Trung Quốc, ngày 19/8, cho biết nước này đã trao cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc công hàm phản đối sau khi 10 công dân Nhật Bản đến thăm đảo Uôchưri (Uotsuri), thuộc quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Xêncacư (Senkaku), và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Các nhà hoạt động Nhật Bản đã giương cao quốc kỳ nước này trên đảo Uôchưri.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng những nhà hoạt động cánh hữu Nhật Bản đã "xâm phạm trái phép chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc", đồng thời yêu cầu Tôkiô ngừng ngay các hành động tương tự. Theo ông Tần Cương, phía Nhật Bản cần phải giải quyết tình huống nảy sinh một cách thỏa đáng, tránh những hành động làm phương hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng liên quan đến quần đảo tranh chấp nói trên.
Sáng nay 19/8, 10 người Nhật Bản đã lên đảo Uôchưri (Uotsuri). Những người này thuộc đoàn đã đến thành phố Isigaki (Ishigaki), tỉnh Ôkinaoa (Okinawa), dự lễ tưởng niệm các nạn nhân đắm tàu trong vụ tấn công của Mỹ thời kỳ chiến tranh năm 1945. Đoàn dự lễ tưởng niệm tại Isigaki hôm 18/8 có 50 người, bao gồm nghị sĩ quốc hội, các đại biểu hội đồng địa phương và người thân các nạn nhân trong vụ đắm tàu.
Hãng thông tấn Kyodo đưa tin 10 người nói trên rời Isigaki tối 18/8 trên một tàu đánh cá, sau đó bơi từ tàu này vào đảo Uôchưri vào khoảng 7h30' sáng nay (giờ Nhật Bản). Uôchưri là đảo lớn nhất trong số 5 đảo chính thuộc quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Trước đó, vào ngày 15/8 vừa qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã bắt giữ 14 nhà hoạt động người Trung Quốc với lý do "xâm nhập lãnh hải và đổ bộ" lên một hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp. Ngày 17/8, phía Nhật Bản đã trục xuất những người này sau khi hai bên có những tuyên bố phản đối lẫn nhau xung quanh vụ việc này.
Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin sáng nay 19/8, nhiều người ở một số thành phố của Trung Quốc như Quảng Châu, Thâm Quyến, Thẩm Dương, Hàng Châu, Hợp Phì, Thanh Đảo đã xuống đường phản đối các nhà hoạt động Nhật Bản đến quần đảo tranh chấp. Hơn 100 người biểu tình đã tập trung gần Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Quảng Châu, mang theo cờ Trung Quốc và biểu ngữ có nội dung bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Liên quan đến tranh chấp trên, hãng Kyodo cho biết chính quyền thành phố Tôkiô có kế hoạch mua một phần quần đảo này từ một chủ sở hữu người Nhật Bản. Trong khi đó, hãng AFP dẫn nguồn nhật báo Yomiuri của Nhật Bản ngày 19/8 cho biết nước này dự kiến thay đại sứ tại Trung Quốc, ông Uichirô Nioa (Uichiro Niwa). Tin cho biết ông Nioa đã gây xôn xao dư luận hồi tháng Sáu vừa qua khi cảnh báo về kế hoạch mua đảo nói trên của chính quyền Tôkiô, cho rằng động thái này có thể gây "khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng" giữa hai nước. Báo Yomiuri cho rằng ông Nioa có thể sẽ bị cách chức trong cuộc cải tổ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, dự kiến diễn ra sau khi kỳ họp hiện tại của quốc hội kết thúc vào ngày 8/9 tới.
* Trong diễn biến khác, cùng ngày, Hàn Quốc đã khánh thành đài tưởng niệm trên một hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà Hàn Quốc gọi là Đốcđô (Dokdo), và Nhật Bản gọi là Takêsima (Takeshima) trên biển Nhật Bản, để kỷ niệm chuyến thăm của Tổng thống Li Miêng Pắc tới đây hôm 10/8 vừa qua. Đài tưởng niệm bằng đá cao 1,2 mét dựng trước tòa nhà của lực lượng an ninh Hàn Quốc đồn trú trên hòn đảo này.
Các quan chức Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc cho biết Đại sứ quán đã trao cho Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc công hàm phản đối đài tưởng niệm trên.
Chuyến thăm chưa từng có tiền lệ của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc (Lee Myung-bak) tới quần đảo Đốcđô đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao với Nhật Bản. Tôkiô đã triệu hồi Đại sứ tại Hàn Quốc để phản đối chuyến thăm và các chương trình trao đổi giữa hai nước cũng đã bị đình lại./.
Theo TTXVN