Cập nhật: 08/12/2009 23:11:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại Hội nghị giao ban công tác trực tuyến hôm qua, Bộ Công Thương nhấn mạnh sẽ đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trong dịp Tết. Cùng đó, chất lượng hàng hóa, thực phẩm cũng sẽ được quản lý chặt chẽ.

Không để “sốt” giá các mặt hàng chiến lược

 

Bộ Công Thương cho biết, thị trường trong nước tháng 11 đã sôi động hơn so với tháng trước khi các nguồn hàng được huy động để đáp ứng cho nhu cầu mua sắm, sửa chữa, xây dựng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Hầu hết các doanh nghiệp đã triển khai dự trữ hàng hóa phục vụ Tết nên nguồn cung hàng hóa trong nước tiếp tục được bảo đảm. Các trung tâm thương mại cũng như doanh nghiệp kinh doanh thực hiện tháng bán hàng khuyến mãi đã thu hút một lượng lớn khách hàng mua sắm, đặc biệt là vào các “ngày vàng” trong tháng. Vì vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hoá tháng 11 ước đạt 114,0 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng 10 (trong khi tốc độ tăng các tháng trước chỉ trên 2,0%); tính chung 11 tháng ước đạt 1.075,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực thương nghiệp đạt 843,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5%, khu vực khách sạn, nhà hàng đạt 121,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6%, khu vực du lịch do ảnh hưởng mùa mưa bão nên ước đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,0%; khu vực dịch vụ ước đạt 100,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4%. Hai thị trường lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt là 24,4% và 19,1%.

 

Để cung ứng hàng hóa cho nhân dân trong dịp Tết Canh Dần, hiện nhiều địa phương, doanh nghiệp và trung tâm thương mại đã thực hiện việc mua dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để "sốt" giá các mặt hàng chiến lược.

 

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đảm bảo nguồn hàng và các Sở Công Thương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ưu tiên dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần .

 

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Thọ Xuân, nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng khoảng 20% và tại các tỉnh vào khoảng trên 10%. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của nhân dân trong dịp Tết, hiện một số địa phương đã tạm ứng khoản tiền nhàn dỗi cho DN vay với lãi suất 0% để thu mua, dự trữ hàng hóa. Các địa phương như Hà Nội đã tạm ứng 250 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng Tết, thành phố Hồ Chí Minh tạm ứng hơn 400 tỷ đồng và tỉnh Bình Dương  là hơn 100 tỷ đồng.

 

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa

 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,55% so với tháng 10; tăng 4,35% so với tháng 11/2008 và tăng 5,07% so với tháng 12/2008. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 6,91% so với cùng kỳ. Giá cả tăng mạnh tại 3 nhóm hàng: lương thực (0,87%), thực phẩm (0,62%) và nhà ở, vật liệu xây dựng (0,75%). Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết bắt đầu vào mùa lạnh nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao và tình hình dịch bệnh gia tăng làm cho giá một số nhóm thực phẩm tăng. Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực đẩy mạnh mua vào để giao hàng theo các hợp đồng đã ký và chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cho thời gian tới nên giá lương thực tăng. Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 24/10/2009 đã gián tiếp làm tăng chỉ số giá của nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Nhìn chung, chỉ số giá hiện nay tương đối ổn định và có khả năng đạt dưới mức kế hoạch đề ra (7%).

 

Chất lượng thực phẩm phục vụ Tết sẽ được quản lý chặt chẽ

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết, dịp cuối năm 2009, đầu năm 2010, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý thị trường, chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ Tết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.

 

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, các Chi cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, đồ chế biến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đồng thời các Chi cục có nhiệm vụ kiểm soát chặt các điểm bán gas nhằm hạn chế  sang, triết gas trái phép đảm bảo an toàn cho người dân. Một số mặt hàng cấm như pháo nổ, động vật quý hiếm cũng sẽ được tăng cường kiểm tra và xử lý mạnh bởi theo ông Dũng, về cuối năm nhu cầu mặt hàng này có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy đây sẽ là mặt hàng cũng được ưu tiên kiểm soát. Cục cũng đã yêu cầu các Chi cục kiểm tra mạnh việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do theo Quy chế của Bộ Công Thương về  quản lý địa  bàn. Đây là căn cứ pháp lý cần thiết để các Chi cục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm