Cập nhật: 02/01/2010 16:25:52 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2009, kinh tế thế giới và trong nước đều rơi vào khó khăn, trong khi hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… gặp khó khăn thì thị trường trong nước vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao (19%). 

Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Hoàng Thọ Xuân- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước- xung quanh vấn đề này.

- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thành công này?

 

- Năm 2009, thị trường hàng hóa trong nước vẫn có nhiều chuyển biến tích cực, cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Thị trường phát triển trong trạng thái ổn định, không có đột biến, không có sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng bình quân hàng tháng xấp xỉ 3%, càng về cuối năm càng tăng cao, cả năm ước đạt khoảng 1.200.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2008 (nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng vẫn trên 10%). Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm dự kiến khống chế tăng không quá 6,5% so với tháng 12/2008. Vì thế, thị trường trong nước đã trở thành “điểm tựa” giúp sản xuất kinh doanh duy trì và phục hồi tăng trưởng, góp phần quan trọng cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Đạt được thành công đó, theo tôi có 3 vấn đề: Một là, Chính phủ rất nhanh nhạy phán đoán trước diễn biến kinh tế thế giới có xu hướng đi xuống có thể tác động đến kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã đưa ra các gói kích thích kinh tế, kết quả là duy trì được sản xuất kinh doanh, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng vào sự điều hành của Chính phủ. Bởi vì, khi người dân đã có lòng tin họ sẽ yên tâm tiêu dùng, sợ nhất là trong nền kinh tế mà người dân không biết tương lai sẽ thế nào, phải mua vàng, ngoại tệ để tích trữ. Đó là lý do rất quan trọng kể cả về mặt vật chất và tâm lý. Thứ hai, tiêu dùng trong nước vẫn chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thông thường, các nhu cầu vượt trội về hàng cao cấp, hàng đắt tiền hay du lịch nước ngoài… cũng có nhưng chưa nhiều do đó ít ảnh hưởng. Thứ ba, trước tình hình khó khăn của thị trường xuất khẩu, các DN phân phối (kể cả DN xuất khẩu) đã tìm mọi cách quay lại với thị trường trong nước với nhiều chiêu thức kích thích tiêu dùng.

 

- Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về “những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội” xác định thị trường nội địa đã có những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Xin ông cho biết kết quả thực hiện nhiệm vụ này?

 

- Bộ Công Thương đã chủ trì triển khai việc thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 17/4/2009 về “Hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn”. Việc thực hiện quyết định này đã đem lại kết quả tích cực: hỗ trợ đúng đối tượng (trên 95% tiền vay là do hộ gia định nông dân và cá nhân thực hiện; trên 80% các khoản vay tập trung vào mục đích mua máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp); bảo đảm mục tiêu ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy sản xuất trong nước, trực tiếp là sản xuất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ ngành cơ khí nông nghiệp phát triển, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các chính sách phát triển “tam nông” của Đảng và Nhà nước, nhất là việc hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất chế biến nông nghiệp…

 

Thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chỉ đạo hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại hướng về thị trường trong nước như: bảo trợ các chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về bán ở nông thôn, các tuần và tháng khuyến mãi, tiến hành nghiên cứu thị trường… Có thể thấy, chưa năm nào các hoạt động XTTM thị trường trong nước lại sôi nổi, phong phú, đa dạng và rộng khắp như năm 2009, đem lại những kết quả tích cực, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng với hàng Việt, giúp doanh nghiệp và hàng Việt vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng với hàng Việt. Những động thái đó giúp DN và hàng Việt vươn lên nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, lôi cuốn người Việt Nam đến với hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần đáng kể vào quy mô và nhịp độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ cả nước.

 

Đồng thời, Chương trình XTTM thị trường trong nước (được ngân sách hỗ trợ 51 tỷ đồng) đã bắt đầu triển khai thực hiện, tập trung vào các hoạt động lớn như đưa hàng về bán tại các vùng nông thôn, các khu đô thị và các KCN; tổ chức các hội chợ hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản thực phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề; đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tiến hành điều tra nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân các vùng miền…

 

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 5839/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động của Bộ, kế hoạch triển khai chương trình. Trong chương trình hành động và trong kế hoạch triển khai, Bộ Công Thương chú trọng vào 2 nhiệm vụ lớn là: một là, thực hiện tốt các hoạt động XTTM thị trường trong nước, lấy đó làm bộ phận nòng cốt của chương trình; hai là, nâng cao sức cạnh trạnh của hàng hàng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối của các DN trong ngành, coi đó là tiền đề tiên quyết để cuộc vận động có hiệu quả thiết thực.

 

- Trên đà năm 2009, ông có thể cho biết những định hướng chính trong lĩnh vực thị trường nội địa năm 2010?

 

- Thị trường nội địa năm 2010 tập trung vào những nhiệm vụ lớn:

 

Phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 1.440.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2009; đồng thời tiếp tục bình ổn thị trường, khống chế chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 7% so với tháng 12 năm 2009. Theo tôi, đây là nhiệm quan trọng nhưng cũng rất khó khăn.

 

Tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác điều hành thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường kiểm soát và bình ổn tình hình thị trường- giá cả, trọng tâm là các vật tư và hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra đột biết dẫn đến sốt giá trong mọi tình huống.

 

Chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình XTTM thị trường trong nước, tập trung vào các hoạt động tổ chức bán hàng dưới nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn thị trường, kích thích và thúc đẩy tiêu dùng, góp phần mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối tới mọi vùng miền của cả nước, đặc biệt là nông thôn và miền núi. Hàng tháng, hàng quý, tiến hành sơ kết đánh giá và điều chỉnh. Trên cơ sở kết quả cụ thể và thiết thực đạt được, sớm đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình XTTM thị trường trong nước năm 2010 và những năm tiếp theo.

 

Lấy chương trình XTTM thị trường trong nước làm nội dung chủ yếu và hoạt động trọng tâm của Chương trình hành động thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Theo đó, tập trung chỉ đạo, vận động theo ba mũi tiến công: sức cạnh tranh của hàng hóa, chất lượng dịch vụ phân phối của DN và ý thức của người tiêu dùng.

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy việc thực hiện Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 497 với hiệu quả cao. Triển khai thực hiện tốt các nghị định mới được ban hành (về kinh doanh xăng dầu, về kinh doanh khí mỏ hóa lỏng, về chợ) và các đề án về phát triển hạ tầng thương mại, về phát triển mạng lưới thương mại nông thôn, góp phần phát triển kinh tế và xay dựng mô hình nông thôn mới.

 

Tiếp tục củng cố, phát triển các hệ thống phân phối hàng hóa, trước hết là hoàn thành việc quy hoạc phát triển các hệ thống phân phối gắn với hệ thống sản xuất của ngành hàng trọng yếu, từng bước xây dựng các hệ thống này trở thành lực lượng chủ lực và nòng cốt trên thị trường (xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, lương thực và thuốc chữa bệnh cho người).

 

- Xin cảm ơn ông!

 

 

Theo Báo điện tử Công thương

Tệp đính kèm