Cập nhật: 03/01/2012 15:04:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thế giới vừa bước sang năm mới 2012 và đây là dịp để mỗi người suy ngẫm về một năm đã qua. Vào những năm cuối thế kỷ XX, khi Châu Á tiêu điều sau cuộc khủng hoảng tiền tệ - không ít người hồ nghi với nhận định thế kỷ XXI sẽ là thời của châu lục này.

Thế nhưng, giữa lúc cả trời tây vẫn đang vất vả để thoát khỏi mây mù suy thoái trong những ngày cuối cùng của năm 2011, Châu Á đã khẳng định như một điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới nhờ khả năng phục hồi thuyết phục.

 

Mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực phải chật vật chống chọi với lạm phát như một trận chiến mới, nhưng với tốc độ tăng trưởng trung bình ước đạt 7% trong năm qua, Châu Á thực sự trở thành một trụ cột mới trong cấu trúc kinh tế toàn cầu, giúp thế giới trụ vững trong cơn chao đảo.

 

Khả năng xuất khẩu và nhu cầu nội địa lớn, là quê hương của những cường quốc tiềm tàng như Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN…, tuyên bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng Châu Á sẽ tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm tới bất chấp những rủi ro như phát triển nóng, bất ổn Trung Đông, tác động của siêu động đất và sóng thần tại Nhật Bản là dự báo không hề ưu ái hay mang tính chủ quan. Tăng thêm màu sắc cho bức tranh tươi sáng đó, bản báo cáo "Chỉ số tín nhiệm đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2011" cho thấy một số nước trong khu vực đã lọt vào top 10 nước có chỉ số tín nhiệm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất năm qua, khẳng định thực tế Châu Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự chuyển dịch FDI từ Tây sang Đông, từ các nước công nghiệp sang các nền kinh tế nhiều tiềm năng không chỉ thể hiện một sự đổi thay ngoạn mục về mô hình đầu tư mà còn phản ánh vị thế của Châu Á trong sân chơi kinh tế toàn cầu.

 

Thế giới quả thực đang đổi thay. Có những câu chuyện từng bị hoài nghi giờ đã thành sự thật. Hiếm ai có thể nghĩ rằng Mỹ sẽ tách dần khỏi cuộc chơi tại Trung Đông với quyết định rút quân khỏi Iraq, Afghanistan để tỏ rõ sự quan tâm trở lại Châu Á - Thái Bình Dương. Chắc chắn không phải là những khu vực như vậy bị giảm bớt tầm quan trọng, mà sự chuyển dịch trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi đưa vùng đất này thành ưu tiên hàng đầu cả về chính trị và kinh tế đã biến năm 2011 thành năm của Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Bất chấp việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm vì khó khăn kinh tế, Washington đã gây ngạc nhiên với tuyên bố triển khai 2.500 quân đến căn cứ Darwin ở Bắc Australia. Động thái không do dự này của Tổng thống Barack Obama được xem là sự khởi đầu quyết định cho chiến lược "đã đến và sẽ ở lại Châu Á" của Nhà Trắng. Với 40.000 quân tại Nhật Bản, 28.500 quân tại Hàn Quốc, gần 13.000 quân trên các chiến hạm ngoài khơi, thỏa thuận Darwin nhằm bịt kín lỗ hổng ở nam Thái Bình Dương đã hoàn tất sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực mà ông chủ Nhà Trắng nhận định sẽ gắn liền với tương lai và sự thịnh vượng của Mỹ trong thế kỷ XXI.

 

Nằm trong khu vực rộng lớn này, một Châu Á - Thái Bình Dương có số dân đông nhất trên thế giới, ổn định và hòa bình chưa bao giờ nằm ngoài lợi ích của Mỹ. Do đó, một can dự chủ động của Mỹ vào nhiều vấn đề của khu vực, sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các đối tác truyền thống, đặc biệt là ASEAN trên các diễn đàn song phương và đa phương, việc chính thức trở thành thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), bước ngoặt trong quan hệ với Myanmar… là thông điệp không thể rõ ràng hơn về chính sách hướng Đông của chính quyền Tổng thống B. Obama.

 

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến nỗ lực của Mỹ trong thúc đẩy hợp tác kinh tế với Châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Trên thực tế, Washington thậm chí còn xem đây là một bước đột phá để đánh dấu sự trở lại của mình. Bằng mọi cách thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một mẫu mực cho các hiệp định thương mại toàn cầu trong tương lai đã và đang là phần còn lại cho chiến lược "trở về" toàn diện của Mỹ. Thiết lập hệ thống Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, Washington một mặt không muốn bỏ qua cơ hội bắt tay với khu vực hiện đang năng động nhất thế giới để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế trong nước, mặt khác Mỹ muốn thông qua khối kinh tế thương mại này để tiếp tục giữ vai trò hàng đầu trong một cục diện chính trị, kinh tế mới đang được định hình và sẽ có vị trí chủ đạo trong thế kỷ XXI.

 

Gần như đã dành cả thập kỷ vào những cuộc chiến hao tài tốn của ở Tây - Nam Á, sự chuyển hướng tới Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ một cách mạnh mẽ được nhìn nhận là một vấn đề thời sự phản ánh sự thay đổi quyền lực lớn trong năm qua. Không nghi ngờ gì nữa, với những quyết sách bước ngoặt, Tổng thống B. Obama chắc chắn phù hợp với tên gọi "vị Tổng thống Châu Á - Thái Bình Dương trong năm" mà nhiều nhà phân tích dành cho ông. Tất cả những gì mà nhân loại vừa bước qua sau một năm đầy biến cố - từ các thảm họa thiên tai đến những thảm họa nhân đạo trên phạm vi toàn cầu - thật khó có thể hoài nghi nhận định rằng: Châu Á - Thái Bình Dương đang ở vị trí trung tâm trên vũ đài chính trị, kinh tế thế giới đang trong hành trình của một trụ cột mới cho những phát triển quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ XXI.

 

 

Theo Vân Khanh/HNM Online

 

Tệp đính kèm