Mọi dấu hiệu đang diễn ra đều cho thấy còn quá nhiều chướng ngại cả trong và ngoài đang đè nặng lên Syria.
Hội nghị quốc tế về Syria diễn ra ngày 30/6, tại Geneva (Thụy Sĩ) đã kết thúc với việc Ngoại trưởng các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Qatar, Kuwait đạt được đồng thuận “tối thiểu” về thành lập chính phủ lâm thời liên hiệp ở quốc gia Trung Đông này. Theo đó, các bên nhất trí chính phủ chuyển tiếp của Syria có thể gồm các thành viên chính phủ đương nhiệm cũng như lực lượng đối lập và các nhóm khác sẽ được thành lập trên cơ sở đồng thuận chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây thực sự vẫn chưa phải là cánh cửa cuối cùng để đưa đất nước Syria đến một tương lai mới.
Số lượng phiếu “tối thiểu” sau khi kết thúc Hội nghị đã được xem là một dấu hiệu cho thấy việc thành lập Chính phủ lâm thời tại Syria chưa hẳn đã là tích cực. Mặc dù có được sự đồng thuận nhưng dường như đây chỉ là việc chẳng đừng trước tình hình đang căng như dây đàn tại quốc gia Trung Đông này.
Vẫn còn đó những mâu thuẫn quá lớn trong việc công nhận vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad. Dù đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria, ông Kofi Annan khẳng định chính phủ chuyển tiếp đa phương sẽ có đầy đủ quyền hành pháp tại Syria bao gồm cả thành viên phe đối lập lẫn chính phủ hiện thời, nhưng Ngoại trưởng Anh William Hague vẫn thừa nhận rằng, thỏa thuận tại Geneva chỉ là “văn bản thỏa hiệp”, khi phương Tây phải nhún bởi Nga không chấp nhận loại bỏ bất cứ bên nào trong tiến trình chuyển tiếp.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra thông điệp rõ ràng khi kết thúc hội nghị rằng, “Mỹ không thấy có bất cứ vai trò nào cho ông Assad” trong quá trình chuyển tiếp. Pháp, Anh cũng đồng tình rằng “ông Assad phải từ chức” và “chính phủ chuyển tiếp không thể bao gồm những kẻ có bàn tay dính máu”.
Còn về phía Nga và Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố “Syria phải được tự quyết định về cách thực thi tiến trình chuyển tiếp”, còn đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh “người ngoài không thể quyết định hộ số phận cho người dân Syria”.
Nga và Trung Quốc cũng chỉ đồng ý ký vào tuyên bố chung khi nó không bao gồm yêu cầu ông Assad phải rời bỏ quyền lực.
Khủng hỏang chính trị ở Syria sẽ “vẫn chỉ là hy vọng” cũng là nhận định không mấy tích cực ngay trước thềm Hội nghị. Ngay khi bắt đầu, phần lớn dư luận đều cho rằng, cuộc họp lần này cũng lại dẫm vào vết xe đổ của những lần trước, nếu có kết quả cũng chỉ là những sự đồng thuận mang tính biểu tượng.
Đúng như vậy, nhìn vào kết quả hiện nay có thể thấy rằng, đã có một cơ chế đang được đặt ra là người dân Syria sẽ tự quyết định tương lai của chính mình. Đó là cơ chế chuyển đổi chế độ và không có sự áp đặt của thế lực bên ngoài. Nhưng rõ ràng, thực hiện được điều đó không dễ. Bạo lực vẫn tái diễn nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông, phủ bóng đen lên nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Ngày 30/6, khi Hội nghị vừa kịp kết thúc, bạo lực vẫn diễn ra trên khắp lãnh thổ này khiến 83 người thiệt mạng. Vụ nghiêm trọng nhất là 30 dân thường đang tham dự một lễ tang ở thị trấn Zamalka (cách Damascus 10km về phía Đông) đã thiệt mạng do bị nã đạn pháo. Trong khi đó, từ bên ngoài, mọi áp lực đang không ngừng hướng đến chảo lửa này. Ngày 29/6, quân đội Israel đã tăng cường hệ thống phòng thủ dọc biên giới với Syria với lý do để chuẩn bị đối phó với “khả năng xảy ra các cuộc tấn công của phiến quân từ cao nguyên Golan và làn sóng người tị nạn Syria một khi bạo lực tiếp tục lan rộng”.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên - sau vụ một chiếc tiêm kích F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn hạ do vi phạm không phận (ngày 22/6) - triển khai khí tài chiến tranh và tăng cường binh lực dọc biên giới với Syria.
Như vậy là mọi dấu hiệu đều cho thấy còn quá nhiều chướng ngại cả trong và ngoài đang đè nặng lên Syria. Trong khi đó, các cường quốc - vốn được xem là nhân tố giúp ổn định xung đột tại quốc gia này vẫn chưa thể nhất trí với nhau về cách kết thúc cuộc xung đột. Mục đích của hội nghị tại Geneva vừa qua là đưa kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Annan quay lại đường ray. Nhưng trên thực tế, kế hoạch này chưa bao giờ được tuân thủ.
Từ đây có thể thấy được rằng, chưa có một dấu hiệu thực chất nào cho thấy có thể làm giảm nhiệt chảo lửa Syria khi mâu thuẫn giữa các nước đang có mặt tại đây vẫn tiếp diễn. Thỏa thuận mới này mới chỉ là bước khởi đầu đầy chông gai trong việc giúp Syria thoát khỏi xung đột hiện nay.
Sức ép về mọi mặt đã cho thấy rằng, Syria sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với mớ bòng bong như bây giờ cho đến khi sự đồng thuận tại các cuộc Hội nghị ở nước này là “tối đa”./.
Theo Thanh Hiền/VOV Online