Đầu năm là thời điểm các nhà đầu tư (NĐT) lên kế hoạch phân chia tài chính cho một mùa vụ mới. Đây cũng chính là lúc những phân tích, dự đoán cũng như kỳ vọng về các kênh đầu tư được đưa ra để tham khảo.
Nếu như mọi năm, vị trí các kênh đầu tư luôn rất rõ ràng thì năm nay tùy từng thời điểm, thứ hạng của kênh đầu tư lại có sự thay đổi.
Đầu năm chứng khoán...
Mấy năm trở về đây, chứng khoán luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng các kênh đầu tư bao gồm vàng, bất động sản (BĐS), tiết kiệm và chứng khoán. Năm 2009 là năm chứng khoán tạo đáy khi rơi xuống mức 234 điểm vào đầu năm. Nhưng tính đến hết năm, với mức tăng trưởng trên 49%, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có mức sinh lời hấp dẫn nhất. Đó là lý do, nhiều người kỳ vọng, với sự phục hồi chung của kinh tế trong và ngoài nước, năm 2010 chứng khoán sẽ bứt phá và tạo mức sinh lời cao hơn năm cũ.
Không đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng, sở dĩ chứng khoán năm 2009 có mức sinh lời cao vì đã giảm quá mạnh thời điểm đầu năm. Còn sang năm 2010, với xuất phát VN-Index ở mức gần 500 điểm, khó có thể kỳ vọng chứng khoán có mức sinh lời cao như năm trước. "Nhưng nếu cuối năm 2010 thị trường đóng cửa ở mức 600 điểm thì mức sinh lời từ chứng khoán cũng đã là 20%, cao gấp đôi so với tiết kiệm", ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, chứng khoán quý 1 năm nay nhiều khả năng sẽ giảm mạnh bởi tín dụng ngân hàng vẫn đang co cụm, doanh nghiệp vẫn bị khó khăn về vốn, các thông tin hỗ trợ không còn... Thị trường sụt giảm là cơ hội cho các NĐT giải ngân bởi đến cuối quý 1, thời điểm báo cáo tài chính quý đầu tiên trong năm được công bố, thị trường có khả năng tăng trở lại.
Đồng tình với nhận định này, một chuyên gia chứng khoán khác phân tích, có nhiều lý do khiến chứng khoán quý 1/2010 sẽ rơi vào chu kỳ giảm điểm. Đầu tiên là động lực mua trên thị trường không còn. Theo quan sát của chuyên gia này, lực mua trong các phiên giao dịch cuối tháng 12 vừa qua xuất phát từ các quỹ, các tổ chức và các NĐT lớn. Những đối tượng này đã tích cực "gom hàng" trước đó nên họ buộc phải chặn đà giảm điểm đã kéo dài của thị trường. Sau khi tích cực mua vào khoảng 10 phiên, họ đã "hãm phanh" tốc độ lao dốc của VN-Index. Vì vậy, sang đầu năm động lực mua này không còn nữa. Khi NĐT lớn không tham gia, các NĐT cá nhân cũng hết hăng hái và thị trường sẽ giảm trở lại.
"BĐS vẫn lình xình, sàn vàng đóng cửa, lãi suất tiết kiệm đã có trần, nếu suy giảm, chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất thời điểm đầu năm", chuyên gia này nói.
Cuối năm chờ sóng bất động sản
Nếu như chứng khoán được coi là hấp dẫn nhất để giải ngân thời điểm đầu năm mới thì đến nửa sau của năm 2010, BĐS lại được đánh giá cao.
BĐS đã "mất ngôi" hơn 2 năm nay sau khi sụt giảm và đóng băng toàn phần. Nhiều dự báo cho rằng, năm 2010 là năm trở lại ngoạn mục của thị trường này. Tuy nhiên, do phụ thuộc mạnh vào dòng vốn từ hệ thống ngân hàng mà hiện các ngân hàng lại đang cực kỳ căng thẳng về vốn vay nên trong nửa đầu năm 2010, BĐS vẫn chưa có cơ hội phục hồi mạnh.
Nhưng từ quý 2/2010 trở đi, BĐS có nhiều khả năng sẽ bật dậy. Lý do đầu tiên là sau hơn 2 năm chuẩn bị, một nguồn cung khá lớn các dự án căn hộ, đất nền ở hầu hết các thị phần sẽ được tung ra thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu cho cả giới đầu tư và những người thực sự tìm chỗ ở trong mọi phân khúc (thời điểm nóng, các chủ đầu tư hầu hết tập trung vào phân khúc cao cấp, bỏ lửng phân khúc trung bình và thấp). Thứ 2 là do mất thanh khoản và sụt giảm trong một thời gian khá dài, giá nhiều loại BĐS đã ở mức phù hợp.
Điều quan trọng là trong mấy năm qua, TP.HCM đầu tư mạnh về hạ tầng cơ sở nên nhiều dự án sẽ được hưởng lợi từ việc này. Đơn cử như tại Q.2 và Q.9, việc thông cầu Thủ Thiêm vào cuối năm 2010, khai thông đại lộ Đông-Tây... sẽ cộng thêm giá trị cho các dự án ở khu vực này.
Với những lý do trên, theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, BĐS có khả năng dậy sóng vào cuối năm 2010. Tất nhiên, hạn chế của kênh đầu tư này là "kén" NĐT bởi vốn lớn. Sóng trên thị trường này cũng dài hơn so với sóng trên thị trường chứng khoán nên đòi hỏi NĐT phải trường vốn. Đổi lại, kỳ vọng lợi nhuận từ thị trường này trong năm 2010 lên tới 40% - 50% nếu NĐT "vào" đúng thời điểm.
Tất nhiên, mọi nhận định và dự báo chỉ là để tham khảo. Chọn kênh đầu tư nào còn phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, nguồn vốn và kỳ vọng riêng của mỗi NĐT.
Theo Thanh Niên Online