Manila và Bắc Kinh khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán với nhau về cách giải quyết vụ việc tranh chấp lãnh hải và cải thiện mối quan hệ song phương.
Ngày 7/6, trong chuyến thăm đến Mỹ, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, sau 2 tháng căng thẳng, cuộc đối đầu giữa Phillipines với Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh hải đã dịu xuống, tuy nhiên các cuộc xung đột đang lên men khác có thể không dễ dàng được xoa dịu.
Tổng thống Aquino cho biết, Manila và Bắc Kinh đã rút các tàu ra khỏi khu vực bãi cạn Scarborough tại khu vực Biển Đông, tuy nhiên, các tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn còn trong vùng bãi cạn Scarborough.
Manila và Bắc Kinh khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán với nhau về cách giải quyết vụ tranh chấp lãnh hải
Theo ông Aquino có thể do thời tiết xấu nên những tàu đánh cá này của Trung Quốc vẫn còn ở đó, tuy nhiên Manila và Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục đàm phán.
Trả lời phỏng vấn tờ Nhật báo phố Wall, một ngày trước khi tiến hành hội đàm với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng nhằm thảo luận về hợp tác kinh tế và quân sự, Tổng thống Aquino nói rằng một giải pháp hướng tới sự cân bằng, nếu có đạt được cũng sẽ không dễ dàng áp dụng đối với các cuộc xung đột tiềm năng khác, trong đó có việc tiếp cận với các nguồn năng lượng. Tổng thống Philipines cho rằng đây chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ tranh chấp.
Cùng ngày, Tổng thống Aquino có cuộc gặp với các thượng nghị sỹ Mỹ, cộng đồng doanh nghiệp Philippines, và các lãnh đạo dân sự để chuẩn bị cho các cuộc gặp cấp cao nhất với chính quyền Tổng thống Obama.
Ngày 8/6, Tổng thống Philippines sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Hilarry, trước khi có cuộc gặp lần thứ 4 với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng.
Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận những căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh về quyền đánh cá và khai thác năng lượng tại Biển Đông, tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, và triển vọng cho những bước đi mà Philippines hướng tới trong việc ra nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.
Năm 2011, Mỹ đã cung cấp cho Manila một tàu chiến bảo vệ bờ biển, hiện đang được Hải quân Philippines sử dụng. Mỹ sẽ cung cấp cho Philippines một chiếc thứ hai tương tự vào năm nay. Các quan chức Mỹ muốn Philippines thông qua việc đồn trú cho các lực lượng Mỹ trên cơ sở luân phiên nhau để để đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á.
Trước đó, tại diễn đàn Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta nói rằng Mỹ đã lên kế hoạch nâng số lượng tàu hải quân tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tới nhằm đẩy mạnh triển khai chiến lược quay trở lại khu vực của chính quyền Tổng thống Obama.
Theo hãng tin Reuters, Philippines nằm trong chính sách đặt khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào trung tâm chiến lược an ninh và kinh tế của Mỹ. Chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được đẩy nhanh dưới thời Tổng thống Obama như một cách phản ứng trước thực tế Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa quân sự. Với mục đích nâng cao năng lực quân sự để bảo vệ quyền lợi của mình ở các vùng tranh chấp trên biển Đông, Manila đã trông chờ vào Washington để có được tàu chiến, máy bay và các khí tài khác.
“Chúng tôi đã làm việc với phía Philippines về việc hiện đại hóa quân sự cho giai đoạn 12-13 năm. Điều duy nhất thay đổi hiện nay là tính cấp bách của vấn đề và tính nghiêm túc mà Philippines thể hiện dưới thời Tổng thống Aquino” - ông Walter Lohman, chuyên gia về Đông Nam Á, nhấn mạnh. Sự cấp bách của Manila lúc này xuất phát từ tình trạng căng thẳng kéo dài với Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).
Mỹ hiện vẫn giữ lập trường trung lập về các vấn đề lãnh thổ ở biển Đông. Washington đã đưa ra đường lối ngoại giao đa phương để giải quyết các tranh chấp. Chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, ông Don Weatherbee, thừa nhận: “Washington hiện trong tình thế khó xử khi phải giữ cân bằng nhiều lợi ích quan trọng của Mỹ với Trung Quốc, với Đông Nam Á. Đây không chỉ là vấn đề quan hệ Mỹ - Philippines. Đây còn là vấn đề bảo đảm an ninh ở Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân ngày 6/6 tuyên bố tàu của Chính phủ Trung Quốc vẫn còn hiện diện trong vùng biển đảo Hoàng Nham để giúp đỡ các ngư dân nước này tại đây.
Ông Lưu Vi Dân cho biết như trên để đáp lại thông tin cho rằng Trung Quốc và Philippines đều đã đồng ý rút tàu ra khỏi khu vực này. Ông Lưu Vi Dân cũng xác nhận rằng con tàu cuối cùng của phía Philippines đã rời khỏi khu vực trên vào ngày 3/6. Ngoài ra, ông Lưu khẳng định phía Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán với Philippines về cách giải quyết vụ việc liên quan đến đảo Hoàng Nham và cải thiện mối quan hệ song phương./.
Theo PV/VOV online