Cập nhật: 18/03/2009 16:24:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ đã có những định hướng khá rõ cho các gói kích cầu khác như chính sách thuế và các chính sách tài trợ từ ngân sách, đặc biệt gói đầu tư công từ ngân sách.

“Thời gian mà tất cả mọi hy vọng đều tắt ngấm có vẻ như đã qua, các doanh nghiệp (DN) đang thận trọng đầu tư trở lại nhằm tìm kiếm những cơ hội và tiềm năng khi khủng hoảng và suy thoái đi qua” - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trao đổi với PV.

 

Trong bi quan suy thoái kinh tế và bất ổn tài chính đã có những tín hiệu nào về sự hồi phục, thưa ông?

 

Dự báo mới nhất của các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, EIU, JP Morgan…) đã điều chỉnh rất mạnh so với các dự báo trước đó. Ví dụ, dự báo cao nhất của GDP toàn cầu trước đây là 2,2% nay dự báo thấp nhất chỉ còn 0,3%. 

 

Dự báo mức tăng trưởng thấp nhất của các nền kinh tế trụ cột như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh chỉ ở mức âm 2,8 -1,6%. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng mặc dù suy thoái kinh tế vẫn còn tiếp diễn nhưng hiện tại đã có những dấu hiệu đầu tiên của quá trình phục hồi.

 

Cụ thể, thị trường cho vay đã có dấu hiệu phục hồi ở Mỹ và một số nước phát triển. Hoạt động mua lại và sáp nhập các ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) đang sôi động trở lại chứng tỏ lòng tin vào triển vọng kinh tế dài hạn đang được khôi phục.

 

Số lượng người thất nghiệp bắt đầu giảm, đây là dấu hiệu cơ bản của quá trình phục hồi gắn với sự gia tăng thu nhập và chi tiêu. Mức tiêu thụ dầu thô không còn tiếp tục suy giảm. Tiêu thụ điện của Trung Quốc (quốc gia có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới) bắt đầu tăng lên…

 

Những dấu hiệu trên, trong chừng mực nhất định cũng đang hình thành ở Việt Nam (VN). Tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng, thị trường mua lại cũng đang tăng. Nhiều DN mặc dù đang rất khó khăn vẫn thận trọng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Gói kích cầu của Chính phủ sẽ là cơ hội tốt cho các DN tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh để tồn tại và tiếp tục phát triển (mặc dù trước mắt nhiều DN đang quan sát, nghe ngóng và tiếp cận gói kích cầu một cách dè dặt, thận trọng).

 

Cho đến thời điểm này, cá nhân ông đánh giá thế nào về hiệu quả bước đầu của gói kích cầu?

 

Theo đánh giá của chúng tôi, gói kích cầu hiện nay của Việt Nam nếu tính cả khoản tiền năm 2008 chuyển sang và tạm ứng cho năm 2010, các khoản giãn, giảm thuế, các khoản tài trợ lãi suất… có thể lên tới trên 6 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP. Đối với ngân sách Việt Nam đó là một cố gắng lớn, nếu được thực hiện hiệu quả, giám sát tốt có thể đạt được mục tiêu chặn đứng suy giảm kinh tế và tạo đà hồi phục nhanh cho năm tiếp theo.

 

Gói kích cầu cũng không quá lớn, không vượt quá tầm kiểm soát của Chính phủ để gây hiệu quả xấu đối với kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Trong những năm tới, vấn đề cần lưu ý không phải là thâm hụt ngân sách hay thâm hụt thương mại mà chủ yếu là lạm phát.

 

Ngoài các biện pháp đang triển khai, theo ông còn những lĩnh vực nào cũng cần các giải pháp kích cầu?

 

Chính phủ đã có những định hướng khá rõ cho các gói kích cầu khác như chính sách thuế và các chính sách tài trợ từ ngân sách, đặc biệt gói đầu tư công từ ngân sách. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần nghiên cứu mở rộng thêm một số đối tượng như sau.

 

Thứ nhất, cho các nhóm hàng thiết yếu, xây dựng hoặc sản phẩm chế biến có tỷ lệ nội địa hóa cao được miễn giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng.

 

Thứ hai, bù một phần cho các khoản đóng góp của DN, hoặc Chính phủ cho DN vay để hình thành các quỹ bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp). Một số chính sách trợ cấp cho các nhóm đối tượng an sinh xã hội và thu nhập thấp.

 

Thứ ba, có chính sách đảm bảo nguồn thu ngân sách, trong đó thực hiện lộ trình hợp lý để tiếp tục điều chỉnh giá điện, xăng dầu… theo nguyên tắc thị trường nhằm khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực “thắt nút cổ chai” . Biện pháp này trước mắt có thể làm giảm hiệu ứng kích cầu tiêu dùng nhưng có tác dụng kích cầu đầu tư lâu dài.

 

Nhìn chung, các gói kích cầu của các nước đều tập trung vào 3 nhóm cơ bản: (i) Nhóm khuyến khích tiêu dùng của dân cư, (ii) Nhóm khuyến khích đầu tư đối với DN, (iii) Nhóm tăng cường đầu tư của Chính phủ. Các biện pháp này có liên quan mật thiết với nhau để tạo ra 3 hiệu ứng là thu nhập, tiêu dùng và tín dụng, trong đó hiệu ứng với tín dụng tăng trở lại là dấu hiệu quan trọng nhất của sự phục hồi kinh tế.

 

Xin cảm ơn tiến sĩ

 

 

 

Theo VNN

 

Tệp đính kèm