Cập nhật: 22/06/2010 16:18:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các biện pháp trừng phạt của LHQ: Nghị quyết  thứ nhất, được thông qua tháng 12-2006. Nghị quyết này đề cập đến nguyên liệu hạt nhân nhạy cảm của I-ran và các biện pháp phong tỏa tài sản của những cá nhân và các công ty I-ran có liên quan chương trình hạt nhân của nước này.

Nghị quyết gia hạn cho I-ran trong 60 ngày phải đình chỉ việc làm giàu u-ra-ni. I-ran đã bác bỏ thời hạn này. Nghị quyết thứ hai được thông qua tháng 3-2007 bao gồm các biện pháp trừng phạt mới đối với vũ khí và tài chính. Nghị quyết này mở rộng thêm việc phong tỏa tài sản đối với 28 nhóm, công ty và cá nhân tham gia hoặc hỗ trợ hoạt động hạt nhân nhạy cảm hoặc phát triển tên lửa đạn đạo, trong đó có Ngân hàng Xê-pát do Nhà nước quản lý và các công ty do Lực lượng Vệ binh cách mạng kiểm soát. Nghị quyết viện dẫn Chương 7, Ðiều 41 của Hiến chương LHQ về các điều khoản bắt buộc nhưng loại trừ hành động quân sự. I-ran lại bác bỏ lệnh ngừng làm giàu u-ra-ni. Nghị quyết thứ ba, được thông qua tháng 3-2008 tăng các biện pháp kiểm soát tài chính và đi lại đối với các cá nhân và công ty của I-ran.

 

Nghị quyết này mở rộng việc cấm từng phần về thương mại đối với những mặt hàng được sử dụng cả về dân sự và quân sự, việc bán các công nghệ cho I-ran. Ðồng thời, đưa thêm 13 cá nhân và 12 công ty vào danh sách những đối tượng bị tình nghi trợ giúp chương trình hạt nhân và tên lửa của I-ran. Tháng 9-2008, HÐBA đã nhất trí thông qua một nghị quyết, một lần nữa, ra lệnh cho I-ran ngừng làm giàu u-ra-ni, nhưng không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, do Nga và Trung Quốc phản đối. Tháng 3-2010, Mỹ đồng ý với Anh, Pháp và Ðức một dự thảo về lệnh trừng phạt thứ  tư và đã thông báo cho Nga và Trung Quốc về dự thảo này. Nghị quyết thứ tư, được thông qua ngày 9-6 vừa qua, mở rộng biện pháp cấm vận vũ khí đối với I-ran. Nghị quyết nêu rõ I-ran bị cấm theo đuổi mọi hoạt động liên quan tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, không được đầu tư vào các hoạt động như khai thác u-ra-ni, cấm I-ran mua tám loại vũ khí hạng nặng, trong đó có máy bay trực thăng chiến đấu, tên lửa, xe tăng, xe bọc thép... Nghị quyết cũng đưa thêm 40 thực thể vào danh sách những cá nhân và tổ chức bị phong tỏa tài sản và bị hạn chế đi lại, trong đó có Giám đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử I-ran Gia-vát Ra-hi-ki. Ngoài ra nghị quyết còn hối thúc các nước không cấp giấy phép cho các ngân hàng I-ran hoạt động trên lãnh thổ nước mình cũng như đình chỉ mọi hoạt động giao  dịch tài chính liên quan chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Tê-hê-ran. Các nước trên thế giới sẽ được phép kiểm tra các tàu thuyền, cả khi neo đậu lẫn khi đang lưu thông trên biển, nếu nghi ngờ chúng vận chuyển vũ khí thông thường hoặc những bộ phận tên lửa hạt nhân cho I-ran.

 

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, được áp đặt sau khi sinh viên I-ran đột nhập Ðại sứ quán Mỹ ở Tê-hê-ran bắt các nhà ngoại giao làm con tin năm 1979, trong đó có lệnh cấm hầu như hoàn toàn việc buôn bán giữa  Mỹ và I-ran. Hàng hóa và dịch vụ từ I-ran không được nhập vào Mỹ một cách trực tiếp hoặc qua các nước thứ ba, với những ngoại lệ sau: Quà tặng trị giá 100 USD hoặc thấp hơn, thông tin hoặc tài liệu thông tin, thực phẩm dành cho con người, thảm dệt và thảm treo tường. Năm 1995, Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn ban bố lệnh hành pháp, theo đó không cho các công ty Mỹ đầu tư vào công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của I-ran và buôn bán với  I-ran. Tê-hê-ran đã tìm kiếm các bạn hàng khác. Cũng trong năm 1995, QH Mỹ đã thông qua luật yêu cầu chính phủ nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty nước ngoài đầu tư hơn 20 triệu USD/năm vào ngành năng lượng I-ran. Luật này kéo dài năm năm đến tháng 9-2006. Chưa có công ty nước ngoài nào bị phạt theo luật này. Nhiều công ty đã cắt giảm hoạt động của họ ở I-ran. Tháng 10-2007, Oa-sinh-tơn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Mê-li, Ngân hàng Mê-lát và Ngân hàng Xa-đê-rát và tố cáo Lực lượng Vệ binh cách mạng là người phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hai năm sau, tháng 10-2009, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt Ngân hàng Mê-lát ở Ma-lai-xi-a và Chủ tịch ngân hàng này. Theo các dự luật vừa được Thượng viện và  Hạ viện Mỹ thông qua, các công ty trên thế giới cung cấp xăng, dầu cho I-ran sẽ bị cấm làm ăn với Mỹ.

 

Các biện pháp trừng phạt của EU: cấm cấp thị thực nhập cảnh cho các quan chức cấp cao như người đứng đầu Lực lượng Vệ binh cách mạng M.A-li Gia-pha-ri, cựu Bộ trưởng Quốc phòng M.M.Na-gia và cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử I-ran Gh. A-gha-da-đết cùng các chuyên gia hàng đầu về hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ngày 18-6-2009, Anh cho biết, các tài sản của I-ran đã bị đóng băng tại nước này theo lệnh trừng phạt của EU và LHQ trị giá toàn bộ là 976 triệu bảng (1,4 tỷ USD). Ngày 12-10 cùng năm, Anh thông báo nước này đã đình chỉ các mối quan hệ làm ăn với Ngân hàng Mê-lát và Công ty đóng tàu của I-ran, cả hai trước đó đã phải đương đầu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

 

 Theo Roi-tơ

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm