Cập nhật: 31/12/2009 21:58:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bài học cho kinh tế nước nhà không chỉ là những kinh nghiệm vượt suy thoái, cởi bỏ nút thắt kinh tế, chủ động ứng phó khủng hoảng mà còn phải nâng tầm nhìn để có được tư duy sáng tạo hơn

Năm 2009 đã kết thúc với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Xét ở bình diện kinh tế thì năm 2009 qua đi với rất nhiều thách thức và đầy kịch tính. Thêm một năm phải trải nghiệm, phải vượt qua thách thức, phải đặt mình vào thế phải đua tranh trong đời sống toàn cầu, chúng ta đã nhận rõ bản lĩnh của đất nước trước những thử thách lớn lao, trước cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu để rồi đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Năm 2009 cũng là lúc chúng ta thấy rõ hơn những “nút thắt”, những hạn chế nội tại của nền kinh tế để từ đó có thêm bài học, thêm bản lĩnh đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.

 

Cơn bão suy thái kinh tế thế giới bắt đầu tư nước Mỹ hùng mạnh tràn qua nhiều nước, từ châu Âu sang châu Á cuốn đi nhiều nỗ lực, thành quả và cả dự tính của nhiều nước trong năm 2009. Hiệu ứng domino đã xảy ra và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy, cũng hứng chịu những tác động xấu của cuộc suy thoái kinh tế ngay những tháng đầu, quí đầu của năm 2009. Sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố như: lạm phát bùng trở lại, kinh tế suy thoái nhanh chóng, sự tuột dốc của thị trường xuất khẩu, thị trường chứng khoán… ngay lập tức đến với Việt Nam nhanh và mạnh hơn cả suy đoán.

 

Trong tình thế nguy cấp đó, Tổng thống đắc cử Obama thì “giải cứu” kinh tế Mỹ bằng gói kích cầu  lên đến 800 tỷ USD. Việt Nam chúng ta phản ứng tức thời và nhanh chóng “giải cứu” sự suy thoái kinh tế bằng gói kích cầu trị giá hơn 14.000 tỷ đồng, kèm với đó là hàng loạt những phản ứng chính sách hợp lý, đặc biệt là Nghị quyết 30 của Chính phủ với quyết tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ người dân thoát khỏi suy thoái. Vậy kích cầu thì kích vào đâu? Lại một lần nữa chân lý “dựa vào dân vượt khó” đã phát huy hiệu quả khi Chính phủ quyết tâm kích vào sản xuất,  hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân tiêu thụ được sản phẩm, vay được vốn, giảm đỡ sức ép giá cả từ đó tăng sức mua.

 

Trong khó khăn, chúng ta cũng chứng kiến được những doanh nghiệp lớn đầy bản lĩnh vượt "bão" suy thoái với nhiều chiến lược mới, linh hoạt hơn, thích ứng hơn với diễn biến của tình hình. Điều quan trọng hơn các doanh nghiệp mạnh đã biết coi trọng và quay trở lại khai thác được tiềm năng thị trường nội địa - thị trường vốn được xem là cái gốc, là ưu thế của doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại bị bỏ quên từ khá lâu.

 

Con tầu kinh tế Việt Nam lập tức như có thêm những “tay chèo” vững để vượt sóng bão suy thoái. Kinh tế đất nước đã cán đích với tốc độ tăng trưởng khoảng 5,2%. Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp hơn so với nhiều năm trở lại đây, nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, Việt Nam đứng trong top 5 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng cao. Lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức dưới 7%.  Đó chính là những thắng lợi cơ bản. Thắng lợi mà nhiều bạn bè quốc tế đánh giá là rất quan trọng ấn tượng. Tất nhiên, sự ấn tượng đó được đổi lại bằng “lòng tin” của chính các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam trong năm qua với số vốn cam kết kỷ lục, hơn 8 tỷ USD. Thêm một ngạc nhiên nữa, thêm một khâm phục nữa của chính cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam khi mà trong lúc kinh tế khó khăn, Việt Nam lại càng coi trọng bảo đảm an sinh xã hội với tổng số chi cho an sinh xã hội năm 2009 vừa qua lớn nhất từ trước đến nay ước đạt 22.470 tỷ đồng, tăng tới 62% so với năm 2008.

 

Cùng với đầu tư cho an sinh xã hội, năm 2009 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về việc hỗ trợ các huyện nghèo với nhiều phần việc cụ thể, như hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, xóa nhà dột nát, hỗ trợ gạo, khoán chăm sóc và bảo vệ rừng, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động... Bên cạnh nguồn vốn của Chính phủ, theo tinh thần Nghị quyết 30a, các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã nhận giúp đỡ 62 huyện trong cả nước với số vốn cam kết hỗ trợ đã vượt con số 2.100 tỷ đồng. Và sự sẻ chia trách nhiệm lớn lao đó, cộng với với sự nỗ lực bền bỉ của chính các hộ nghèo, 2009 được xem là năm thành công lớn trong xóa đói giảm nghèo khi tỷ lệ nghèo đói đã giảm xuống còn 11% so với mức 22% của 4 năm trước đó - năm 2005.

 

Rõ ràng, bản lĩnh Việt Nam đã được thử thách trong năm 2009 với những thành công đáng ghi nhận khi đã quyết tâm xoay chuyển thách thức thành cơ hội như vừa nêu. Nhưng năm 2009 cũng là năm nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những “góc khuất” và cả những “vật cản” đã thấy trước của nền kinh tế như kết cấu hạ tầng yếu kém. Ở nhiều nơi, vì thiếu những chỉ dẫn của tầm nhìn xa trông rộng nên lúc kinh tế cần tăng tốc thì lại bị ngáng đường. Ví như hai đầu tầu kinh tế của đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng cao những vẫn phải đối mặt với ngập lụt và tắc đường; kinh tế tăng trưởng nhưng môi trường bị ô nhiễm nặng, chất lượng cuộc sống giảm, hay chúng ta mong muốn hội nhập nhanh hơn, hiệu quả hơn nhưng lại thiếu đi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Thêm vào đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khối doanh nghiệp nhà nước vẫn là bài toán khó và chưa có lời giải hữu hiệu. Hay câu chuyện; cuối năm  giá cao leo thang, xuất khẩu được 56,5 tỷ USD nhưng cũng nhập siêu đến 12 tỷ USD…

 

Góc khuất cũng còn ẩn hiện ở cả cung cách điều hành chính sách, những phản ứng chính sách, nhất là chính sách tài chính tiền tệ khi chúng ta đã có lúc phản ứng chậm, lúng túng trước những tác động của kinh tế thế giới đối với các vấn đề về sức ép tỷ giá, giá vàng, giá đô-la… Cùng với 3 nút thắt của nền kinh tế trong nhiều năm tới cũng cần  tiếp tục phải tháo gỡ: đó là phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở và cải cách hành chính, thể chế thì một yêu cầu lớn nữa đã đến lúc cần phải tái cấu trúc nền kinh tế với yêu cầu cao nhất là tăng trưởng kinh tế chất lượng, hiệu quả và bền vững hơn.

 

Suy thoái kinh tế đang dần lùi xa. Năm 2010 tới với rất nhiều vận hội mới. 2009 lại thêm một năm chúng phải trải nghiệm, đặt mình vào thế phải đối phó với những thách thức của quá trình hội nhập, chúng ta nhận rõ hơn những “góc khuất” của nền kinh tế, cả những bất cập trong cơ chế chính sách. Bài học cho kinh tế nước nhà không chỉ là những kinh nghiệm vượt suy thoái, cởi bỏ nút thắt kinh tế, chủ động ứng phó khủng hoảng mà còn phải nâng tầm nhìn để có được tư duy sáng tạo hơn, đột phá hơn từ đó khai thông mọi nguồn lực, giành lấy thời cơ để phát triển nhanh và bền vững hơn./.

 

 

 

Theo vovnews.vn.

 

Tệp đính kèm