Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cùng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Hiệp hội Gas Việt Nam vừa tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh gas tại Việt Nam.
Chương trình này nhằm giúp Hiệp hội và các doanh nghiệp nâng cao ý thức, vai trò, cùng tham gia trong việc xây dựng bảo vệ thương hiệu của mình, hỗ trợ việc thực thi chống hàng giả, hàng nhái và kinh doanh trái phép đối với mặt hàng gas, bảo vệ và giữ vững lòng tin của người tiêu dùng và xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng ban chỉ đạo 127 TW Nguyễn Cẩm Tú cho biết: được sự cho phép của Chính phủ, từ năm 2001 về cơ bản, kinh doanh gas được vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Tuy tham gia muộn nhưng thị trường gas đạt tốc độ phát triển rất nhanh cả số lượng và quy mô. Theo thống kê, cả nước có khoảng 80 công ty gas, hệ thống các cửa hàng, đại lý liên tục được mở rộng. Đến nay, gas vẫn thuộc nhóm hàng thực hiện bình ổn giá, giá bán lẻ được áp dụng theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường kinh doanh gas cũng kéo theo sự xuất hiện của nạn kinh doanh gas giả, nạn sang chiết nạp lậu gas diễn ra khá phổ biến, cũng như các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Hậu quả là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng bị xâm hại, các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính bị mất uy tín, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Nhà nước bị thất thu ngân sách.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, tuy kinh doanh gas phát triển nhanh về tốc độ, nhưng hệ thống pháp lý điều chỉnh, quản lý hoạt động kinh doanh này chưa hoàn chỉnh; sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, kiểm soát với các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực này còn hạn chế từ đó tạo kẽ hở cho các hành vi vi phạm; do đó, cần tăng cường quan hệ phối hợp và gắn trách nhiệm của Hiệp hội, của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gas với lực lượng quản lý thị trường nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để thị trường gas có thể hoạt động ổn định, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng và an toàn xã hội.
Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam nêu rõ: mỗi đại lý gas chỉ được đăng ký 3 thương hiệu gas. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh gas của mình, từ giá cả đến chất lượng của toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, khi muốn kinh doanh mặt hàng này các doanh nghiệp đầu mối phải đáp ứng đủ các điều kiện của các cơ quan chức năng về mặt bằng bến bãi, có tối thiểu lượng bình gas là 300.000 bình, phải có lượng hàng dự trữ với các thương nhân đầu mối là 7 ngày, với các tổng đại lý là 3 ngày để không xáo trộn thị trường khi khan hiếm...
Cùng ngày, Hiệp Hội Gas Việt Nam và Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an cũng tiến hành ký kết Kế hoạch phối hợp trong công tác phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cho việc kinh doanh gas và nâng cao ý thức sử dụng gas một cách hiệu quả nhất./.
Theo TTXVN