Cập nhật: 03/12/2010 23:15:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), những năm qua nhờ thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 -2010, các Chương trình giảm nghèo đã đạt được mục tiêu đề ra hàng năm.

Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi (Chương trình 135), Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 62 huyện nghèo) (Chương trình 30a) và các chương trình kinh tế, xã hội khác hướng vào mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh từ 22% (năm 2005) xuống còn 11,3% (năm 2009) và ước 9,45% (năm 2010), bình quân mỗi năm giảm 2-3%; người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai, công nghệ, thị trường...) và các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý...; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã từng bước phát huy hiện quả. Thành tựu xóa đói, giảm nghèo trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thực hiện công bằng xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

 

Tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70-80%), tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao (7-10%); chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

 

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Các Chương trình giảm nghèo triển khai trong thời gian qua chưa toàn diện; nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo đã được ban hành nhưng còn mang tính ngắn hạn, chồng chéo, chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ và lồng ghép tập trung và mục tiêu giảm nghèo; nguồn lực cho giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu, lại bị phân tán, giàn trải; thiếu giải pháp cụ thể gắn kết việc thực hiện chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội và phát triển nông thôn mới; việc tổ chức phối hợp chỉ đạo thực hiện giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả; cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở nhằm tăng cường tính chủ động và sự tham gia của người dân chưa triệt để, chưa đi đôi với nâng cao năng lực, thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, vào cộng đồng vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương nên đã hạn chế phát huy nội lực và sự nỗ lực vươn lên.

 

Theo chuẩn nghèo mới dự kiến áp dụng từ năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước chiếm khoảng 15-17%, người nghèo tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn (90%); ở một số huyện miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ những nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 50%), là nơi rất khó khăn đối với công tác giảm nghèo.

 

Bộ LĐTB&XH đã đề ra một số mục tiêu để giảm nghèo bền vững trong thời gian tới như: Giảm 3/4 số hộ nghèo so với đầu kỳ kế hoạch, bình quân mỗi năm giảm khoảng 7,5% số hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống còn 4-5% (theo chuẩn nghèo 2011) vào năm 2020. Tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo lên 3,5 lần và thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo nhất tăng ít nhất 3 lần so với năm 2010. Bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho các hộ nghèo, đặc biệt hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các huyên nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

 

Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ LĐTB&XH cần những giải pháp: Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, người nghèo; nghiên cứu các chính sách đặc thù cho địa bàn khó khăn nhất; xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015.../.

 

 

 

Theo TTXVN 

Tệp đính kèm