Cập nhật: 21/03/2012 16:11:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trái với không khí lạc quan sau các chuyến thăm con thoi Mỹ - Triều Tiên về cam kết "ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy 240.000 tấn hàng viện trợ lương thực", căng thẳng lại bao trùm trên bán đảo Triều Tiên. Khẳng định mới nhất của Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa tầm xa Unha-3 đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo vào trung tuần tháng tư tới đã ngay lập tức làm lu mờ các nỗ lực vừa đạt được, đồng thời làm dấy lên sự quan ngại của các bên liên quan trong tiến trình hòa bình trên bán đảo này.

 

Triều Tiên một lần nữa lên tiếng chỉ trích Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc như là "các thế lực thù địch" khi gọi kế hoạch của Bình Nhưỡng là "mối đe dọa tên lửa" hay "các hành động khiêu khích". Cho rằng, phát triển ngành vũ trụ vì mục đích hòa bình là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền, Bình Nhưỡng khẳng định việc phóng vệ tinh nhằm mục đích dân sự, không ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Trong khi đó, theo báo chí Nhật Bản ngày 19-3, Bình Nhưỡng còn có kế hoạch sử dụng công nghệ tên lửa để phóng vệ tinh cho các nước thứ ba trong tương lai. Thông tin này làm dấy lên mối quan ngại nhất là với các bên trên bàn đàm phán 6 bên liên quan tới tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

 

Kế hoạch phóng vệ tinh vào quỹ đạo của Bình Nhưỡng được khẳng định chưa đầy một tháng sau tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên đồng ý ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa cũng như chương trình làm giàu urani để đổi lấy viện trợ lương thực từ Washington. Nước cờ "vệ tinh" của Triều Tiên sau tất cả những gì vừa diễn ra đã gây bất ngờ không kém tuyên bố trên. Song nếu nhìn tổng thể vào tiến trình đàm phán 6 bên đầy gai góc trong thời gian qua thì bước đi của Bình Nhưỡng lại không quá gây ngạc nhiên vì trước đó đã có những tiền lệ tương tự.

 

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngay lập tức phản đối kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Nga, Trung Quốc, Châu Âu cùng Liên hợp quốc cũng tỏ ra quan ngại nếu vụ thử thành hiện thực. Với Hàn Quốc, vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là một thách thức nghiêm trọng khi các tên lửa đẩy tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân.

 

Trong khi Washington cảnh báo sẽ xem xét lại kế hoạch viện trợ lương thực nếu Triều Tiên không hủy kế hoạch phóng vệ tinh thì Nhật Bản lại chọn giải pháp cứng rắn hơn. Đó là tính tới khả năng cho phép lực lượng phòng vệ đánh chặn tên lửa đẩy vệ tinh của Triều Tiên nếu xác định đường bay của nó hướng về nước này. Không chỉ hợp tác với Mỹ trong theo dõi mọi động tĩnh về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Tokyo sẽ cùng Washington dự kiến thực hiện các bước ứng phó tương tự như lần Bình Nhưỡng phóng tên lửa đẩy Unha-2 vào tháng 4-2009, gồm: tăng cường hoạt động của các hệ thống vệ tinh, radar cảnh báo sớm và điều động tàu khu trục mang tên lửa Aegis đến vùng biển giữa Nhật và Triều Tiên...

 

Vụ phóng vệ tinh đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un lên nắm quyền lãnh đạo được Triều Tiên khẳng định là một sự kiện chào mừng kỷ niệm sinh nhật 100 năm của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, tuy nhiên, dư luận cho rằng, có thể đây là cách để Triều Tiên củng cố quyền lực của người vừa kế nhiệm.

 

Để trấn an dư luận trước "vụ thử" đang gây tranh cãi, Triều Tiên chính thức mời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thăm Bình Nhưỡng cùng với tuyên bố sẵn sàng đón các chuyên gia và phóng viên nước ngoài tới quan sát vụ phóng vệ tinh vào tháng tới. Đây là một nỗ lực của Bình Nhưỡng làm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên; nhưng nỗi ám ảnh hạt nhân cũng như những bước tiếp theo của Bình Nhưỡng vẫn đầy bí ẩn. Câu trả lời cho những bí ẩn đó vẫn chưa có lời giải và đầy yếu tố kịch tính mà vụ phóng vệ tinh vừa được khẳng định chỉ là một.

 

 

Theo HNM Online

Tệp đính kèm