Cập nhật: 07/04/2011 05:44:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng 5.4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, Chính phủ đã có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cụ thể nhằm tạo ra sự chuyển biến thật sự trong cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, thủ tục hành chính trên những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp như: đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, kho bạc, xuất nhập khẩu... đã được rà soát sửa đổi nhiều. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những mô hình cải cách hành chính được đánh giá cao.

 

Tuy nhiên, theo các đại biểu, tốc độ cải cách hành chính còn chậm, kết quả chưa đạt được so với mục tiêu chung đặt ra; hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, vẫn còn sự chồng chéo; chưa xây dựng được cơ cấu cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính; cơ chế quy định trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng và chưa đánh giá được chất lượng đội ngũ cán bộ công chức sau đào tạo; công tác cải cách tiền lương triển khai còn chậm, tiền lương chưa thực sự là động lực của cán bộ công chức; cải cách hành chính công thực hiện mới chỉ là bước đầu, kết quả đạt được còn hạn chế.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Công tác cải cách hành chính 10 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từ cải cách thể chế và tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đến cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Tuy nhiên, so với mục tiêu tổng quát đề ra vẫn chưa đạt yêu cầu và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

 

Thủ tướng yêu cầu tập trung trước hết vào cải cách thể chế, nhất là các vướng mắc liên quan đến đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước, xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công như y tế, giáo dục và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Đối với lĩnh vực tài chính công, Thủ tướng khẳng định sẽ dành ngân sách thỏa đáng đầu tư cho con người, đẩy mạnh cải cách tiền lương theo lộ trình đi liền với giảm biên chế, xây dựng rõ cơ chế tài chính đối với nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển giáo dục và y tế cũng như hoàn thiện cơ chế khoán chi hành chính.

 

 

Theo Báo Văn hóa Online

Tệp đính kèm