Cập nhật: 18/12/2009 23:16:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện đã quy hoạch 15.482 ha rừng đặc dụng và chuyển giao cho vườn quốc gia Tam Đảo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

 

Lãnh đạo tỉnh nhận định: “Rừng ở Vườn quốc gia Tam Đảo đã góp phần quan trọng tạo sự cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường sống và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nếu rừng Tam Đảo mất đi Vĩnh Phúc sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và sản xuất nông nghiệp”.

 

Rừng Tam Đảo được các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đánh giá là một kho tài nguyên quý giá, nó có rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người bởi dãy núi Tam Đảo được tạo nên bởi trên 20 ngọn núi cao trên 1000m nên có nhiều kiểu địa hình, hướng phơi, độ cao, khí hậu, thủy văn, tác động của con người kết hợp với đặc tính sinh thái của từng loài cây đã tạo nên tính đa dạng về loài, sự phân bố, giá trị sử dụng và các loài cây, con quý hiếm của hệ động, thực vật Tam Đảo. Nhìn chung hệ thực vật ở Tam Đảo khá phong phú, được phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau như: trảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá.

 

Tam Đảo còn nằm trong vùng đông bắc Việt Nam là một trong 9 vùng địa lý sinh học có sự đa dạng cao về thành phần khu hệ thực vật. Hơn nữa đây còn là nơi giao lưu của các vùng địa lý sinh học khác như Hoàng Liên Sơn, Vân Nam Trung Quốc, Bắc Trung bộ cho nên tính đa dạng và phong phú của hệ thực vật Vườn quốc gia Tam Đảo càng cao. Đến nay, ở Vườn quốc gia Tam Đảo đã điều tra, thống kê được 1436 loài thuộc 741 chi trong 219 họ, 6 ngành thực vật, cụ thể là: ngành hạt kín 1149 loài, hạt trần 17 loài, thông đất 13 loài, cỏ tháp bút 1 loài, dương xỉ 59 loài, rêu 197 loài, trong đó có 58 loài mang nguồn gen quý hiếm và 68 loài đặc hữu có tên trong sách đỏ của Việt Nam và sách đỏ thế giới, có nhiều loài được thu thập và mô tả lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Đây cũng là những loài thực vật trong hệ thực vật tại Vườn quốc gia Tam Đảo có giá trị bảo tồn và có ý nghĩa lớn đối với khoa học.

 

Từ nhiều yếu tố như vị trí địa lý, địa hình, khí hậu thủy văn… tạo nên sự đa dạng về thực vật, nhiều sinh cảnh khác nhau đã hình thành ngôi nhà chung cho nhiều loài động vật sinh sống tại đây. Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài từ những năm 30 của thế kỷ 20 đến nay đã cho thấy khu vực Tam Đảo thống kê được 1141 loài động vật thuộc 150 họ, 39 bộ trong các lớp động vật như sau: lớp thú: 70 loài, lớp chim: 239 loài, lớp bò sát: 124 loài, lớp lưỡng cư: 57 loài, lớp côn trùng: 651 loài.Trong đó có 64 loài có giá trị khoa học cần được bảo tồn; 16 loài đặc hữu; 18 loài trong sách đỏ thế giới và 8 loài cấm buôn bán trong phụ lục của CITES.

 

Qua theo dõi cho thấy tình trạng khai thác và sử dụng tài nguyên thực vật và động vật tại Tam Đảo từ năm 1985 về trước không có mục đích thương mại mà chủ yếu làm thức ăn cho gia đình, chặt gỗ chỉ để làm nhà. Từ năm 1986 đến 1995 tình trạng khai thác gỗ, săn bắn động vật rừng diễn ra trên diện rộng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và du lịch phát triển nên nhu cầu sử dụng gỗ để phục vụ xây dựng, nhu cầu sử dụng thịt thú rừng tăng lên đã lôi cuốn nhiều người tham gia săn bắt để cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng đặc sản. Hơn nữa động vật ở Vườn quốc gia Tam Đảo rất phong phú nên việc tìm bắt khá dễ dàng, việc quản lý chưa thể bao quát cả vùng rộng lớn.

 

Từ khi Vườn quốc gia Tam Đảo được thành lập năm 1996, tình trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã đã giảm đi nhiều. Hiện nay, hiện tượng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã chỉ tập trung vào các loài thú nhỏ, các loài ếch nhái, bò sát và côn trùng.

 

Từ khi tái lập, Vĩnh Phúc luôn xác định rừng Tam Đảo là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá đối với nhân dân trong tỉnh, tỉnh luôn tự hào trên địa bàn tỉnh có một diện tích rừng tự nhiên khá lớn. Trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong các giai đoạn đều nêu rõ: Cần phải quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện có và trồng bổ sung để phủ xanh những diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn tỉnh.

 

Đến nay, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản cụ thể hóa nội dung quản lý bảo vệ rừng trong các Nghị quyết của tỉnh ủy Vĩnh Phúc như: thành lập tổ bảo vệ rừng tại các xã, thị trấn ven núi Tam Đảo, kinh phí do ngân sách của tỉnh chi trả. Sau khi Quyết định này có hiệu lực đã có 30 người dưới sự quản lý của UBND các xã thị trấn có rừng quốc gia đã phối hợp với kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra truy quét trên rừng. Kết quả cho thấy cho đến nay không còn người vào rừng Tam Đảo để khai thác lâm sản, tình trang săn bắn, buôn bán động vật hang dã đã giảm nhiều. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh tỉnh. Đồng thời tỉnh Vĩnh Phúc cũng quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Bảo vệ rừng Tam Đảo, bảo vệ động thực vật thiên nhiên hoang dã, quý hiếm chính là bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đại diện lãnh đạo tỉnh bày tỏ: Vĩnh Phúc mong muốn Đảng, Nhà nước có đường lối, chính sách thiết thực hiệu quả hơn nữa để huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia bảo vệ động thực vật thiên nhiên hoang dã ở vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

 

 

 

Theo Báo điện tử  ĐCSVN

Tệp đính kèm