Mỹ, phương Tây và một số nước trong khu vực đang tìm cách viện trợ và thúc giục phe đối lập tại Syria củng cố lực lượng.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria tiếp tục diễn biến phức tạp do sự can thiệp của nhiều cường quốc. Trong khi Liên Hợp Quốc cùng với các nước như Nga, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, thì Mỹ, phương Tây và một số nước trong khu vực lại tìm cách viện trợ và thúc giục phe đối lập tại Syria củng cố lực lượng nhằm gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong thông cáo mới được đưa ra, Bộ Ngoại giao Syria đã đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước vùng Vịnh phải chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu liên tiếp tại Syria và hủy hoại sứ mệnh của Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi. Syria cáo buộc các nước trên đã tài trợ tiền, cung cấp vũ khí và nơi trú ẩn cho các nhóm vũ trang.
Hiện tại, các nhóm đối lập tại Syria đang tích cực tăng cường thống nhất lực lượng. Ngày 31/10, các nhóm này đã kết thúc 3 ngày nhóm họp tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về giai đoạn được cho là “quá trình chuyển giao” tại Syria.
Hội đồng Dân tộc Syria của phe đối lập cho biết, các nhóm đối lập đã đạt được một thỏa thuận chung về vai trò của Quân đội Syria tự do trong tương lai. Cùng với đó, Mỹ kêu gọi các nhóm đối lập Syria “mở rộng liên minh” tại cuộc gặp vào tuần tới tại Doha (Qatar).
Phát biểu tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm Croatia ngày 31/10, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết: “Cuộc gặp của các nhà tài trợ thuộc Liên đoàn Arab, bắt đầu tại Doha vào tuần tới, sẽ là bước đi quan trọng. Chúng tôi đã thảo luận về các tổ chức mà chúng tôi tin rằng sẽ đóng vai trò trong bộ máy lãnh đạo của Syria sau này. Chúng tôi cho rằng, Hội đồng dân tộc Syria sẽ sớm trở thành tổ chức nòng cốt của lực lượng đối lập”.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc và nhiều nước tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Trái ngược với quan điểm của Pháp về việc loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad trong quá trình gọi là chuyển tiếp chính trị tại Syria, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, ưu tiên hiện nay là chấm dứt bạo lực tại Syria, chứ không phải là việc ông Bashar al-Assad có nắm quyền hay không.
Phát biểu tại cuộc gặp ngày 31/10 với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, ông Lavrov nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là cần chấm dứt bạo lực. Không có lựa chọn nào khác là tuân theo nghị quyết đã đưa ra tại Geneva. Nếu ai đó nghĩ rằng, ưu tiên hiện nay đó là lật đổ một nhà lãnh đạo mà họ không muốn thì khi đó xung đột đẫm máu vẫn sẽ tiếp tục xảy ra”.
Còn tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trong cuộc gặp với Đặc phái viên Brahimi ngày 31/10, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cũng nhấn mạnh đến việc cần phải thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Theo người đứng đầu Bộ ngoại giao Trung Quốc, tình hình tại Syria đang ở giai đoạn có tính quyết định, và điều quan trọng là cần tìm một giải pháp phù hợp với lợi ích của người dân Syria cũng như hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Đông.
Sau khi thăm Trung Quốc, ông Brahimi sẽ đến Nga nhằm tìm kiếm những nỗ lực mới giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo dài 19 tháng qua tại Syria. Tiếp đó, Đặc phái viên này sẽ đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc những đề xuất mới nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập./.
Theo Ngọc Khương/VOV Online