Cập nhật: 29/04/2011 23:54:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời khắc lịch sử, xe tăng 843 húc đổ cổng dinh Độc Lập, tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền nguỵ.

 Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là một trong những cuộc kháng chiến kéo dài nhất, oanh liệt nhất và đã chiến thắng vẻ vang, trọn vẹn.

 

Đại thắng mùa Xuân 1975 là bước phát triển ở quy mô cao nhất của toàn bộ tiến trình cách mạng ở miền Nam và của cuộc kháng chiến. Sẽ không thể thấu hiểu sâu sắc nguyên nhân thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếu không đặt trong tổng thể quá trình Đảng hoạch định đường lối, lãnh đạo và chỉ đạo ở từng chặng đường cụ thể giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển và thắng lợi của cuộc kháng chiến.

 

Sau khi hoàn thành việc thay thế thực dân Pháp để chiếm miền Nam nước ta (28/4/1956), đế quốc Mỹ thực hiện chính sách của chủ nghĩa thực dân mới, dựa vào chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, phá hoại sự nghiệp hoà bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam như đã được quy định tại Hiệp định Geneve (7/1954). Trước tình thế này, tháng 9/1954, Bộ Chính trị đã có những chủ trương cụ thể để chống âm mưu phá hoại của Mỹ, giữ vững thành quả cách mạng.

 

Tháng 10/1954, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ uỷ Nam Bộ được thành lập ở căn cứ Chắc Băng - U Minh để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ bám trụ hoạt động tại miền Nam đã soạn thảo tài liệu Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam.

 

Từ ngày 12 đến 22/1/1959, Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15 đề ra Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, chủ trương con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Thực hiện đường lối của Nghị quyết 15, toàn miền Nam đã nổ ra phong trào Đồng khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960. Phong trào Đồng khởi thật sự là một cao trào cách mạng, là bước phát triển nhảy vọt về chất của cách mạng miền Nam, giáng đòn nặng nề vào bộ máy thống trị của Mỹ - Diệm, làm phá sản một hình thức điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

 

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam, Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Từ đây, phong trào cách mạng miền Nam có những bước phát triển mạnh mẽ. Chiến thắng ấp Bắc (2/1/1963), cuộc khủng hoảng của ngụy quyền dẫn tới đảo chính 1/11/1963, Mỹ phải trừ bỏ Ngô Đình Diệm. Kế đó là những chiến thắng lớn ở Bình Giã, Ba Giao, An Lão đến Đồng Xoài đã làm thất bại kế hoạch chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

 

Thất bại trong Chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, đồng thời ồ ạt đưa quân đội viễn chinh Mỹ và các nước chư hầu vào tham chiến ở miền Nam, phát động cuộc chiến tranh cục bộ chống nhân dân Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3/1965), Hội nghị Trung ương 12 (12/1965) và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/7/ 1966 đã thể hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chiến thắng trong trận đầu đánh Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam) ngày 26/5/1965, Chiến thắng Vạn Tường (Quảng Ngãi) 8/1965, tiếp đó là thắng lợi trong chiến dịch mùa khô 1965-1966, mùa khô 1966-1967 và chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 đã làm thất bại chiến tranh cục bộ của Mỹ, chứng minh Mỹ không thể thắng bằng quân sự trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc (1/11/1968) và ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris bắt đầu từ 13/5/1968.

 

Thất bại trong chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố kéo dài chiến tranh bằng chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh cực kỳ tàn ác và thâm độc. Trong những năm 1969 - 1970, cách mạng miền Nam chịu nhiều tổn thất và gặp nhiều khó khăn. Song toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vẫn nêu cao ý chí, quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện bằng được Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1971, phối hợp với chiến trường các nước bạn Lào và Campuchia, ta đã giành thắng lợi lớn về quân sự, nhất là việc đánh tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 với chiến địch Đường 9 Nam Lào. Trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp, ta mở cuộc tiến công xuân - hè 1972 trên toàn miền Nam. Mỹ lo sợ thất bại hoàn toàn nên vội vã Mỹ hoá trở lại cuộc chiến tranh, phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc bắt đầu từ ngày 6/4/1972 và đỉnh cao nhất là cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Thất bại trong trận Điện Biên Phủ trên không, Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973). Ngày 29/3/1973, quân Mỹ ở miền Nam làm lễ cuốn cờ chấm dứt sự có mặt của quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam.

 

Sau Hiệp định Paris, đế quốc Mỹ vẫn tăng cường viện trợ về quân sự và kinh tế cho chính quyền Sài Gòn, tiếp tục thực hiện chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh.

 

Để từng bước giành thắng lợi, trong nửa cuối năm 1973 và cả năm 1974, cùng với gấp rút củng cố và phát triển lực lượng tại chỗ trên chiến trường, Đảng chỉ đạo nhiệm vụ tăng cường chi viện của hậu phương miền Bắc. Mức tuyển quân và huy động của cải vật chất ở miền Bắc tăng nhiều lần so với các thời kỳ trước. Đến cuối năm 1974, việc chuẩn bị về mọi mặt đã tạo nên sự chuyển biến căn bản trong thế và lực của ta trên chiến trường. Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên sức mạnh của quân dân cả nước hoàn thành giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Sau chiến thắng Phước Long (1/1975), thế và lực của ta tăng lên, khả năng Mỹ đưa quân trở lại là rất khó xảy ra, Bộ Chính trị đi đến quyết định mở cuộc tiến công chiến lược để hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị và quân uỷ Trung ương quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 10/3/1975, ta tiến công Buôn Ma Thuật. Chiến thắng Buôn Ma Thuật và chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi chẳng những đã tăng cường thế và lực của ta mà còn xuất hiện thời cơ giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất. Phát triển thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị, quân uỷ Trung ương quyết định mở chiến dịch Huế -Đà Nẵng. Ngày 26/3/1975, giải phóng Huế. Ngày 29/3/1975, giải phóng Đà Nẵng. Tiếp tục truy quét địch dọc các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Ngày 24/4/1975, ta phá tan phòng tuyến Xuân Lộc của địch, mở cánh cửa hướng Đông tiến vào Sài Gòn. Ngày 24/4/1975, Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh, đỉnh cao nhất của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu và toàn thắng vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Có thể thấy rõ sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, quân uỷ Trung ương đã có vai trò quyết định đến sự phát triển thần tốc, táo bạo của quân và dân ta trên toàn chiến trường và chỉ trong 55 ngày đã giành thắng lợi hoàn toàn.

 

Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn là sự hội tụ sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của toàn dân tộc. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thần kỳ với sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ miền Nam trên tiền tuyến lớn và sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đó là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

 

Đại thắng mùa Xuân 1975 không chỉ kết thúc cuộc kháng chiến oanh liệt chống Mỹ cứu nước suốt 21 năm, mà còn chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta kéo dài 117 năm (1858-1975). Đó là thắng lợi vẻ vang của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh bại những thế lực thực dân, phát xít, đế quốc hùng mạnh nhất trong thế kỷ XX.

 

Với đại thắng mùa Xuân 1975, một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc đã được mở ra - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. 36 năm đã trôi qua kể từ thắng lợi vẻ vang đó, đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, giành những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Hào khí Xuân 1975 đã và mãi mãi cổ vũ các thế hệ người Việt quyết tâm gìn giữ nền độc lập thống nhất - thành quả mà các thế hệ cha anh đã đổ biết bao xương máu mới giành được. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu mà đại thắng mùa Xuân 1975 là bản hùng ca tuyệt diệu vẫn đang có ý nghĩa sâu sắc, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam hôm nay vững bước trên con đường xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

 

 

Theo kinhtenongthon.com.vn

 

Tệp đính kèm