Mới đây, Orbital Sciences đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa Antares, dọn đường cho sứ mệnh của một hãng tư nhân Mỹ vận chuyển hàng hóa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong tương lai.
Đây là vụ phóng thử nghiệm tên lửa đầu tiên thuộc một hãng tư nhân của Mỹ. Vụ phóng được thực hiện lúc 17h00 (giờ địa phương) từ căn cứ bay Oalốp (Wallops) trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển thuộc bang Vơginia (Virginia), phía Đông nước Mỹ. Vì là vụ phóng thử nghiệm nên tên lửa đẩy Antares không mang theo tàu chở hàng Cygnus - cũng do hãng này chế tạo - mà chỉ mang theo một tàu mô phỏng chở 3,8 tấn thiết bị điện tử được đưa lên quỹ đạo ở độ cao 257 km sau khoảng 10 phút cất cánh. Thiết bị mô phỏng cao khoảng 40 m và có đường kính là 4m. Tiếp theo kế hoạch phóng thử nghiệm lần này, hãng chế tạo có căn cứ tại bang Vơginia sẽ triển khai kế hoạch đưa tàu chở hàng Cygnus lên ISS trong 3 tháng, sau chuyến bay đầu tiên hoàn thành vào cuối năm nay.
Trong một tuyên bố, nhà quản lý Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Sáclơ Bônđen (Charles Bolden) đã chúc mừng hãng Orbital Sciences và nhóm chuyên gia cộng tác của NASA thực hiện vụ phóng một cách hoàn hảo. Ông nêu rõ vụ phóng thành công này cho thấy kế hoạch khai thác vũ trụ chiến lược của Mỹ kết hợp giữa chính phủ và các hãng tư nhân đang đi đúng hướng.
Orbital Sciences cùng với SpaceX là hai hãng tư nhân Mỹ được NASA chọn ký hợp đồng thực hiện các vụ vận chuyển hàng lên ISS trong tương lai, sau khi NASA đã khép lại chương trình tàu con thoi kéo dài 30 năm từ tháng 7/2011 và phải phụ thuộc vào tàu Suyuz của Nga trong việc đưa các phi hành gia lên ISS với chi phí 63 triệu USD/ghế, và đưa hàng hóa Mỹ lên ISS bằng các tàu của châu Âu, Nhật Bản và Nga. Theo hợp đồng trị giá 1,9 tỉ USD ký với NASA, Orbital Sciences sẽ bắt đầu chở hàng lên ISS từ năm 2016. Trong khi đó, SpaceX đã làm nên lịch sử khi tàu Dragon của hãng này trở thành tàu vũ trụ thương mại đầu tiên trong lịch sử "cập bến" ISS trong một chuyến bay thử nghiệm hồi tháng 5/2012. Cho đến nay, tàu Dragon của SpaceX đã hoàn tất thành công 3 sứ mệnh lên ISS và còn phải hoàn tất 10 chuyến nữa theo hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD mà công ty có trụ sở ở bang Caliphonia (California) này ký với NASA./.
Theo TTXVN