Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej yêu cầu chính phủ và quân đội không thực hiện các biện pháp đặc biệt nào để bảo vệ các cung điện hoàng gia, mà phải chú trọng cứu dân khỏi lũ lụt đang đe dọa Bangkok.
Nhà vua 83 tuổi của Thái Lan đang nằm trong bệnh viện Siriraj, bên bờ sông Chao Praya, từ khi bị bệnh hồi tháng 9/2009. Khu vực quanh bệnh viện này đã ngập nước tới gần 1 mét. Ông đưa ra chỉ dụ nói trên qua Tư lệnh quân đội - tướng Prayuth Chanocha. Ông nói các cung điện có thể để ngập nước và chính phủ phải ưu tiên giúp 2,5 triệu người Thái bị ảnh hưởng bởi thiên tai này, Time đưa tin.
Tuy thế, có nhiều khả năng quân đội và chính phủ Thái Lan sẽ không bỏ rơi các cung điện ở Bangkok do nhiều người coi đây là báu vật quốc gia và kiến trúc. Các cung điện và chùa chiền quan trọng ở Thái Lan thường xây ven sông do các tuyến đường giao thông một thời ở Thái Lan là qua các con sông và kênh rạch. Sau hàng thập kỷ phát triển, việc các con kênh bị lấp làm đường, rừng bị san phẳng để xây các tòa nhà và khu công nghiệp được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lũ lụt hiện nay. Các nguyên nhân khác bao gồm việc xử lý kém hệ thống đập và thủy lợi cũng như tác động của hiện tượng trái đất nóng lên.
Nước lũ đã cao tới đầu gối bên ngoài Chùa Phật ngọc và hoàng cung cũ ở bên bờ sông Chao Phraya sáng nay. Nhiều ngôi chùa cổ và cung điện bên bờ sông này cũng đã ngập nước. Nước dâng cao qua đê chắn lũ dọc theo kênh Sai Mai, một quận ở đông bắc Bangkok, khiến thống đốc Sukhumband Paribatr ra lệnh sơ tán ngay lập tức. Ông cho biết toàn bộ Bangkok có thể bị ngập lụt vào đầu tuần tới.
Quân đội trong khi đó hứa sẽ triển khai 50.000 binh sĩ ở Bangkok để cố chuyển hướng dòng nước lũ và giúp dân đi sơ tán. Giới chức thủ đô vốn đã yêu cầu dân thành phố này rời đi vì sự an toàn của bản thân khi thủy triều cao và nước lũ tràn xuống từ các tỉnh miền bắc. Nhiều người đã bỏ đi khiến các đường phố vốn đông người ở Bangkok vắng tanh.
Thông điệp của nhà vua không khiến chính phủ và phe đối lập thôi đổ lỗi cho nhau. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, thắng cử hồi tháng 7, bị chỉ trích nặng nền bởi những thông tin trái ngược mà chính phủ của bà đưa ra thông qua trung tâm cứu hộ bão lụt (FROC). Trung tâm này, có trụ sở ở tầng hai sân bay Don Muang, cũng đang bị bao vây bởi lũ.
Các đoạn video và hình ảnh xuất hiện trên mạng cũng cho thấy xe chở hàng cứu trợ của chính phủ đi kèm băng rôn gắn hình ảnh của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và các chính trị gia khác thuộc đảng cầm quyền. Nhiều người cho đó là chiêu lợi dụng tình hình lũ lụt vì mục đích chính trị. Thaksin từng là thủ tướng Thái Lan song đã bị lật đổ trong một cuộc chính biến năm 2006. Ông đang sống lưu vong thay vì ngồi tù theo phán quyết của tòa án Thái Lan vì cáo buộc tham nhũng. Đảng Dân chủ đối lập cũng bị chỉ trích sau khi có thông tin rằng lãnh đạo của họ đồng thời là cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã cùng gia đình bay tới đảo Maldives.
Theo văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, 373 người đã thiệt mạng, hơn 100.000 người phải sống tạm ở những lều trại, và 700.000 người cần hỗ trợ y tế vì lũ lụt. 28 trên tổng số 76 tỉnh của Thái Lan đã ngập nước. Lũ lụt cũng ảnh hưởng tới các nước láng giềng là Lào, Campuchia và việt Nam, với số người chết tổng cộng là 350. Tình trạng ngập lụt cũng xảy ra ở Myanmar.
Chính phủ hứa sẽ điều tra nguyên nhân của lũ lụt một khi tình hình trở lại bình thường. Họ cũng đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài về một kế hoạch hiệu quả nhằm tránh cho các nhà máy và trung tâm công nghiệp khỏi bị ngập lụt trong tương lai. Tờ Bangkok Post hôm qua cho biết mặc cho chính phủ đã chi tiêu tới hơn 5 tỷ USD trong năm từ 2005-2009 cho các dự án xử lý nguồn nước khắp cả nước, phần lớn đều không có hiệu quả.
Theo Mai Trang/VnExpress