Cập nhật: 11/12/2009 22:28:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có thể có nhiều cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về thị trường trong nước năm 2009. Nhưng xét một cách tổng thể, có thể nhận thấy bức tranh về thương mại và thị trường trong nước như sau:

Một là, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể từ ngày 1-1-2009 Việt Nam mở cửa cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn và bán lẻ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam (ngoại trừ các mặt hàng đã có cam kết riêng). Trước thời điểm này đã có không ít người cảnh báo: hàng hóa nhập khẩu và hệ thống phân phối hàng hóa của nước ngoài sẽ tràn vào thị trường trong nước. Thế nhưng, điều dự báo trên đã không xảy ra và sự thật là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và hệ thống phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm lĩnh tỷ trọng cao trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, trong hầu hết các siêu thị, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam vẫn chiếm hơn 70% và hệ thống phân phối bán lẻ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 5% tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Ðể đạt được kết quả này là nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bên cạnh đó, với quy định về nhu cầu kinh tế để cấp phép cơ sở bán lẻ thứ 2 cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối cũng đã góp phần tạo ra kết quả đáng mừng trên.

 

Hai là, khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2008 đã lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới suy thoái khiến cho thị trường thế giới và thị trường của hầu hết các nước đều bị thu hẹp, thương mại thế giới năm 2009 giảm hơn 12% so với năm 2008. Tuy nhiên, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ở thị trường nội địa của nước ta sẽ chắc chắn đạt nhịp độ tăng trưởng khoảng 18,5%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá 6%/năm thì vẫn là 12,5% trong năm 2009, đây là năm có mức tăng trưởng cao so với những năm trước đó. Mặt khác, nếu xem xét theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu thì chỉ số lòng tin của người tiêu dùng đối với thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đạt 60,9 điểm phần trăm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (40 điểm phần trăm). Năm 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được xếp hạng là một trong những thị trường hấp dẫn nhất.

 

Ðạt được kết quả nêu trên, trước hết là nhờ có sự chỉ đạo sớm của Chính phủ với Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11-12-2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Các bộ, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc để thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ. Bộ Công thương đã chủ động và tích cực thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường nội địa, các địa phương và các doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức nhiều đợt đưa hàng hóa về nông thôn và các khu có đông công nhân sinh sống. Nhờ vậy, thị trường hàng hóa trong nước từ chỗ khá ảm đạm vào đầu năm đã tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm.

 

Ba là, chịu sự tác động của giá cả thị trường thế giới, bước vào năm 2009 chúng ta đã đưa ra dự báo chỉ số CPI năm 2009 sẽ tăng 13%. Mặc dù sau đó đã được điều chỉnh xuống còn 7% nhưng 11 tháng mới chỉ tăng 5,07% và chắc chắn, năm 2009 chỉ số CPI sẽ chỉ khoảng 6%. Trên thị trường nội địa, hàng hóa rất phong phú, và đặc biệt là hàng hóa sản xuất trong nước đã được tiêu thụ một cách thuận lợi, cung đáp ứng đủ cầu và chất lượng phục vụ ngày càng nâng cao. Về cơ bản, thị trường trong nước vẫn diễn ra sôi động, nhưng giá cả lại ổn định theo hướng có lợi cho các nhà sản xuất. Ðể đạt được thành tựu này phải kể đến vai trò chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô và sự điều hành đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các địa phương. Ðặc biệt, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố lớn đã chỉ đạo và dành kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa để bình ổn thị trường trong các dịp lễ, Tết, tổ chức thành công tháng khuyến mại nhân dịp các ngày lễ lớn. Nếu đầu năm, nhiều người đưa ra nhận định kinh tế Việt Nam năm 2009 sẽ đứng giữa "băng và lửa" và thị trường trong nước cũng nằm trong tình trạng trên, thì đến nay có thể khẳng định một trong những thành tựu trong điều tiết thị trường nội địa là chúng ta đã tránh được cả "băng và lửa" để ổn định và phát triển thị trường.

 

Bốn là, cũng liên quan đến khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, những cảnh báo về hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng có thể thâm nhập bất hợp pháp vào thị trường Việt Nam với khối lượng lớn, cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất trong nước. Những cảnh báo này được đưa ra sớm và phải khẳng định rằng đã được ngăn chặn từ xa nên đã không diễn ra một cách "ào ạt và công khai" như cảnh báo. Ðồng thời, với sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Chỉ đạo 127 trung ương và sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục của các ngành và các địa phương, các lực lượng..., nên về cơ bản tình trạng này đã được ngăn chặn. Tuy vẫn còn diễn ra một số hành động lén lút hay tinh vi nhưng nhiều vụ việc đã bị phát hiện, một số vụ điển hình đã được nêu công khai trên báo chí và được xử lý nghiêm minh.

 

Năm là, tại các thành phố lớn đã xuất hiện một loạt các cửa hàng mang thương hiệu "Made in Việt Nam" và nhiều loại hàng bán tại các chợ được các hộ kinh doanh chào mời rằng hàng sản xuất trong nước. Ðây là điểm mới và điểm sáng của thị trường trong nước năm 2009 cần phải khẳng định. Trong thành tích này phải nhắc lại việc hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có quy mô lớn trong việc phát triển mạng lưới và cung ứng hàng hóa có chất lượng cao, cũng như các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ. Ðây cũng là thành tích của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cuộc vận động người dân thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hàng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng hơn cũng chứng tỏ hàng Việt Nam ngày càng có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa.

 

Sáu là, nếu phải đề cập đến các vấn đề bức xúc, các điểm đen hay vấn đề cần phải tiếp tục làm cho thị trường trong nước ngày càng phát triển tốt hơn thì không thể không kể đến một vài tin đồn thất thiệt về sự khan hiếm hàng để đẩy giá bán hàng hóa cùng với hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa nhằm trục lợi, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém phẩm chất vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, với sự thông tin kịp thời của các cơ quan thông tin đại chúng khiến cho người tiêu dùng nhanh chóng phát hiện ra thông tin thất thiệt và thị trường sớm được ổn định trở lại. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát thị trường ở các cấp đã khiến cho nạn buôn lậu và gian lận thương mại được ngăn chặn từng bước.

 

Bảy là, không phải là vấn đề riêng của năm 2009, tuy nhiên cũng cần phải đề cập tới đó là thị trường trong nước hiện nay còn kém phát triển, nhỏ lẻ và manh mún. Văn minh thương mại còn thấp và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra khá phổ biến. Ðể thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng cần phải có chiến lược, lộ trình và giải pháp chiến lược để xây dựng và phát triển nền thương mại Việt Nam hiện đại mang bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, dựa trên kết cấu thương mại tiên tiến, có quy mô lớn và với phương thức kinh doanh hiện đại, có khả năng ứng phó với mọi biến động của thị trường và tham gia ngày càng sâu vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

PGS, TS ÐINH VĂN THÀNH                      

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công thương

 

Theo NhanDan Online

 

Tệp đính kèm