Ngay sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Iraq vào ngày 18/12/2011, tình hình chính trị nước này bỗng xoay chuyển bất ngờ theo chiều hướng xấu. Cuộc đụng độ gay cấn giữa Thủ tướng Nuri al-Maliki với Phó tổng thống Tariq al-Hashimi đang khiến cho chính phủ liên hiệp đa thành phần - sản phẩm mà Mỹ cất công gầy dựng bao lâu nay - có nguy cơ sụp đổ, Iraq có thể chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng, rối loạn mất kiểm soát.
Dấu hiệu bất an đã xuất hiện sau loạt đánh bom liên hoàn vào sáng sớm thứ năm 22/12 làm rung chuyển thủ đô Baghdad. Theo các nhân chứng, loạt đánh bom nhắm vào những nơi đông người như chợ, cửa hàng bách hóa, trường học và tòa nhà chính quyền tại các khu dân cư ở trung và đông Baghdad, làm chết 64 người và 180 người bị thương.
Loạt đánh bom được xem là màn bạo lực đẫm máu nhất kể từ sau khi quân đội Mỹ rút hết khỏi Iraq (ngày 18/12), gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ trong dân chúng Iraq. Đáng chú ý, bom lại nổ vào lúc chính trường Iraq đang lủng củng do xung đột giữa Thủ tướng Maliki và Phó tổng thống Hasimi, khiến cho dư luận đặc biệt quan tâm, và có ý kiến lo ngại có thể đây là dấu hiệu đầu tiên của những màn bạo lực đẫm máu xuất phát từ những mâu thuẫn, rạn nứt trong Chính phủ và Quốc hội Iraq.
Việc không một tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm gây ra các vụ nổ bom càng khiến cho tình hình trở nên căng thẳng hơn, có thể làm bùng phát bạo lực đảng phái. Hiện mạng lưới Al-Qaeda tại Iraq là nghi can số 1, vì theo giới phân tích, tổ chức khủng bố này đang muốn chọc phá cho Iraq quay trở lại thời kỳ rối ren như những năm trước đây, trong đó các giáo phái ở Iraq kình chống nhau quyết liệt.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng trong Chính phủ và Quốc hội Iraq vẫn tiếp tục leo thang với việc Thủ tướng Maliki hôm 21/12 dọa rút khỏi chính phủ được hình thành cách đây 1 năm và do Mỹ hậu thuẫn. Ông Maliki đưa ra lời "hăm dọa" này tại một cuộc họp báo có truyền hình trực tiếp để phản pháo lại áp lực từ các đối tác chính trị trong liên minh chia sẻ quyền lực (bao gồm người Shiite, Sunni và Kurd). Ông Maliki dọa sẽ tung ra "bằng chứng" điều tra về việc các đối thủ chính trị của ông có dính líu đến khủng bố và liên can trong hàng loạt vụ khủng bố, ám sát trước đây. Đồng thời, ông Maliki cũng "cảnh cáo" người Kurd "sẽ có vấn đề nghiêm trọng" vì để cho Phó tổng thống Hashimi ẩn náu tại vùng tự trị của người Kurd. Lời "cảnh cáo" này không làm cho các lãnh đạo người Kurd lo lắng nhưng lại khiến cho giới chức ở Mỹ bất an.
Khủng hoảng chính trị tại Iraq bắt đầu nổ ra ngay sau khi quân Mỹ rút đi, với việc Thủ tướng Maliki phát lệnh bắt khẩn cấp Phó tổng thống Hashimi với cáo buộc liên quan trong những vụ khủng bố chết người. Các cáo buộc nhắm vào ông Hashimi chủ yếu dựa vào lời khai của 3 người được cho là cựu cận vệ của Hashimi, cả 3 đều thừa nhận đã từng tham gia vào các vụ khủng bố đó và khai thêm rằng, ông Hashimi "có biết" các vụ khủng bố và còn trả tiền cho bọn họ. Báo chí và giới chuyên môn đều cho rằng "không thể xác minh những lời khai này", trong khi bản thân ông Hashimi thì bác bỏ, gọi đó hoàn toàn là những lời bịa đặt. Có lẽ biết trước được diễn biến vụ việc nên ông Hashimi đã "tẩu vi thượng sách" lên vùng tự trị miền Bắc Iraq do người Kurd quản lý.
Trước vụ việc của ông Hashimi, vào ngày 17/12 (trước khi quân Mỹ rút đi), toàn bộ 90 thành viên khối Iraqiya (của Phó tổng thống Hashimi) trong Quốc hội Iraq đã đồng loạt tẩy chay Quốc hội. Iraqiya là một trong những khối chính trị lớn và mạnh nhất tại Iraq, tập hợp nhiều đảng phái tôn giáo và thế tục khác nhau, bao gồm cả thành phần Hồi giáo Sunni. Những thành viên Iraqiya tham gia tẩy chay đã nêu lên mục tiêu, yêu cầu của cuộc tẩy chay là nhằm phản đối việc mất cân bằng quyền lực trong chính phủ hiện tại. Họ ra điều kiện nếu trong vòng 2 tuần mà tình hình không được cải thiện, họ sẽ từ chức hàng loạt.
Theo thông tin báo chí, vụ việc các nghị sĩ Iraqiya tẩy chay Quốc hội Iraq xuất phát từ việc Thủ tướng Maliki trong vài tuần lễ gần đây đã chỉ đạo hàng loạt vụ bắt bớ đến 30 người thuộc thành phần Sunni trong Chính phủ Iraq, đa số là các phụ tá cho Phó tổng thống Hashimi và các lãnh đạo khác thuộc khối Iraqiya, kể cả ông Ayad Allawi. Ngoài ra, Iraqiya còn cáo buộc ông Maliki không nỗ lực xử lý tình hình bất ổn tại tỉnh Diyala có đông người Sunni sinh sống.
Việc các lãnh đạo địa phương tại Diyala đang đẩy mạnh yêu cầu Chính phủ trung ương trao thêm quyền tự trị cho tỉnh này làm đậm thêm nguy cơ Iraq bị chia cắt vụn ra nếu các tỉnh khác ở miền Nam Iraq cũng đòi tự trị. Iraqiya chiếm số ghế cao nhất trong Quốc hội, vì vậy việc khối này tẩy chay sẽ đặt ra vấn đề nghiêm trọng cho chính trường Iraq.
Tình hình rối ren tại Iraq hiện nay đang đặt ra bài toán mới cho nước Mỹ sau khi tuyên bố chấm dứt chiến tranh Iraq. Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã khẩn trương làm việc với các đảng phái Iraq trong nỗ lực xoa dịu tình hình. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố kêu gọi các phe phái ở Iraq nỗ lực duy trì chính phủ chia sẻ quyền lực. Trước đó, đích thân Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho ông Massoud Barzani, lãnh đạo vùng tự trị người Kurd, và Chủ tịch Quốc hội Iraq Osama al-Nujaifi, một người Sunni, để nhắc nhở các bên kiềm chế và nhấn mạnh rằng, chính quyền Obama "ủng hộ một chính phủ hợp tác đa thành phần".
Cuộc chiến tại Iraq được đánh giá là một sai lầm lớn của nước Mỹ, đã tiêu phí của dân Mỹ gần 1 nghìn tỉ USD kèm theo gần 4.500 sinh mạng lính Mỹ. Khi tuyên bố chấm dứt chiến tranh và rút hết quân, Tổng thống Obama đã đặt hy vọng rằng Iraq sẽ "yên ổn" và "dân chủ sẽ ngự trị". Thế nhưng, ngay cả khi người lính Mỹ cuối cùng chưa ra khỏi Iraq thì mọi chuyện ở Baghdad đã rối tung lên. Vì thế, "niềm hy vọng" cuối cùng của ông Obama rốt cuộc cũng không xảy ra
Theo Văn Trương/ cand.com