Cập nhật: 12/11/2010 23:25:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bên lề Hội nghị Cấp cao G20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Tọa đàm bàn tròn cấp cao về Hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo, đại diện các Viện nghiên cứu, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu hai nước.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế - Tri thức Hàn Quốc Park Yong Jun, các Viện nghiên cứu, Tổ chức kinh tế và nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc có mặt tại Hội thảo đánh giá cao những thành tựu to lớn mà kinh tế Việt Nam đạt được trong những năm qua. Kinh tế tăng trưởng cao 7 đến 8% liên tục trong hơn 20 năm; chính trị xã hội ổn định; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt trên 1.000 USD. Việt Nam đã thoát khỏi nước đang phát triển có thu nhập thấp; vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Phía Hàn Quốc cũng nhấn mạnh: Quan hệ hợp tác với Việt Nam không ngừng phát triển, nhất là trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, lao động, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ... Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam, do vậy cần đẩy mạnh sự hợp tác tốt đẹp này lên tầm cao mới. Năm 2010, thương mại hai chiều có thể đạt trên 11 tỷ USD. Về đầu tư, đến nay các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có hơn 2.200 dự án với số vốn đăng ký gần 23 tỷ USD, chiếm 1/6 tổng số dự án và 1/8 tổng số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

 

Hoan nghênh các cơ quan của Hàn Quốc phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Sau gần 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó GDP tăng bình quân 7-8%/năm và dự báo nhu cầu các nguồn vốn cho đầu tư phát triển 5 năm tới khoảng 250 tỷ USD, do vậy cùng với việc tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nguồn vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý tiên tiến từ bên ngoài.

 

Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Thủ tướng nêu rõ: Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam và các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt không ngừng phát triển. Khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn lâu dài và thành công tại Việt Nam, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

 

Thủ tướng cho rằng, tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa 2 nước còn rất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; sản xuất vật liệu, năng lượng mới, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực, y tế, phát triển nông, lâm, thủy sản.

 

Ngay sau cuộc Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với Tập đoàn Posco về Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và Dự án Điện khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu; với Tập đoàn Samsung về hợp tác trong lĩnh vực kho ngầm; Dự án Nam Côn Sơn 2; và hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng, trao đổi chuyên gia.

 

Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, bên lề Hội nghị G20; Tập đoàn đã tổ chức một Hội nghị xúc tiến đầu tư từ ngày 9 đến 11/11. Tại đây Tập đoàn đã giới thiệu 36 dự án lớn có tổng vốn đầu tư khoảng 25,5 tỷ USD và đã nhận được sự quan tâm của hơn 300 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc.

 

Tại Thủ đô Seoul, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc Hội kiến Thủ tướng Hàn Quốc, ông Kim Hwang Sik.

 

Nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao G20, Thủ tướng Kim Hwang Sik coi đây là đóng góp quan trọng của Việt Nam với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN vào thành công của Hội nghị. Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Hàn Quốc và tin tưởng Hội nghị Cấp cao G20 lần này sẽ thành công tốt đẹp.

 

Khẳng định việc hết sức coi trọng mối quan hệ song phương, hai Thủ tướng cùng trao đổi một số nội dung hợp tác với quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới. Đó là tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; triển khai có hiệu quả các cơ chế đối thoại về ngoại giao, an ninh, quốc phòng; tăng cường hợp tác về khoa học, kỹ thuật, giáo dục đào tạo và giao lưu giữa nhân.

 

Hàn Quốc khẳng định luôn coi Việt Nam là một trong những hướng trọng tâm của chính sách ODA và cam kết sẽ tiếp tục cung cấp ODA ở mức cao hơn cho Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng của Việt Nam, như xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp phu trợ. Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi thương mại và phấn đầu đạt kim ngạch 20 tỷ USD vào năm 2015, gắn với cải thiện cán cân thương mại, và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc.

 

Hai Thủ tướng cũng nhất trí việc quan tâm hơn nữa và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam lao động, học tập và làm việc tại Hàn Quốc, nhất là đối với các cô dâu Việt. Nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 

Thủ tướng Kim Hwang Sik nhấn mạnh, Hàn Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc phát triển lên tầm cao mới. Ông cũng nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Chính thức Việt Nam vào thời điểm thuận lợi.

 

Hội kiến Thủ tướng Italy

 

Tại cuộc Hội kiến Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Italy là một đối tác quan trọng của Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt và mong muốn Italy, nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, phát huy vai trò và thế mạnh của mình để tăng cường hơn nữa sự hiện diện về kinh tế, thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

 

Thủ tướng Silvio Berlusconi khẳng định, Italy coi trọng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và nhấn mạnh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước này quan tâm và mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng Berlusconi cho biết, Italy mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, khoa học-kỹ thuật. Ủng hộ tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học hàng đầu của hai nước, sẵn sàng hỗ trợ mở các khóa đào tạo cho các nhà quản lý doanh nghiệp Việt Nam.

 

Hai Thủ tướng đều bày tỏ vui mừng trước những kết quả hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước và nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, với tiềm năng to lớn và yêu cầu của hai nước; nhất trí sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước vào đầu tư và kinh doanh trên lãnh thổ của nhau. Hai Thủ tướng cũng trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm; khẳng định sẽ tăng cường phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 

Các cuộc gặp song phương

 

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, lãnh đạo các nước đã có các cuộc gặp song phương quan trọng.

 

Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã hội đàm về thỏa thuận thương mại tự do song phương. Cả 2 nhà lãnh đạo cho rằng, thời hạn cuối cùng để thỏa thuận này được ký kết là trong năm nay. Hai điểm bế tắc mấu chốt trong thỏa thuận này là mở cửa thị trường Hàn Quốc cho thịt bò và ô tô Mỹ.

 

Thủ tướng Đức Merkel cũng đã hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak về thâm hụt tài chính. Đây là chủ đề gây chia rẽ sâu sắc mà các nhà lãnh đạo G20 sẽ phải giải quyết. Bà Merkel cho rằng, để giải quyết tình trạng thâm hụt cần áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt.

 

Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Nga Medvedev cũng đã gặp nhau trước thềm HN G20. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển vững chắc của mối quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược". Hai nước đồng ý mở rộng hợp tác trong ngành năng lượng. Kết thúc hội đàm, 7 Biên bản ghi nhớ đã được ký.

 

 

Theo VTV.VN

 

Tệp đính kèm