Diễn biến tại Libya hiện nay gợi nhớ tới cuộc nổi dậy bất thành của người Iraq chống chế độ Saddam Hussein năm 1991, người sau đó đã bảo vệ được quyền lực và cầm quyền thêm hơn một thập kỷ mới bị lật đổ.
Khác với chiến thắng của người biểu tình tại Tunisia và Ai Cập, cuộc xung đột tại Libya đang tái hiện hình ảnh một cuộc nổi dậy tương tự 20 năm trước, khi người Iraq cũng bắt đầu với hy vọng nhưng cuối cùng thất bại trong việc lật đổ chế độ Saddam Hussein. Phong trào của họ bị chính quyền Baghdad đàn áp đẫm máu, giúp Saddam "sống sót" qua biến cố.
Đại tá Muammar Gadhafi.
Chuyên gia về Iraq Toby Dodge tại trường Queen Mary London so sánh: "Năm 1991, thế giới đều nhận định Saddam Hussein sẽ bị hất văng khỏi quyền lực và họ không cần phải làm gì nhiều, chỉ cần cô lập Iraq để người dân làm nốt phần việc còn lại. Chúng ta đang có tình huống tương tự tại Libya, với việc cộng đồng quốc tế cho rằng Gadhafi sẽ sớm ra đi".
Tiến sĩ Dodge nói thêm, bất chấp nỗ lực của phe nổi dậy vốn đang kiểm soát phần lớn miền đông Libya, các cuộc phản công của quân trung thành với đại tá Gadhafi có thể sẽ vẫn giúp ông củng cố được vị trí và giữ quyền lực. "Chế độ này có khả năng vẫn đủ mạnh để tồn tại", ông đưa ra phán đoán với tờ The Christian Science Monitor.
Trong khi đó tại Libya, sức mạnh của phe nổi dậy rõ ràng đã yếu đi trong những ngày gần đây. Họ tuyên bố lập chính phủ lâm thời đóng tại thành phố Benghazi. Nhưng cách thức họ hành động với việc lấy vũ khí từ các kho quân đội và đẩy các chiến binh ít được huấn luyện và kỷ luật ra mặt trận đang thể hiện sự thiếu tổ chức. Do đó tham vọng tiến về thủ đô Tripoli của họ là rất khó khăn, thậm chí là "điệp vụ bất khả thi" khi phải đối đầu với lực lượng chuyên nghiệp ủng hộ Gadhafi.
Tuy vậy, phe chống chính phủ Libya vẫn giữ niềm lạc quan tương tự như những gì diễn ra tại Iraq năm 1991. Thời điểm đó, người Kurd ở miền bắc và người Shiite ở miền nam Iraq đồng loạt nổi dậy nhằm lợi dụng sự yếu đi của chính quyền Baghdad sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 để lật đổ Saddam Hussein. Nhưng cuối cùng phong trào của họ bị chế độ Saddam đàn áp đẫm máu và thất bại.
Khi đó, bất chấp việc người Kurd đã lập được vùng tự trị và quốc tế áp đặt những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất trong lịch sử hiện đại, chế độ Saddam Hussein vẫn tồn tại đến tận năm 2003. Chính quyền này chỉ sụp đổ khi liên quân do Mỹ đứng đầu mở chiến dịch không kích "sốc và kinh hoàng" cùng cuộc hành quân đánh chiếm quy mô lớn trên bộ.
"Chúng ta biết những gì xảy ra khi đó là Saddam đã nhanh chóng củng cố khu vực ủng hộ của mình và việc tách ra của người Kurd khỏi chính quyền Baghdad thực tế lại giúp ông ta. Vì sự hình thành của khu vực này đã khiến làn sóng chống đối bị cô lập và sau đó Saddam sử dụng chính các lệnh cấm vận từ bên ngoài để củng cố vị thế của mình", tiến sĩ Dodge nói thêm.
Theo chuyên gia nghiên cứu trên, hiện Gadhafi đối mặt với tình huống tương tự như Saddam năm 1991. "Chúng ta có nổi dậy ở Benghazi, nhưng không đủ khả năng để đánh bại Gadhafi. Điều này khiến Gadhafi có thể tung quân trở lại đánh chiếm hoặc đơn giản cô lập vùng đất phía đông này, vốn là cái gai chống chính quyền suốt từ năm 1969. Sau đó ông ta chỉ cần quay lại giữ vùng đất mà ông ta đang có sự ủng hộ mạnh để củng cố vị trí và quyền lực".
Saddam Hussein cầm quyền thêm 12 năm sau sự kiện 1991 mới bị lật đổ.
Trong khi đó, các cuộc không kích của quân đội Libya dù không hiệu quả nhưng đang khiến phe nổi dậy ở miền đông hoảng sợ. Điều này giống như việc các trực thăng Iraq tấn công một cách có hệ thống nhằm vào phiến quân người Kurd ở miền bắc nước này năm 1991, đẩy hơn một triệu người Kurd Iraq bỏ chạy sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lánh nạn.
Những hình ảnh về xung đột ở Libya hiện nay cũng được cho là không khác mấy so với tại Iraq năm 1991. Đó là hàng đoàn những chiếc xe dân sự của phe nổi dậy, một số là xe bán tải gắn súng phòng không cỡ nòng 12,7 li được triển khai "hồn nhiên" trên mặt đất. Chúng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu ngon ăn cho các vụ không kích của quân chính phủ.
Quay lại năm 1991, Tổng thống Mỹ Bush (cha) khi đó hứa giúp cuộc nổi dậy của người Iraq, nhưng rút cục thì không làm như vậy. Những chiếc máy bay Mỹ chỉ bay lòng vòng trên đầu những người Kurd đang chạy nạn mà không làm gì để ngăn cản cuộc hành quân của lực lượng thân Saddam. Người Kurd buộc phải tự lo cho bản thân, trốn chui lủi trên núi và bỏ chạy với tất cả những gì có thể mang theo.
Hiện quân nổi dậy tại Libya cũng đang kêu gọi giúp đỡ và trông chờ vào sự hẫu thuẫn của phương Tây. Nhưng những gì mà họ nhận được chỉ là các thông tin không có gì đảm bảo chắc chắn, với kế hoạch lập vùng cấm bay tại Libya để ngăn quân chính phủ Gadhafi tấn công người nổi dậy. Báo chí Anh gần đây đưa tin Mỹ đang đề nghị Ảrập Xêút cung cấp vũ khí cho phe chống Gadhafi tại Libya.
Thêm vào đó, dường như Muammar Gadhafi đã rút ra được nhiều bài học vì những gì xảy ra đối với Saddam Hussein, càng làm tăng khả năng "sống sót" cho chính quyền của ông tại Libya. Theo chia sẻ của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld với CNN, thì trái với Saddam Hussein năm 1991, đại tá Gadhafi đang chọn cách tránh khiêu khích liên tục cộng đồng quốc tế.
Sự bế tắc của các nước phương Tây trong việc dàn xếp một sự can thiệp vào cuộc khủng hoảng Libya sau khi đã "đồng thuận" lên án chế độ Gadhafi , càng giúp chính quyền Tripoli thêm thời gian để củng cố sức mạnh. Dù mọi kịch bản tại Libya hiện đều có khả năng xảy ra, dự đoán đại tá Gadhafi sớm bị lật đổ như ban đầu đang ngày càng khó trở thành hiện thực.
Theo vnexpress online