Cập nhật: 13/08/2010 15:02:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Iran đang tiến rất gần đến phát triển chế tạo bom hạt nhân, việc làm này có thể dìm Trung Đông trong bể máu và đẩy thế giới-đang nhạy cảm với giá dầu-vào khủng hoảng kinh tế. Quân đội Israel muốn tấn công Iran trước khi bom hạt nhân của nước này được hình thành.

 

Tất nhiên Iran sẽ báo thù quyết liệt ngay cả trước khi bom hạt nhân được hoàn tất, và còn nguy hiểm hơn khi Iran đã chế tạo thành công bom hạt nhân. Nguy cơ chiến tranh đang rất gần, thậm chí có thể nổ ra ngay mùa xuân tới.

 

Thứ ba 10/8/2010, tướng Hosein Kanani Moghadams - nguyên phó tư lệnh chỉ huy các lực lượng cách mạng Iran thời kì chiến tranh Iran-Iraq đã tuyên bố với hãng AP rằng họ đã bắt đầu đào những hố khổng lồ để có chỗ chôn xác lính Mỹ ở vùng tây nam Iran thuộc tỉnh Huzistán.

 

Ngày 02/08/2010, tướng Mike Mullen tổng tư lệnh liên quân Mỹ trong chương trình mang tên „ Meet the press” của kênh NBC Mỹ, cũng đã tuyên bố: Hoa Kì đã lên kế hoạch sẵn sàng tấn công Iran. Tuy nhiên ông Mullen lo ngại bởi những phản ứng có thể xảy ra từ phía Iran. Ông nói „ Hành động quân sự chống Iran có thể gây ra hậu quả khôn lường trước được cho khu vực bất ổn định nhất thế giới này”. Mullen đồng thời khẳng định quan điểm của chính phủ Mỹ: không chấp nhận việc Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

 

Cuối cùng vị tướng cao cấp nhất của quân đội Mỹ nói „ Kế hoạch hành động quân sự đã được đặt trên bàn, và vẫn đang nằm đó, mặc dù chúng tôi hi vọng rằng Hoa Kì không cần phải dùng đến nó”.

 

Ông Jeffrey Goldberg, phóng viên uy tín của tờ Atlantic- người thường xuyên qua lại nói chuyện hậu trường với tổng thống Mỹ và thủ tướng Israel- trong bài báo của mình đã phỏng đoán: khả năng Israel sẽ ném bom Iran vào mùa xuân năm tới là hơn 50%.

 

Từ 3 tuyên bố trên và từ nhiều dấu hiệu khác cho thấy một cuộc chiến tàn khốc đang manh nha ở Trung Cận Đông. Tất nhiên, có thể những tiến triển mới nhất này chỉ là các đòn của chiến thuật đe dọa đối phương và biểu dương lực lượng. Nhưng mối đe dọa đổ máu đang đến gần là sự thực.

 

Bom hạt nhân sắp được hoàn tất

 

Cuộc tranh cãi về chương trình làm giàu uranium giữa Iran với Mỹ và EU đã diễn ra từ lâu. Các cuộc kiểm tra, báo cáo, hội họp và những biện pháp trừng phạt kinh tế nối tiếp nhau. Sự đơn điệu của những tiến triển này làm chán ngấy độc giả- những người ngoài cuộc. Tình hình bây giờ chỉ có phần hình thức là giống trước đó.

 

Khởi đầu bằng việc ngày 09/06/2010, Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc chấp thuận các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, bởi vì nước này vẫn duy trì những thử nghiệm làm giàu uranium. Iran lại một lần nữa tuyên bố họ đang xây dựng nhà máy điện nguyên tử với mục đích hòa bình. Tuy nhiên các cường quốc nhìn thấy sự phát triển vũ khí hạt nhân đằng sau những thành tựu công nghệ đó.

 

Trong tháng bảy năm 2010, Mỹ, EU và Liên hợp quốc đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, nghiêm khắc hơn lệnh cấm vận đang có hiệu lực áp dụng từ 1979 đối với Iran.

 

Thứ hai ngày 10/08/2010 cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế( IAEA) công bố chính thức rằng, hè năm nay Iran đã chế tạo được vật liệu phân hạch uranium 20%. Chính vì thế các lệnh trừng phạt trên được áp dụng.

 

Mốc tiến triển 20% này quan trọng hơn bao giờ hết, vì từ đó dễ dàng đạt được cấp độ làm giàu uranium cần thiết cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

 

Theo BBC, các chuyên gia nhận định rằng, Iran đã làm được 90% công việc, nếu họ muốn chế tạo bom hạt nhân. Nếu thực sự Iran chỉ muốn xây dựng nhà máy điện nguyên tử thì họ đã sản xuất đủ nguyên liệu cần thiết. Iran cũng chính thức thông báo sẽ mở lò phản ứng thử nghiệm đầu tiên trong vòng hai tuần tới.

 

Không tin vào ý định hòa bình

 

Thế giới nghĩ rằng Iran muốn sản xuất vũ khí hạt nhân chứ không phải sản xuất điện năng từ lượng uranium đã được làm giàu, bởi vì đất nước này duy trì một quân đội khổng lồ, giao tiếp ngoại giao hiếu chiến, coi Mỹ và Israel là kẻ thù không đội trời chung. Mặt khác, Iran không thiếu nguồn cung cấp năng lượng: trữ lượng dầu thô của Iran chiếm 10% và trữ lượng khí đốt chiếm trên 15% của thế giới. Với tiềm năng như vậy, ý tưởng bắt đầu xây dựng nhà máy điện nguyên tử là không thiết thực.

 

Các báo cáo của tình báo phương tây và sự giấu giếm che đậy chương trình làm giàu uranium đã làm lộ rõ ý định sản xuất bom hạt nhân của Iran.

 

Israel sợ bị hủy diệt

 

Israel là nước sợ bom hạt nhân của Iran nhất, nhưng Mỹ và đa số chính phủ các nước Ả Rập cũng rất ngán ý tưởng thực hiện bom hạt nhân của Iran.

 

Chính phủ Israel cho rằng mối đe dọa bom hạt nhân của Iran như là Holocaus đối với người Do Thái. Khoảng ½ số người Do Thái Israel sống tập trung ở Tel Aviv và vùng lân cận. Thực chất chỉ một quả bom hạt nhân duy nhất đủ để hủy diệt Israel. Vì thế nhiều khả năng cùng với sự hỗ trợ của Mỹ- thậm chí theo một số nguồn tin, không cần sự chấp thuận của phía Mỹ- Israel sẵn sàng tấn công phủ đầu Iran, nếu họ nghĩ rằng Iran đã gần hoàn thiện bom hạt nhân.

 

Tham vọng lớn

 

Mỹ lo ngại rằng với bom hạt nhân, Iran sẽ có tiềm năng đe dọa khủng khiếp. Có chung biên giới với Iraq và Afganistan, Iran đang có tham vọng bá chủ khu vực, và lâu dài trở thành lực lượng lãnh đạo toàn bộ thế giới Hồi giáo. Chính vì điều này, các nước Ả Rập ngán ngẩm việc làm giàu uranium của Iran.

 

Bom hạt nhân của Iran không những gây nguy hiểm đến uy tín của các vương quốc hùng mạnh như Saudi Arabia hay Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), mà còn gây ra xung đột rất nghiêm trọng và căng thẳng về tôn giáo giữa phần lớn các quốc gia Ả Rập có đa số dân theo đạo sunnita và những người shíita Ba tư ở Iran.

 

Các chính phủ sunnita không muốn nhà nước mạnh nhất thế giới Hồi giáo thuộc về những người theo shíita-đây chính là điều Iran, dưới sự lãnh đạo của các giáo sĩ shíita đang muốn.

 

Những tham vọng cường quốc của Iran được thể hiện rõ nét qua việc đe dọa Israel. Việc lực lượng Hesbollah ở Libanon và Hamas ở giải Gaza- được Iran trang bị vũ khí- đủ sức chống chọi với Israel đã là một cái tát đối với các nước Ả Rập bị Israel đánh bại. Với bom hạt nhân có sức hủy diệt Israel, Iran sẽ tạo được uy tín vô cùng mạnh mẽ cho mình. Thủ tướng Israel cho rằng sự cuồng tín tôn giáo dễ đẩy các nhà lãnh đạo Iran đến việc sử dụng bom hạt nhân, nếu họ có.

 

Iran cùng với quả bom sắp được hoàn tất, ngày càng được thần tượng hơn ngay cả ở các nước sunnita. Theo cuộc thăm dò dư luận Zogbi của Mỹ tại 6 nước sunnita-UAE, Ai Cập, Jordania, Lebanon, Ma-rốc, Saudi Arabia- 57% dân cư hưởng ứng việc chế tạo bom hạt nhân của Iran. Năm ngoái tỉ lệ này mới chỉ là 29% trong khi chính phủ của cả 6 nước trên đồng loạt phản đối mạnh mẽ chương trình hạt nhân của Iran

 

Không nhân nhượng

 

Những người lo ngại bom hạt nhân đều cho rằng Iran là một kẻ thù đáng gờm. Một trong những động lực quan trọng của đức tin shíita là lòng kính trọng việc tử vì đạo, sự chiến đấu hi sinh quên mình của các binh sĩ Iran đã được thể hiện trong chiến tranh Iran- Iraq những năm 1980-trong khi Mỹ, Liên Xô và các nước Ả Rập giàu có đều ủng hộ Iraq- Iran vẫn trụ vững và đẩy lùi quân đội Iraq được trang bị cả vũ khí hóa học và sinh học.

 

Một số nhà phân tích quân sự của Israel nghĩ rằng, Iran sẽ ném bom hạt nhân xuống Israel ngay cả khi biết Israel sẽ trả đũa lại( Israel đã sở hữu bom hạt nhân) và thêm nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi. Chiến tranh sẽ kết thúc sau cái chết của hàng triệu người Iran, Israel bị xóa sổ, Iran tổn thất nặng nề.

 

Hậu quả của việc tấn công phủ đầu

 

Israel đã ném bom vào các cơ sở làm giàu uranium của Iraq và Syria trong những năm gần đây. Một cuộc tấn công phủ đầu hiện nay sẽ không tránh khỏi hậu quả nặng nề.

 

Iran có nhiều cơ hội tốt để sử dụng lực lượng Hesbollah và Hamas, tấn công Israel bằng đường bộ từ hai hướng.

 

Theo tính toán của Mỹ và các nước Ả Rập, hạm đội của Iran (đã được tăng cường bởi các tàu chiến của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hai năm trước) sẽ khóa eo biển Hormuz- nằm giữa vịnh Batư và vịnh Oman, nơi 40% lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển qua đây, chủ yếu là dầu thô của Saudi Arabia, Emirates, Qatar và Iraq. Như vậy khối xuất khẩu dầu thô này sẽ tăng giá ngất ngưởng và Mỹ sẽ bị mất đi một cơ sở cung cấp chính.

 

Hậu quả tàn phá của chiến tranh sẽ không lường trước được tại Iraq- đất nước của đa số người shíita. Không phải ngẫu nhiên chính quyền Obama đến nay vẫn kêu gọi Israel kiềm chế. Tuy nhiên sự kiên nhẫn của Israel đã đến giới hạn.

 

Phong tỏa không mang lại kết quả tốt

 

Mặc dù Mỹ không loại trừ khả năng cuối cùng, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Iran, trước mắt vẫn chỉ dùng những biện pháp cấm vận triệt để phong tỏa Iran- kích thích sự căng thẳng về chính trị và xã hội của Iran.

 

Công cụ phong tỏa quan trọng là Iran không thể tiếp nhận được công nghệ cần thiết cho việc khai thác khí đốt và lọc dầu từ phương tây. Iran đang khát công nghệ, ví dụ nước này đang phải nhập khẩu 40% nhiên liệu cần thiết trong khi có rất nhiều dầu nhưng không thể tinh chế đáp ứng đủ nhu cầu do thiếu cơ sở hạ tầng.

 

Tình hình phức tạp hơn khi Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì và Nga không áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến nguồn năng lượng. Tháng 07 vừa rồi, Nga đã kí hai hợp đồng về khai thác và lọc dầu với Iran, Thổ Nhĩ Kì cũng kí một hợp đồng xây dựng đường ống dẫn dầu chung với nước này. Điều này có nghĩa rằng các lệnh trừng phạt dựa trên chính sách của Mỹ và EU không đủ hiệu quả.

 

Một khả năng khác cũng không thể bỏ qua, giới lãnh đạo Iran muốn gây chiến tranh nhằm giảm bớt sự căng thẳng trong xã hội do Iran đang nghèo đi vì các lệnh cấm vận của Mỹ và EU ? Tuyên truyền chiến tranh được phát động mạnh mẽ sau các cuộc biểu tình phản đối năm ngoái. Năm nay chính phủ Iran loan báo với dân chúng đang đấu một cuộc "chiến tranh mềm" với phương Tây.

 

 

Theo Tiền Phong Online

 

Tệp đính kèm