Cập nhật: 10/10/2012 01:06:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lục địa có cường độ ổn định, sau có khả năng được tăng cường yếu trở lại, nên các tỉnh miền bắc nhiều mây, có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây, trời nắng. Gió đông bắc đến đông cấp 2, cấp 3. Hình thái thời tiết này còn duy trì đến ngày 11-10, sau đó, từ ngày 12 đến 17-10, khu vực này mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, gió nhẹ.

Hiện lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và hạ lưu sông Thu Bồn, sông Ba đang lên, trong khi thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn và các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống. Dự báo, lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động (BÐ)1 - BÐ2, có nơi trên BÐ2; hạ lưu sông Ba tại Phú Lâm lên mức BÐ2; hạ lưu sông Thu Bồn tại Câu Lâu dưới mức BÐ1, sau đó xuống; các sông từ Thừa Thiên - Huế, Bình Ðịnh xuống dưới mức BÐ1, riêng khu vực Tây Nguyên dao động ở mức BÐ1 - BÐ2. Ðề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Ðây là tin cuối cùng về đợt lũ này.

 

Diễn biến xấu của thời tiết đã gây sạt lở nặng cho các địa phương ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế trên tổng chiều dài hàng chục km. Nặng nhất là khu vực bờ biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, biển xâm thực vào đất liền với chiều dài khoảng 600 m, sâu vào bờ hơn 30 m. Nhiều khu vực nhà dân bị biển ăn vào sát vách, tạo nên hố sâu nguy hiểm. Do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 7, tỉnh Quảng Ngãi có mưa lớn trên diện rộng, nhất là ở các huyện miền núi nên đã gây thiệt hại về nhà, các công trình thủy lợi, giao thông. Bão đã làm bị thương một người, sập một số nhà, làm thiệt hại 5,7 ha lúa và cây công nghiệp, sạt lở 190 m3 bê-tông, các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Sơn Tây và Trà Bồng bị sạt lở hơn 10 nghìn m3. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung khắc phục những thiệt hại do bão, lũ gây ra. Trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc những ngày qua đã liên tục có mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa lớn phổ biến tại các vùng đạt từ 60 đến 80 mm. Riêng khu vực Ea Súp đạt 145 mm và Ea H’leo 104 mm đã gây lũ cục bộ và ngập lụt ở một số địa phương. Tại huyện Ea H’leo, lũ lớn đã cuốn trôi một người dân. Lũ lớn đã làm hư hỏng nhiều đoạn đường, cuốn trôi hai cầu bán kiên cố, khiến một số vùng bị cô lập. Tổng thiệt hại ước tính khoảng năm tỷ đồng. Do ảnh hưởng của thiên tai, trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đã có mưa lớn kéo dài, cùng với lưu lượng nước từ hồ Trị An xả lũ xuống hạ du sông Ðồng Nai khiến cho mực nước các sông của tỉnh dâng cao, đặc biệt là lúc triều cường. Trước tình hình trên, để tránh tai nạn đường thủy có thể xảy ra, tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải thủy và các bến đò đưa khách qua sông ở khu vực thành phố Biên Hòa và các huyện trong tỉnh.

 

Tỉnh Hậu Giang đã chủ động di dời khoảng 80 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu ở khu vực đường Trần Hưng Ðạo - Lê Lợi (thị xã Ngã Bảy), xây dựng bờ kè dọc sông Cái Côn, xây dựng ba cụm dân cư để chuyển những hộ dân nằm trong khu vực sạt lở vào sinh sống. Tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông hiện đã gây thiệt hại cho một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Ðoạn đê biển đi qua huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, tỉnh Cà Mau và huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang, thuộc tuyến Biển Tây, dài khoảng 260 km kéo dài từ Cà Mau đến Kiên Giang hiện bị xói lở nghiêm trọng. Tại tỉnh Bạc Liêu, đê biển dài 56 km nhưng chỉ chịu được bão cấp 9. Tuyến đê phòng hộ ven biển Kiên Giang dài gần 100 km (từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương) có hơn 60 điểm bị sạt lở; trong đó tuyến đê đi qua các xã Tây Yên, Vân Khánh (huyện An Biên), xã Thổ Sơn, Bình Sơn, Bình Giang (huyện Hòn Ðất) bị đứt đoạn nhiều nhất với hơn 20 đoạn. Có nơi đoạn đê bị đứt rộng từ 6 đến 10 m. Hiện có gần 150 đoạn bờ sông thuộc 10 tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu với diện tích hàng trăm nghìn m2 có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào, hàng nghìn hộ dân sống trong khu vực nguy hiểm cần được di dời. Nghiêm trọng nhất là tại An Giang, thời gian qua, hàng trăm ha đất đã bị nước nhấn chìm. Chỉ một xã Vĩnh Hòa (huyện Tân Châu) đã có 40 ha đất bị sạt lở, trong đó ấp Vĩnh An bị lở hoàn toàn. Mới đây, một đợt sạt lở lớn làm sụt 130 m bờ sông Tiền ở xã Phú An (huyện Phú Tân), làm sụp đổ 16 căn nhà. Tại tỉnh Cần Thơ, đến nay đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở làm chết bốn người, bị thương năm người, hàng chục nhà dân bị sụp xuống sông, nhiều công trình công cộng lớn bị hỏng nặng. Tỉnh Bến Tre hiện có 18 điểm sạt lở lớn, chủ yếu nằm trên các tuyến sông Cửa Ðại, Cổ Chiên, Hàm Luông; 5/6 cồn của tỉnh đang bị sạt lở nghiêm trọng với khoảng 3.500 hộ dân có nguy cơ mất nhà hoặc bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng cồn Bùn, cồn Kiến thuộc xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) đã gần bị xóa sổ làm cho gần 200 hộ phải tìm đất mới sinh sống.

 

* Thượng tá Nguyễn Hồng Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Ia Pa (Gia Lai) cho biết, chiều 8-10, tại rẫy mì của anh Lương Văn Nam (SN 1985, trú tại thôn 2 xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đã xảy ra sét đánh làm hai người chết tại chỗ, hai người bị thương nhẹ. Hai nạn nhân bị chết là Nguyễn Văn Công (SN 1983) và Ngô Văn Cường (SN 1987), đều trú tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa.

 

Hôm qua 8-10, khu du lịch Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xuất hiện rét sâu, nhiệt độ giảm còn 11,50C. Ðây là lần thứ ba nhiệt độ tại Sa Pa giảm thấp tính từ sau tiết lập thu đến nay. Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn, nhiều khả năng vào ngày mai (10-10), sẽ có một đợt không khí lạnh lại tăng cường yếu xuống Lào Cai.

 

 

 

 

Theo Nhân dân Online

 

Tệp đính kèm