Đặc phái viên Kofi Annan thông báo triệu tập cuộc họp cấp Bộ trưởng về tình hình Syria. Trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn và căng thẳng Syria - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phức tạp, đặc phái viên Kofi Annan ngày 27/6, đã thông báo triệu tập cuộc họp cấp Bộ trưởng về tình hình Syria.
Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) Kofi Annan đã thông báo triệu tập một cuộc họp cấp Bộ trưởng để thảo luận về tình hình Syria tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 30/6 tới, nhằm tìm giải pháp chấm dứt bạo lực cũng như nhất trí trên nguyên tắc cho một "tiến trình chuyển tiếp chính trị do Syria đứng đầu".
Ông Annan nói:“Tôi đã gửi lời mời Ngoại trưởng 5 nước thường trực HĐBA LHQ và một số nước thành viên tham dự cuộc họp về Syria. Cuộc họp “Nhóm hành động về Syria” sẽ xác định những bước đi và những biện pháp để đảm bảo kế hoạch hòa giải 6 điểm và các nghị quyết 2042 và 2043 của Hội đồng Bảo an về Syria được thực hiện đầy đủ. Theo đó, là việc ngừng ngay lập tức các hành động bạo lực dưới mọi hình thức tại Syria.
“Nhóm hành động về Syria” cũng sẽ thảo luận những nguyên tắc cơ bản cho Syria thực hiện quá trình chuyển giao chính trị, đáp ứng yêu cầu luật pháp và nguyện vọng của người dân Syria. Chúng ta cần phải thống nhất hành động để những nguyên tắc này được thực hiện chắc chắn tại Syria”.
Ngay sau thông báo của Đặc phái viên Annan, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ tham dự cuộc họp về Syria theo đề xuất của ông Annan, đồng thời bày tỏ hy vọng tiến trình này sẽ là bước ngoặt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Trung Đông này.
Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố giữ "thái độ tích cực và cởi mở" đối với đề xuất triệu tập một cuộc họp về Syria của ông Annan, đồng thời thể hiện hy vọng cuộc họp này sẽ tạo ra sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, căng thẳng leo thang giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm tình hình Syria trở nên phức tạp hơn. Ngày 27/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai pháo phòng không và tên lửa tại khu vực biên giới chung Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy căng thẳng giữa 2 nước leo lên đỉnh điểm sau vụ Syria bắn hạ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước. Sau vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Syria tấn công máy bay thứ 2 của mình. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, ông đã yêu cầu quân đội nước mình đáp trả lại những mối đe dọa quân sự từ Syria.
16 tháng khủng hoảng và bạo lực tại Syria chưa thể chấm dứt, trong khi các biện pháp hòa giải của cộng đồng quốc tế cho quốc gia Trung Đông này đều lâm vào ngõ cụt.
Trước thực tế này, Tổng thống Syria Al-Assad phải thừa nhận rằng, đất nước của ông đang chìm trong chiến tranh. Trong diễn biến mới nhất của tình bạo lực tại Syria, hãng thông tấn nhà nước SANA (Syria) ngày 27/6 đưa tin, đã xảy ra một vụ tấn công nhằm vào trụ sở kênh truyền hình Al-Ikhbariya thân chính phủ ở thị trấn Drousha, cách thủ đô Damascus 20 km về phía Nam, làm 3 phóng viên của kênh truyền hình này thiệt mạng. Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền LHQ chỉ trích “tình trạng vi phạm nhân quyền” tại Syria, với hàng loạt các hành động giết hại dân thường do cả quân đội và lực lượng đối lập Syria thực hiện trên khắp cả nước./.
Theo Hoàng Lê/VOV Online