Cập nhật: 24/07/2012 23:51:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), hiện, các Ban, Bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến của bão số 4, sẵn sàng triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với cơn bão này.

Đã hướng dẫn cho hơn 34 nghìn tàu thuyền tránh bão

 

Theo Báo cáo 150/BC-CQTT của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 24/7, Biên phòng các tỉnh tiếp tục đôn đốc, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và các lực lượng thông báo, hướng dẫn cho 34.046 tàu thuyền, lồng bè/123.420 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể, có 98 tàu/1.172 lao động hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (giảm 25 tàu/ 297 lao động do di chuyển vào bờ và xuống phía Nam); có 33.948 tàu, lồng bè/122.248 lao động hoạt động, neo đậu ở khu vực biển vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.

 

Theo báo cáo của Vụ Quản lý Công trình thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi, hiện mực nước các hồ đang ở mức thấp, đạt 50-70% dung tích hữu ích, các hồ có nguy cơ không đảm bảo an toàn khi có mưa lớn địa phương đã chủ động không tích nước. Mực nước lúc 7h ngày 24/7 sông Hồng tại Hà Nội là 4,20 m; sông Thái Bình tại Phả Lại là 1,57 m. Dự báo trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa. Đỉnh lũ trên các sông Thao, Lô, Gâm, thượng lưu sông Cầu, Thương, Lục Nam, hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng ở mức báo động I đến báo động II, có nơi trên báo động II.

 

Sáng qua (23/7), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLBTW để chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành đối phó với bão số 4.

 

Cũng trong ngày hôm qua, Ban Chỉ đạo PCLBTW có Công điện số 12/CĐ-TW chỉ đạo các bộ, địa phương chỉ đạo chuẩn bị phòng chống bão số 4; Tổng cục Thủy lợi có Công điện số 01/CĐ-BNN-TCTL gửi Giám đốc sở Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn hồ, đập và chống úng.

 

Trong khi đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết trên đất liền và diễn biến của bão số 4; thường xuyên liên lạc với các địa phương để nắm tình hình tàu thuyền; đôn đốc triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 12/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

 

Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các tỉnh tuyến biển tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, di chuyển về nơi tránh trú an toàn; chỉ đạo các tỉnh biên giới phía Bắc chủ động phòng chống mưa kéo dài gây lũ quét lũ ống, sạt lở đất đá và ngập lụt trên diện rộng.

 

Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải , Bộ Công an có Công điện chỉ đạo triển khai công tác đối phó với bão, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

 

Đồng thời, các địa phương ven biển theo dõi sát diễn biến cơn bão; phối hợp chặt chẽ với biên phòng tuyến biển kiểm đếm nắm chắc số tàu thuyền; cung cấp thông tin bão và kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển trú, tránh bão.

 

Bão số 4 đã đi vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (24/7) bão số 4 đã đi vào đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Hồi 07 giờ ngày 24/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 470 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi dọc vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 25/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng – Lạng Sơn. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào khu vực vùng núi phía Bắc và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 26/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sáng nay còn có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ chiều nay (24/7) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Từ tối và đêm nay (24/7), ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Từ chiều và đêm nay (24/7) ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to.

 

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.

 

 

 

Theo Thu Hằng/ Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm