Cập nhật: 27/08/2011 10:26:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau sáu tháng, thực hiện  Nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc thiết lập vùng cấm bay ở  Libya, chiến dịch quân sự của NATO dường như vẫn chưa kết thúc mặc dù quân nổi dậy đã giành được quyền kiểm soát "trên 90% lãnh thổ Libya".

Đêm 19-3-2011, theo giờ địa phương (tức sáng sớm 20-3 theo giờ Việt Nam - chỉ một ngày sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libya), lực lượng liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã mở Chiến dịch có tên gọi "Bình minh Odyssey" (Odyssey Dawn) tấn công Libi. Các máy bay chiến đấu của Pháp đã thả loạt bom đầu tiên, tiến hành một số vụ không kích ở khu vực miền đông. Sau đó ít lâu, phần vì sức ép của dư luận, phần vì gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, ngày 24/3, Mỹ đã trao quyền tiếp quản việc thực thi vùng cấm bay tại Libya cho Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đến thời điểm đó, chiến dịch tại Libya tuy mang một tên gọi mới “Người bảo vệ thống nhất” song bản chất của chiến dịch này vẫn được giữ nguyên mác “trách nhiệm bảo vệ người dân Libya dưới mối đe dọa của chính quyền Gaddafi”. Tuy nhiên, sau sáu tháng “dưới bàn tay bảo vệ của một liên minh quân sự lớn mạnh nhất hành tinh -NATO”, người dân Libya đã không nhận được kết quả như hứa hẹn mà thay vào đó, là sự chết chóc, nguy cơ chia rẽ và hơn hết là một tương lai đầy bất ổn.

 

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 28/3, tức chưa đầy 10 ngày, các nước phương Tây thực hiện trách nhiệm bảo vệ Libya, đã có tới gần 600 người dân Libya bị thương và thiệt mạng, trong khi có tới 350.000 người buộc phải rời nhà cửa – gần bằng con số thiệt hại về người trong suốt 1 tháng trời diễn ra bạo loạn tại Libya (từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát tại Libya cho tới khi có sự can thiệp quân sự của các nước phương Tây).

 

Trước những lo ngại từ phía cộng đồng quốc tế cho rằng, NATO đang đi vượt xa quá phạm vi ủy quyền của Liên hợp quốc trong chiến dịch quân sự tại Libya cũng như những đồn đoán về khả năng liên minh này sẽ tiếp tục can thiệp sâu hơn vào tình hình tại Libya, ngày 28/3, phát ngôn viên NATO - bà Oana Lungescu đã lên tiếng bác bỏ khả năng NATO và lực lượng quân đội nước ngoài sẽ cho triển khai lực lượng trên bộ vào Libya. Phát biểu trước báo giới tại Brussels (Bỉ), bà Lungescu khẳng định: Quân đội NATO sẽ không đổ bộ vào Libya, cũng như sẽ không hề có bất kỳ một sự can thiệp quân sự nước ngoài nào trên phạm vi mặt đất tại quốc gia Bắc Phi này.

 

Đúng như lời hứa của bà Lungescu, NATO đã không triển khai bộ binh tới Libya, tuy nhiên, tình hình chiến sự tại quốc gia Bắc Phi này cũng không vì thế mà có phần lắng dịu. Trước những diễn biến trên, trong một động thái mang tính chất “nhượng bộ từ phía chính quyền Gaddafi, ngày 4/4, người phát ngôn chính phủ Libya Mussa Ibrahim cho biết: Libya sẵn sàng thương lượng về các vấn đề cải cách liên quan đến tổ chức bầu cử, trưng cầu ý dân và cải cách hệ thống chính trị. Tuy nhiên, chính phủ Libya vẫn bác bỏ khả năng đề cập tới sự ra đi của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Ông Ibrahim tuyên bố: Tripoli sẵn sàng đàm phán với phương Tây, song khẳng định phương Tây không có quyền quyết định người dân Libya phải làm gì.

 

Với mong muốn sớm tìm được chiến thắng trong cuộc chiến tại Libya, ngày 5/4, Chỉ huy phe đối lập tại Libya, Tướng Abdul Fattah Younis đã lên tiếng chỉ trích NATO vì đã đưa ra phản ứng chậm, khiến cho quân đội của Chính phủ giành được thêm quyền kiểm soát tại các khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm đóng. Kênh truyền hình Al Jazeera trích lời chỉ huy phe đối lập ở Libya, Tướng Abdul Fattah Younis khẳng định rằng: Nếu giới lãnh đạo quân sự NATO không tăng cường nỗ lực nhằm chống lại chính quyền Gaddafi thì Hội đồng dân tộc chuyển tiếp do lực lượng nổi dậy tại Libya thành lập sẽ lên tiếng yêu cầu Liên hợp quốc chấm dứt chiến dịch quân sự tại Libya.

 

Đáp lại sự mong mỏi từ phía quân nổi dậy Libya cũng như trấn an dư luận quốc tế trước những tin đồn về nguy cơ rạn nứt từ phía các nước thành viên xung quanh chiến dịch quân sự tại Libya, ngày 14/4, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố: Liên minh quân sự này và các nước đồng minh sẽ không chấm dứt chiến dịch quân sự tại Libya cho đến khi đạt được 3 mục tiêu như đã đề ra bao gồm: Chấm dứt tất cả các vụ tấn công cũng như các nguy cơ tấn công nhằm chống lại dân thường và các khu vực do công dân kiểm soát; Chính phủ Libya cần phải rút toàn bộ lực lượng quân đội, bao gồm các xạ thủ, lính đánh thuê, lính dù từ các khu vực có dân cư mà họ đã tiến vào, chiếm đóng hay bao vây. Hoạt động này cần được giám sát và kiếm chứng trên thực tế từ quan sát viên quốc tế; Tất cả mọi công dân Libya có đầy đủ quyền tiếp cận ngay lập tức, đầy đủ và không bị cản trở đối với các khoản viện trợ nhân đạo. Đưa ra phản ứng trước những thông tin cho rằng đã xuất hiện những rạn nứt trong nội bộ NATO về phạm vi của chiến dịch tại Libya, ông Rasmussen nói: “34 quốc gia đã tham gia vào chiến dịch này. Điều đó thể hiện những cam kết nhất quán và mạnh mẽ của chúng tôi nhằm thực hiện sứ mệnh do Liên hợp quốc ủy quyền và bảo vệ người dân Libya”.

 

 

 

Sau tuyên bố trên của NATO, một loạt nước đồng minh đã đẩy mạnh các nỗ lực viện trợ cho lực lượng chống chính phủ ở Libya với việc Anh, Pháp, Italia và Đức đã cử các cố vấn quân sự đến Libya. Ngày 20/4, Mỹ - một nước đóng vai trò tích cực trong chiến dịch quân sự tại Libya cũng tuyên bố kế hoạch cung cấp cho lực lượng chống chính phủ ở Libya 25 triệu USD. Đây là khoản viện trợ trực tiếp đầu tiên của Mỹ dành cho lực lượng này, với lý do "giúp đỡ dân thường ở những khu vực do lực lượng chống chính phủ nắm giữ, bị đe dọa bởi lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi". Chưa dừng lại ở đó, ngày 5/5, Nhóm tiếp xúc quốc tế về tình hình Libya họp tại Rome (Italia) đã nhất trí về kế hoạch thiết lập một quỹ đặc biệt dưới tên gọi “Cơ chế tài chính tạm thời” nhằm trợ giúp lực lượng đối lập tại Libya. Tại cuộc họp này, Ngọai trưởng Italia Franco Frattini đã bác bỏ những đồn đoán cho rằng, Liên minh quân sự NATO đang lâm vào bế tắc sau 7 tuần thực hiện chiến dịch "Người bảo vệ thống nhất" khi nhấn mạnh: “Các cuộc không kích của NATO đã mang lại nhiều kết quả, phá hủy 40% kho vũ khí đạn dược thuộc quyền sở hữu của các lực lượng trung thành với ông Gaddafi”.

 

Tiếp tục bác bỏ những thiện chí đối thoại từ phía chính phủ Libya, ngày 24/5, NATO thực hiện một vụ không kích với quy mô lớn nhất kể từ khi tiếp quản quyền chỉ huy chiến dịch tại quốc gia Bắc Phi này. Vụ ném bom của NATO nhằm vào khu vực gần dinh thự Bab al-Aziziya của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tại thủ đô Tripoli của Libya vào sáng sớm 24/5 đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương. Trong một bản tuyên bố ngày 24/5, NATO khẳng định, mục tiêu của các cuộc không kích trên là nhằm vào các căn cứ quân sự và các thiết bị vũ khí vốn được lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi sử dụng để chống lại người dân Libya. Để tăng cường sức mạnh quân sự của NATO cũng như hậu thuẫn cho phe nổi dậy, Pháp cùng ngày lần đầu tiên tuyên bố đã điều động 12 chiếc máy bay trực thăng lớp Tigre và Gazelle từ tàu sân bay BPC Tonnerre đến tham chiến tại quốc gia Bắc Phi này. Sau đó, đến ngày 1/6, Tổng thư ký NATO Andres Fogh Rasmussen tuyên bố rằng, liên minh quân sự này sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Libya ít nhất cho đến tháng 9/2011 (tức là kéo dài hơn so với thời gian dự định ban đầu 3 tháng).

 

Quyết định trên của NATO đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga – một nước vốn được biết đến với vai trò luôn theo đuổi một cách tiếp cận “phi quân sự” đối với vấn đề Libya. Theo quan điểm của Moscow, ngoài việc triển khai một lực lượng không tương xứng cho cuộc chiến tại Libya, vượt xa giới hạn ủy quyền của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, NATO đang muốn vươn tới một mục tiêu xa hơn cả “trách nhiệm bảo vệ” khi muốn thực hiện tham vọng “thâu tóm” một khu vực giàu tàu nguyên trên thế giới. Bất chấp việc Moscow tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải tại Libya thông qua việc cử đại diện tới Tripoli, NATO tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chiến dịch quân sự tại quốc gia Bắc Phi này. Dưới sự hậu thuẫn tích cực của NATO, phe đối lập càng trở nên “sung sức” trong cuộc chiến chống lại lực lượng thân chính phủ và tiếp tục bác bỏ những thỏa hiệp của chính quyền Gaddafi về bầu cử tự do và đưa ra một bản dự thảo hiến pháp mới.

 

Sau đó ít lâu, đến ngày 15/6, ông Rasmussen đã kêu gọi các nước đồng minh tăng cường dồn lực và của cho chiến dịch tại Libya với lý do rằng, “chỉ 11 tuần thực hiện chiến dịch quân sự tại một quốc gia vốn không được trang bị nhiều vũ khí tối tân như Libya, NATO đã bắt đầu lâm vào tình cảnh thiếu thốn đạn dược”. Tuy nhiên, thực tế “thiếu thốn đạn dược” mà ông Rasmussen đề cập đến cũng không khiến các cuộc không kích của NATO tấn công Libya vì thế mà trở nên thưa thớt hơn. Hậu quả là các bản báo cáo về số thường dân, gồm cả trẻ em và phụ nữ tại Libya bị thiệt mạng (đã lên tới 700 người) trong các cuộc không kích của NATO cũng xuất hiện dồn dập hơn, khiến Liên minh quân sự này phải đối mặt với nhiều áp lực từ phía cộng đồng thế giới. Và từ đó, người ta cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về “sứ mệnh bảo vệ” mà NATO đang theo đuổi tại Libya.

 

Với sự hậu thuẫn tích cực bởi bom đạn và máy bay chiến đấu của NATO và thậm chí là vũ khí trang bị từ các nước thành viên NATO, phe nổi dậy không mấy khó khăn để giành được ưu thế trong cuộc chiến tại Libya khi liên tục tuyên bố đã mở ra các tiền tuyến, bắt đầu tiến về thành trì của ông Gaddafi-thủ đô Tripoli.

 

Trong khi đó, các nước tiếp tục bày tỏ quan điểm ủng hộ phe nổi dậy tại Libya. Nhiều nước thành viên và ngoài NATO đã tuyên bố công nhận tính hợp pháp của Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) – cơ quan đầu não của lực lượng nổi dậy. Thậm chí ngày 13/7, đại diện NATO đã lên tiếng xác nhận việc liên minh này đã tiến hành thảo luận với các quan chức hàng đầu của NTC để thảo luận về tương lai của Libya.

 

Trong khi đó, tình hình chiến sự tại Libya vẫn diễn biến ác liệt và số thường dân thiệt mạng lại tiếp tục tăng. Chưa đầy 4 tháng thực hiện sứ mệnh bảo vệ tại Libya, bom đạn của NATO đã khiến hơn 1.100 thường dân vô tội và hàng nghìn người khác bị thương. Thậm chí Trưởng công tố Libya Mohamed Zekri Mahjubi còn buộc tội NATO đã phạm vào một loạt các tội danh: Theo đuổi các âm mưu sát hại ông Gaddafi, có chủ ý đưa ra các hành vi gây hấn nhằm vào những thường dân vô tội, sát hại trẻ em và lật đổ Chính phủ Libya với mục tiêu bóc lột tài nguyên dầu mỏ của Libya.

 

Trong khi đó, khả năng chiến thắng của NATO tại chiến trường Libya đã bắt đầu hiện hữu khi đưa ra nhận định về thời gian tại vị của ông Gaddafi. Tự tin với chiến thắng trong tầm tay, NTC đưa ra các điều kiện cho phép ông Gaddafi ở lại Libya và thậm chí phe đối lập cũng bắt đầu lên kế hoạch cho thời kỳ “hậu Gaddafi”. Đến tháng 8/2011, ưu thế quân sự đã nghiêng rõ rệt về phe nổi dậy khi lực lượng của ông Gaddafi liên tục bị ghi nhận là để mất những căn cứ quan trọng và nhà lãnh đạo Libya còn lên kế hoạch sống lưu vong ở Venezuela. Cuộc chiến tại Libya bước vào những ngày sôi sục khi phe đối lập ngày 23/8 tuyên bố giành quyền kiểm soát gần hết thủ đô Tripoli và chiến thắng tại Libya.

 

Cho đến nay, tuy cuộc chiến tại Libya vẫn còn chưa ngã ngũ khi số phận tương lai của ông Gaddafi vẫn chưa được định đoạt song NTC đã lên một kế hoạch chi tiết cho Libya thời hậu chiến. Trong khi đó, dư luận quốc tế lại bày tỏ những mối quan ngại sâu sắc hơn về số phận của đất nước Bắc Phi này sau khi ông Gaddafi bị lật đổ. Cái giá phải trả cho “Chiến thắng của NATO tại Libya” là sinh mạng của hàng nghìn người dân vô tội và “chiến thắng” liệu sẽ đưa Libya đi về đâu đến giờ vẫn là một câu hỏi mà chưa ai biết rõ./.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm