Theo các nhà phân phối, từ đầu tháng tư đến nay - đặc biệt là trong những ngày gần đây, không ít hàng hoá tiêu dùng và nhất là thực phẩm đang rục rịch tăng giá, dù sức mua không cao.
Lý do được các nhà cung cấp đưa ra không khác trước đây, vẫn "điệp khúc" xăng dầu - điện tăng giá, chi phí tăng, thời tiết không thuận lợi...
Dạo quanh các chợ đầu mối Tam Bình, Hóc Môn, Bình Điền (TPHCM) cho thấy, sau một thời gian các mặt hàng rau, củ quả, thuỷ - hải sản giảm giá, nay nhiều mặt hàng bắt đầu có đợt tăng giá, dù nguồn hàng vẫn không biến động.
Tuy mức tăng của các mặt hàng chỉ 1.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng tình hình này đã tác động đến giá bán lẻ thực phẩm tại các chợ bán lẻ. Hiện mỗi bó rau các loại bán tại các chợ đều được tăng lên, bán giá thấp nhất là 3.000 đồng/bó. Các loại trái cây đều tăng giá thêm 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Tương tự, các loại thịt gia súc, gia cầm đang tăng giá mạnh. Thịt heo tại các chợ đều bị đẩy giá thêm bình quân 5.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg... Theo các tiểu thương chợ đầu mối, đợt tăng giá lần này do ảnh hưởng nhiều yếu tố.
Ngoài việc các trại chăn nuôi, đầu mối cung cấp thuỷ - hải sản, rau, củ quả nhích giá lên, đợt này còn chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá xăng dầu khiến chi phí vận chuyển hàng hoá tăng theo.
Trước tình hình thị trường đang có dấu hiệu kích giá lên, không ít nhà phân phối, đầu mối cung cấp hàng hoá đang tung ra nhiều biện pháp kiềm giá.
Ông Văn Đức Mười - Phó Tổng giám đốc Cty thực phẩm Vissan - cho biết: "Giá heo hơi bình quân tại các trại chăn nuôi đã tăng lên 42.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Việc giá heo hơi tại các trại chăn nuôi tăng là hợp lý, bởi giá thành của các trại chăn nuôi hiện đã đạt mức 39.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sức mua hiện nay lại đang giảm, không thể tăng giá vào lúc này. Chính vì vậy, các nhà phân phối cũng như Vissan đang cố gắng giữ giá bán không tăng đồng bộ".
Tương tự, ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Cty Phú An Sinh - cho rằng: "Giá thịt gà từ các nhà chế biến cung cấp ra thị trường chỉ tăng tương ứng giá đầu vào, không tăng cao 15-20% như một số điểm bán lẻ". Chính điều này đã khiến trên thị trường hiện nay xảy ra tình trạng thịt gia súc, gia cầm tại các siêu thị, cửa hàng của một số đơn vị chế biến có giá bán thấp hơn các chợ lẻ.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C - cho biết: "Gần đây, một số nhà cung cấp đề nghị điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, bộ phận thu mua của siêu thị cố gắng đàm phán, thỏa thuận để các nhà cung cấp không tăng giá bán hoặc giảm giá, khuyến mãi".
Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, mặt hàng trái cây, rau, củ quả đang có chương trình giảm giá 5%, trong khi thịt gia súc vẫn ổn định giá. Đây là biện pháp hữu hiệu của các nhà phân phối để đối mặt với làn sóng tăng giá mới trên thị trường bán lẻ hiện nay.
Theo LĐ