Cập nhật: 09/03/2011 23:32:20 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã rất nghiêm trọng, đe dọa lớn tới ngành chăn nuôi nước ta. Do đó, chúng ta phải thực sự quyết liệt, khẩn trương chống dịch để dịch bệnh không lây lan rộng thêm” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát yêu cầu.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng đang có nguy cơ lây lan rộng ở nhiều địa phương trong cả nước, chiều ngày 8/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm đã có cuộc họp khẩn bàn các biện pháp chống dịch dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

 

Theo ông Hoàng Văn Năm – Cục trưởng Cục Thú y, trong vòng bốn tuần qua, từ 9/2-7/3/2011, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã lây lan trên diện rộng.

 

Về dịch cúm gia cầm, dịch đã tái bùng phát tại 7 tỉnh là Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Kon Tum và Hà Nam. Nguyên nhân chính gây ra các ổ dịch cúm gia cầm là sau Tết Nguyên đán các hộ chăn nuôi bắt đầu nhập các đàn gia cầm mới về nuôi, đàn gia cầm lại chưa được tiêm phòng. Mặt khác, do vắc xin phòng dịch cúm gia cầm nhập về muộn hơn so với mọi năm, do nước ta chưa chủ động được nguồn cung cấp vắc xin phòng bệnh nên khi gia cầm mới ấp nở không được tiêm phòng kịp thời khiến gia cầm không có kháng thể bảo hộ. Do đó, khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi, vi rút cúm dễ dàng xâm nhập vào đàn gia cầm mẫn cảm có sức đề kháng yếu.

 

Không chỉ dịch cúm gia cầm có chiều hướng gia tăng, mà dịch lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc cũng đang ngày một lan rộng. Theo thống kê, hiện cả nước có 25 tỉnh là Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lào Cai, Phú Yên, Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Hà Nam, Quảng Nam và Hà Tĩnh có dịch LMLM chưa qua 21 ngày.

 

“Việc vận chuyển gia súc không qua kiểm dịch là nguyên nhân chính gây ra đợt dịch từ đầu năm nay khi vi rút LMLM có thể dễ dàng lây lan từ vùng này sang vùng khác qua gia súc mắc bệnh. Thậm chí, có địa phương còn xuất hiện hiện tượng giấu dịch, không công bố dịch, công tác phòng, chống dịch thiếu quyết liệt nên đã làm dịch lây lan diện rộng.” – ông Năm nói.

 

Đặc biệt, qua phân tích cho thấy, loại vi rút gây LMLM ở Việt Nam năm nay vẫn thuộc type O nhưng thuộc chủng vi rút lưu hành ở Malaysia năm 1998. Độc lực cao, tỷ lệ lợn nhiễm bệnh chết rất cao.

 

Về dịch tai xanh, trong bốn tuần qua, dịch này chỉ xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi lợn nái tại xã Đức Long, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đây là ổ dịch nhỏ lẻ, đã được xử lý triệt để nên không có hiện tượng lây lan sang các hộ chăn nuôi khác. Tuy nhiên, Cục Thú y vẫn đề nghị người chăn nuôi và chính quyền địa phương nâng cao cảnh giác, phát hiện sớm và thông báo cho cơ quan thú y bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào lợn mắc bệnh tai xanh.

 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Chống dịch không phải chỉ hô hào mà phải chỉ ra biện pháp cụ thể, hướng dẫn cụ thể để dân làm theo”.

 

Bộ trưởng đề nghị Cục Thú y kết hợp với Viện Thú y phải nhanh chóng phân tích độc lực học, điều tra sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm và LMLM ngay trong tháng 3. Cục Thú y cũng cần gấp rút tung ra số vắc xin giúp các địa phương nhanh chóng dập dịch.

 

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Thú y phải có văn bản gửi UBND các tỉnh có dấu hiệu giấu dịch đề nghị kiểm tra lại và xử lý nghiêm những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

 

Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại thông tư quy định chế độ cho những người làm công tác thú y. Bởi, hiện nay chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đã làm cán bộ thú y không mấy “mặn mà” với công việc, do đó công tác thú y cơ sở chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

 

Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các thông tư phòng chống dịch; công bố rõ chính sách hỗ trợ cho cá hộ chăn nuôi…

 

 

 Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm