giấy phép đăng ký kinh doanh, các quy định về nộp thuế, phí, lệ phí hoặc trình tự thủ tục để tiếp cận các nguồn lực như đất đai, lao động.

 

Hệ thống pháp luật của chúng ta cũng cần phải chú ý đến vấn đề thể chế các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO. Hay nói cách khác, hệ thống pháp luật này phải đồng bộ, tương thích với các quy định của WTO, trong điều kiện Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Một điểm nữa, nếu muốn đẩy nhanh phát triển kinh tế thì pháp luật của chúng ta cần bảo vệ quyền về tài sản của người lao động.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến cũng đề nghị, văn kiện cần chú trọng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phát huy vai trò của các đoàn thể xã hội vào việc phản biện xã hội, tư vấn xã hội, góp ý, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng là một trong các biện pháp hổ trợ để chúng ta có thể đẩy lùi tình trạng tham nhũng. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì cũng phải kết hợp hài hoà với vấn đề bảo đảm quốc phòng an ninh. Duy trì ổn định chính trị bởi lẽ nếu không có sự ổn định về chính trị thì chúng ta khó có những điều kiện rất quan trọng để có thể tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế. Đây cũng là nhiệm vụ mà Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta phải quan tâm thường xuyên, liên tục bên cạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ bên cạnh vấn đề bảo vệ các quyền dân sự”.

 

Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, về mô hình Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường nên hiểu một cách ngắn gọn là: Nhà nước dẫn dắt thị trường bằng pháp luật. Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai đề nghị, tại mục 5 về nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo thực hiện thắng lợi chiến lược, cần cụ thể hoá quan điểm về thể chế Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai nhận xét: Sự phân biệt các hệ thống pháp luật khác nhau điều chỉnh cùng hành vi sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế khác nhau đã bị kéo dài quá lâu, vô hình chung chia nền kinh tế thị trường vốn thống nhất bình đẳng… thành các bộ phận có vị thế khác nhau chỉ vì pháp luật tạo ra khác nhau trong cạnh tranh…

 

Để từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa thì một trong những vấn đề trọng tâm lúc này là đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm mạnh và bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức, công dân. Thực hiện mạnh mẽ chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người./.

 

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm